Thêm mấy cây bút nữ đáng chú ý
15:56', 24/2/ 2005 (GMT+7)

Trong giới cầm bút làm thơ, viết văn ở Bình Định mà bạn đọc quan tâm theo dõi, không mấy ai không biết đến 4 cây bút nữ, có thể xem là "Tứ mỹ nhân" hay "Tứ đại lão gia" của việc viết lách. Đó là Lệ Thu, Trần Thị Huyền Trang, Xuân Mai và Ninh Giang Thu Cúc.

Lệ Thu đã có 7 tập thơ (Xứ sở loài chim yến - 1980; Niềm vui cửa biển - 1983; Hương gửi lại - 1990; Nguyện cầu - 1991; Chân dung tình yêu - 1996; Khoảng trời thương nhớ - 2000; Tri kỷ - 2000). Trần Thị Huyền Trang đã có 2 tập thơ (Những đêm da trời xanh - 1994; Muối ngày qua - 2000), 1 tập truyện ngắn và 2 tập ký chân dung. Xuân Mai cũng có 3 tập thơ (Hạt cát vàng - 1990; Cầu trăng - 1994; Dòng sông thao thức - 2000 và 1 tập truyện thiếu nhi. Ninh Giang Thu Cúc lại có đến 8 tập thơ đã xuất bản (Hoài niệm - 1994; Thức tìm - 1997; Lục bát dâng đời - 1998; Đôi miền hoa rêu - 1998; Nẻo về - 1999; Tôi mời tôi cạn chén đầy - 1999; Miền xưa - 2002; Bờ neo - 2003), chưa kể 9 tập khác vừa thơ văn vừa truyện thiếu nhi chị đã tổ chức xong bản thảo, chỉ chờ đủ điều kiện là cho ra mắt bạn đọc.

Lệ Thu và Trần Thị Huyền Trang là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cả 4 "mỹ nhân" thiên về thơ là chủ yếu. Chỉ Trần Thị Huyền Trang vừa thơ vừa truyện ngắn. Và ở mảng này, chị cũng có những gặt hái đáng kể như giật giải trong cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ với truyện ngắn "Một lứa bên trời" mà chị lấy tên cho cả tập truyện của mình.

Tuy vậy, những năm gần đây có điều đáng mừng là làng văn Bình Định lặng lẽ xuất hiện thêm một số cây bút nữ rất đáng chú ý mà chủ yếu lại là những cây bút văn xuôi. Đó là "Tam mỹ nhân" Nguyễn Mỹ Nữ, Nguyễn Thị Lệ Thu và Đào Thị Quí Thanh.

Nguyễn Mỹ Nữ sinh năm 1955. Chị quê ở Hà Nam, hiện viết văn, viết báo ở TP Quy Nhơn. Nguyễn Mỹ Nữ có truyện ngắn đầu tiên xuất hiện trên báo Văn Nghệ vào tháng 7-1997 và từ đó, chị có truyện ngắn thường xuyên in trên báo chí Trung ương và địa phương như Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội, Phụ Nữ, Tiền Phong, Quân Đội Nhân Dân, Thời Trang Trẻ, Áo Trắng, Đại Đoàn Kết, Văn Nghệ Bình Định v.v… Nguyễn Mỹ Nữ ít xuất hiện trên báo chí trong tỉnh nên bạn đọc Bình Định nhiều người còn chưa biết chị. Nhưng bạn đọc cả nước, nhất là ở TP Hồ Chí Minh khá quen với cái tên Nguyễn Mỹ Nữ. Với truyện ngắn "Bộ bài", Nguyễn Mỹ Nữ đã đạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn 1998-2000 của báo Văn Nghệ và cuộc thi truyện ngắn 2001-2002 của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội; chị cũng "lượm" một giải với truyện ngắn "Hàng xóm". Rồi cuộc thi "Chân dung tuổi mới lớn" của báo Mực Tím, Nguyễn Mỹ Nữ có truyện ngắn "Khoảng trời nhỏ của ông" cũng đạt giải. Nhiều tản văn, đoạn văn của Nguyễn Mỹ Nữ gặt hái khá nhiều giải thưởng ở báo Tuổi Trẻ, Hoa Học Trò, tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp v.v…

Đầu năm 2004, NXB Kim Đồng in bao cấp cho Nguyễn Mỹ Nữ tập truyện ngắn "Mắt núi", số lượng 2.500 bản thuộc "Tủ sách tuổi mới lớn". "Mắt núi" gồm 19 truyện ngắn nho nhỏ xinh xinh viết về tuổi mới lớn, đang là học sinh, sinh viên, về mối quan hệ thầy trò, mẹ con, bạn bè nhiều hồn nhiên trong sáng nhưng cũng thoáng nét ưu tư suy ngẫm. Văn Nguyễn Mỹ Nữ giản dị, chân thành và giàu chất thơ. Cứ đọc tên các truyện cũng cảm nhận được chất thơ trong văn của Mỹ Nữ. Chẳng hạn "Cô bé hay nhặt hoa nhài", "Ra phố với mùa thu", "Những cơn mưa và một mùi hương", "Ngôi nhà có bụi hoàng anh", "Hơi thở đêm giáng sinh", "Hai người và một tiếng hát", "Dòng sông phố" v.v…

Nguyễn Mỹ Nữ cứ lặng lẽ viết, lặng lẽ in và là cây bút văn xuôi có nhiều triển vọng của miền đất võ.

Nguyễn Thị Lệ Thu sinh năm 1967, quê ở An Nhơn và đang là cô giáo ở trường tiểu học An Tân, huyện An Lão. Dăm năm trở lại đây, truyện ngắn của Nguyễn Thị Lệ Thu xuất hiện thường xuyên trên các báo Thiếu Niên, Phụ Nữ, Mực Tím, Khăn Quàng Đỏ, Bình Định, Văn Nghệ Bình Định bằng các truyện ngắn viết cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Đối tượng viết của chị là các cô cậu học trò cuối bậc tiểu học, đầu bậc trung học cơ sở mà chị vốn rất thân thuộc trong những giờ lên lớp hàng ngày. Năm 2001, NXB Trẻ in cho chị tập truyện ngắn "Thương quá đôi tay". Tác phẩm của Nguyễn Thị Lệ Thu còn được chọn in trong các tuyển tập cho lứa tuổi trẻ như tập "Bố sẽ trở về", "Chín bậc cầu thang", "Truyện ngắn đầu tay của các cây bút trẻ". Tháng 4-2004, NXB Trẻ lại cho phát hành tác phẩm của Nguyễn Thị Lệ Thu tham dự "Cuộc thi văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước lần III" là tập truyện ngắn "Đôi bạn" với 15 truyện rất ngắn, gần như những đoạn văn. Nhưng 15 truyện là 15 cảnh đời của các em nhỏ đầy bất hạnh, cũng là sự bao dung độ lượng, vị tha của người lớn giàu lòng nhân ái đã giáo dục các em những bài học nhẹ nhàng mà sâu sắc thấm thía.

"Nó đứng thần người ra, dõi theo bóng anh đến cuối đường. Vậy là trên đời này vẫn có người yêu thương bố con nó. Nó chắc chắn rằng rồi những tháng năm hạnh phúc sẽ tìm về với nó. Nó hớn hở, nó chạy ào về phía gầm cầu, lòng nhẹ nhàng như chưa một lần đối mặt với gian nan" (Dưới ngọn đèn đường).

Trong nghiệp cầm bút chưa lâu của mình, Nguyễn Thị Lệ Thu cũng có những gặt hái. Chị đã đạt giải khuyến khích cuộc vận động viết truyện ngắn giáo dục đạo đức cho thiếu niên nhi đồng do Bộ GD & ĐT và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Chị cũng giành giải ba cuộc thi phóng sự, bút ký do báo Bình Định phát động năm 1998-2000.

Gắn bó suốt đời mình với sự nghiệp giáo dục các em, nghề dạy học cho chị đầy vốn sống và cảm xúc, chắc chắn ngòi bút của Nguyễn Thị Lệ Thu còn có nhiều thành công.

Một cây bút nữ viết văn xuôi còn khá trẻ mấy năm nay bạn đọc cũng đã dần quen tên trên báo chí tỉnh nhà: Đó là Đào Thị Quí Thanh.

Quí Thanh sinh năm 1981 tại Quy Nhơn, là sinh viên văn khoa trường Đại học Quy Nhơn vừa tốt nghiệp. Nhưng Quí Thanh cầm bút từ hồi học THPT và có truyện ngắn đầu tay "Người anh trai" in trên Văn Nghệ Bình Định khi là học sinh lớp 11. Từ đó đến nay, vừa học vừa tập sáng tác, Đào Thị Quí Thanh có nhiều truyện ngắn in trên văn nghệ các địa phương: Bình Định, Bình Dương, An Giang, Kon Tum, An Nhơn v.v… Đào Thị Quí Thanh đã có 14 truyện ngắn ra mắt bạn đọc, đủ sức in thành một tập chững chạc. Nhưng cô chưa muốn công bố, chờ ngòi bút của mình "chín" hơn. Quí Thanh còn một số truyện đang trong dạng bản thảo, trong đó "Nắng tình từ đất" khá dài, kể chuyện một anh kỹ sư nông nghiệp về nông thôn mang kiến thức thu lượm được ở nhà trường áp dụng vào thực tế nơi đồng ruộng. Cũng ở đó một mối tình đầy thơ mộng đã đến với anh, như tia nắng mùa xuân bừng lên từ các luống đất.

Quí Thanh tuy mới rời ghế nhà trường, nhưng đề tài tuổi mới lớn, chuyện của học sinh, sinh viên thì cô lại không hợp gu. Quí Thanh thích đi vào các đề tài xã hội mang đầy chất nhân văn, nhân đạo như nạn nhân chất độc màu da cam, những con người khuyết tật, những số phận không may mắn v.v…

"Tôi cảm thấy giận những đàn ông vô tình này, họ cười cợt trên nỗi đau thiếu may mắn của chị. Tôi chỉ muốn đứng lên nói điều gì đấy cho tất cả mọi người biết rằng đó là một người phụ nữ tốt, chị đã sống âm thầm với nỗi buồn của mình, người như chị chắc cũng có một tình yêu đẹp, dường như chị đang chờ đợi một điều gì đấy tôi không rõ… Dù bước qua tuổi ba lăm, chị không đả động đến chuyện chồng con, mẹ lo lắng, thúc ép, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy…" (Người cùng phố - Truyện mới nhất của cây bút trẻ này vừa in ở Văn Nghệ Bình Định xuân Ất Dậu). Cái "tạng" truyện, nhân vật truyện của Đào Thị Quí Thanh là như thế.

Còn một cây bút nữ "rất mới" nữa tôi muốn giới thiệu. Chị viết và in được nhiều truyện và viết cảm nhận văn chương, bình thơ khá sâu sắc nhưng chị chưa bằng lòng về mình nên chưa đồng ý cho viết. Đành chờ đợi thêm "bề dày" viết lách ở chị.

Thêm 3 cây bút văn xuôi của phái đẹp kể trên quả là điều đáng mừng cho đất văn hóa Bình Định của chúng ta.

. Nguyễn Văn Chương

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đêm thơ Nguyên tiêu nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ ba  (24/02/2005)
Chùm thơ nhân ngày Nguyên tiêu của Mai Thìn  (23/02/2005)
Nguyên Tiêu Bình Định  (23/02/2005)
Lưu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ và nhân dân miền biển  (23/02/2005)
Ngày hội thơ năm nay: Ấm cúng và thiêng liêng  (23/02/2005)
Một nghệ sĩ VN làm giám khảo 2 cuộc thi piano quốc tế  (22/02/2005)
Đôi bạn Huy - Xuân đã gặp lại nhau ở cõi vĩnh hằng  (22/02/2005)
Thời sự Văn nghệ  (22/02/2005)
"Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận"…  (22/02/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang   (21/02/2005)
Vĩnh biệt nhà thơ Huy Cận   (21/02/2005)
Sự quan tâm của Đảng đối với văn học cho thiếu nhi   (20/02/2005)
Tổ chức Ngày Thơ Việt Nam vào 23-2  (18/02/2005)
Cổ nhơn: Trò chơi dân gian và trí tuệ  (18/02/2005)
Người vận chuyển (Transporter)  (18/02/2005)