Nguyên Tiêu Bình Định
16:1', 23/2/ 2005 (GMT+7)

Tổ quốc, dân tộc, cách mạng và thơ ca là các ý niệm thiêng liêng trong nội dung của Ngày thơ Việt Nam lần thứ III do Hội Nhà văn Việt Nam phát động trong toàn quốc Rằm tháng Giêng xuân Ất Dậu này.

Mộ Hàn Mặc tử trong đêm Nguyên Tiêu (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Bước vào năm thứ 5 của thiên niên kỷ mới, năm của các ngày lễ trọng đại: 75 năm ngày thành lập Đảng, 115 năm ngày sinh lãnh tụ Hồ Chí Minh, 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 240 năm ngày sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du… diện mạo đất nước chúng ta dường như ánh thêm vẻ rạng rỡ và đĩnh đạc, tài hoa và tinh tế giữa sự tất bật quay cuồng của nhịp điệu thế giới hiện đại. Một lễ hội dân gian mới, một mỹ tục mới kết đọng dư ba của tâm hồn Việt, tính cách Việt đã được xác lập và trìu mến đón nhận, tại Bình Định.

Quyển Sách Trời định phận sông núi nước Nam là niềm xác tín lớn lao trong hành trình độc lập tự chủ của đất nước mình. Gánh ý nghĩa kỳ vĩ của dân tộc lên vai, những vần thơ tự tôn xưa đã mang số phận của máu đào và dòng máu đào bất tử ấy có thể tuần hoàn nóng hổi trên cơ thể ngàn năm đất nước. Đi qua bốn nghìn năm đấu tranh và xây dựng, đi qua các thế kỷ đau thương và anh hùng, sông núi Việt, nòi giống Việt vẫn một tư thế ngẩng cao đầu hiên ngang cùng thế giới hôm nay. Trong hành trình lịch sử oanh liệt ấy, bầu trời đa cảm của những tinh hoa thơ ca vẫn không ngừng vun đắp, không ngừng hoàn thiện truyền thống uy linh con Rồng cháu Tiên! Hai tiếng cội nguồn, lạ lùng thay, cứ mỗi ngày một nồng đượm trong hành trình về biển lớn của sông suối Việt, của con người Việt, của thơ ca Việt!

Theo dòng thời gian lịch sử, nền thơ chúng ta có cả những hoàng đế anh minh cũng như bậc anh hùng, những nhà khoa bảng cũng như kẻ hàn vi, những nhà quyền quý cũng như người sa cơ lỡ vận, của hàng ngũ đại thần cũng như tầng lớp dân đen… Thơ có thể biến túp lều tranh nhất thời trở thành lâu đài vĩnh cửu, bắt giọt lệ khoảnh khắc cất tiếng nói của ngàn trùng, biến vệt bùn vô tư thành nỗi ám ảnh của thân phận số kiếp, đem chữ nghĩa truân chuyên và chân cảm dệt nên gấm vóc và đúc thành châu ngọc… Thử lật lại gương mặt sâu thẳm của thơ Lý Trần, trái tim bi thương của nỗi niềm Kiều, Cung oán, Chinh phụ, tiếng nói đa thanh của Thơ Mới, tâm hồn phong phú mẫn tiệp, hùng tráng và trữ tình của thơ thời đại Hồ Chí Minh… ta sẽ bắt gặp trong mọi nẻo dư vang, nước mắt nụ cười của một dân tộc hiền hòa mà mãnh liệt, chốn bùn lầy thì vươn thành sen trắng, giữa đêm trường thì hóa trăng sao, trong ánh sáng thì ánh lên khúc xạ rực rỡ của cầu vồng… Và chúng ta, những người làm thơ và yêu thơ hôm nay, đã gánh vác chính chúng ta, trong cái cơ thể đất nước và nhân dân của nghìn năm tụ tán bi hoan, nghìn năm hội lưu kết tỏa, nghìn năm phong quang kiêu hãnh. Chỉ cần qua thơ, trong Vạn Hạnh, trong Lý Thường Kiệt, trong Không Lộ, trong Mãn Giác, trong Trần Nhân Tông, trong Nguyễn Trãi, trong Nguyễn Du, trong Hồ Xuân Hương, trong Ôn Như Hầu, trong Đặng Trần Côn, trong Đoàn Thị Điểm, trong Cao Bá Quát, trong Bà Huyện Thanh Quan, trong Nguyễn Khuyến, trong Tú Xương… ta tìm thấy gương mặt chính mình của những thế kỷ xa xăm diệu vợi, ở đó là dung mạo Việt phong sương và thần thái Việt tinh anh "đôi mắt nhìn thấy sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời".

Thơ mặn nồng khi ta gian lao, hào sảng khi ta vui mừng, bao dung khi ta lỡ bước, thành tín khi ta lâm lụy, nhân ái khi ta thành đạt… Thơ vừa là thần tượng để ta kính ngưỡng, vừa là bè bạn để ta tri kỷ, vừa là nhân ngãi để ta tâm tình, vừa là con đường để ta dấn bước, vừa là bờ bến để ta buông neo… Thơ có thể là sông biển quảng bác cho ta sự đắm đuối, có thể là bầu trời cao minh cho ta sự thức tỉnh… Cánh cửa thơ có thể mở toang ra để chào đón một người cùng đinh mà chí thiện nhưng dứt khoát đóng sập lại nếu gặp phải một kẻ bất nghĩa dù rằng áo mão xênh xang. Uy quyền của thể loại vô song này được minh xác bằng máu bằng mồ hôi bằng nước mắt, bằng nhân dân và bằng lịch sử!

Trong thế giới rộng lớn này, đất nước trác việt này, những người đổ mồ hôi sôi nước mắt rạng rỡ nụ cười với xứ sở Bình Định uyên minh, trong bầu trời thơ ca cổ kính của những Đào Duy Từ, Đào Tấn, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan… nhất thiết không thể để cho anh linh những bậc tiền hiền ấy phải phật lòng vì sự thiếu vắng nỗi đam mê của chúng ta trong cuộc sinh tử trên cánh đồng chữ nghĩa, trong cõi thơ bất tuyệt mà họ đã từng gieo trồng và gặt hái một cách mỹ mãn. Đã hai lần cùng cả nước, nơi này hưởng ứng tổ chức hết sức trọng thị và phong phú Ngày thơ Việt Nam ở xứ sở Bình Định để hâm nóng tinh thần thi ca với sự tri ân, với lòng cầu ước, với lao tâm khổ tứ và mặc khải… Bình Định vui mừng vì có một ngày sống trọn vẹn với thơ để những ngày còn lại trong năm, sự bất tuyệt ấy sẽ khôn nguôi xao động, khôn nguôi vang ngân…

Năm nay, như những Ngày thơ Việt Nam và đêm Nguyên Tiêu lần trước ở xứ sở này, những người làm thơ và yêu thơ hướng về ánh trăng Rằm tháng Giêng mà tưởng vọng rằng bầu trời cao thượng của những giá trị vĩnh cửu trong thơ ca Bình Định, thơ ca Việt Nam và nhân loại sẽ luôn đồng hành trong đời sống tinh thần của mình. Vâng, sự đồng hành ấy sẽ luôn biến thành nguồn nội lực cho cảm xúc, cho tư duy, cho hành động mãnh liệt và mơ mộng, bình dị và cao sáng, tinh tế và sâu sắc, dạt dào và lắng đọng… của những con người lao động sáng tạo trên quê hương Quang Trung, trên dải đất anh ba tú khí muôn vàn yêu thương này.

. Nguyễn Thanh Mừng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lưu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ và nhân dân miền biển  (23/02/2005)
Ngày hội thơ năm nay: Ấm cúng và thiêng liêng  (23/02/2005)
Một nghệ sĩ VN làm giám khảo 2 cuộc thi piano quốc tế  (22/02/2005)
Đôi bạn Huy - Xuân đã gặp lại nhau ở cõi vĩnh hằng  (22/02/2005)
Thời sự Văn nghệ  (22/02/2005)
"Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận"…  (22/02/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang   (21/02/2005)
Vĩnh biệt nhà thơ Huy Cận   (21/02/2005)
Sự quan tâm của Đảng đối với văn học cho thiếu nhi   (20/02/2005)
Tổ chức Ngày Thơ Việt Nam vào 23-2  (18/02/2005)
Cổ nhơn: Trò chơi dân gian và trí tuệ  (18/02/2005)
Người vận chuyển (Transporter)  (18/02/2005)
ABBA lại xuất hiện trước công chúng  (17/02/2005)
Bản quyền "Mê Thảo-Thời vang bóng" giá 52.000 USD  (17/02/2005)
Một số nhạc cụ truyền thống của đồng bào Ba na   (16/02/2005)