Những kỷ niệm với nhà thơ Huy Cận
15:39', 25/2/ 2005 (GMT+7)

Tôi mê thơ Huy Cận từ thuở học sinh, sinh viên và đã thuộc lòng những câu thơ tuyệt mỹ và đa tình của ông:

Chiếu chăn không ấm người nằm một

Nhớ bạn chiều hôm sầu gối tay…

Dòng người vào viếng Nhà thơ Huy Cận (ảnh: VietNamNet)

Rất may là sau khi tốt nghiệp đại học (1967) tôi được điều về công tác ở Bộ Văn hóa nên có cơ hội gặp và làm việc gần nhà thơ Huy Cận vì ông là thứ trưởng phụ trách nghệ thuật. Càng gần ông mới thấy ở người thi sĩ lừng danh này có một tính cách đặc biệt là rất chan hòa, rất xuề xòa và vui vẻ với mọi người. Ông rất quý các nữ nhân viên đánh máy nên cảm xúc viết bài thơ "Em đánh" rất hay: "Em đánh cho đời hay đánh ai…". Đi công tác đường xa, ông làm vui cho lái xe và mọi người bằng cách đọc thơ tình và nói chuyện tiếu lâm… Gặp lúc xe hỏng, lái xe phải chữa lâu, ông nằm luôn trên vệ cỏ bên đường ngủ một cách ngon lành. Ông nói: "Ngủ để lấy sức bù cho những lúc phải thức khuya làm thơ".

Tháng 5 năm 1975, sau ngày giải phóng miền Nam, tôi vào Sài Gòn tình cờ gặp nhà thơ Huy Cận ở đây. Tôi mời ông và chị Thu (vợ ông) đến nhà cậu mợ tôi ăn cơm. Nhà thiếu ghế, chủ nhà đang lúng túng, ông liền ra sân bê khúc gỗ vào ngồi ăn một cách vui vẻ, làm cho mọi người có mặt hết sức ngạc nhiên vì không ngờ một nhà thơ nổi tiếng và một vị thứ trưởng mà giản dị như vậy. Biết tôi là người cùng quê với Xuân Diệu, Huy Cận kể cho tôi nghe rằng người yêu đầu tiên của ông là một cô gái Bình Định rất đẹp, nhưng không lấy được nhau, vì lúc đó ông là một sinh viên nghèo ở trường đại học canh nông.

Không ngờ sau này, năm 1967, nhà thơ Huy Cận và Xuân Diệu lại đi hỏi vợ cho tôi. Số là tôi yêu cô sinh viên Bích Ngọc ở khoa sinh vật Đại học Tổng hợp, con một gia đình trí thức ở Hà Nội. Đến khi muốn "đi hỏi vợ" thì không có ai vì cả gia đình họ hàng tôi đều ở cả trong Nam. Tôi đến gặp nhà văn Nguyễn Thành Long cùng quê Bình Định nhờ giúp đỡ. Nhà văn Nguyễn Thành Long liền mách nước: "Cậu đến nhờ ông Xuân Diệu là hợp lý nhất. Thằng Ngọc (em trai ông, sau này là GS Bích Ngọc, chồng NSND Trà Giang) cũng nhờ ông Nguyễn Văn Bổng đi hỏi vợ hộ đấy".

Tôi liền đến 24 Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ) thưa chuyện cùng nhà thơ Xuân Diệu. Ông Xuân Diệu bảo tôi nên mời cả ông Huy Cận đi cùng. "Mình thay mặt đồng hương còn Huy Cận thay mặt Bộ Văn hóa là hợp lý nhất" (lời của Xuân Diệu). Tôi lại lên tầng hai cùng nhà thưa với nhà thơ Huy Cận. Nghe xong ông vui vẻ nhận lời ngay và cuộc "đi hỏi vợ" cho tôi được tiến hành ngay chiều hôm sau.

Sau này, cứ mỗi lần gặp tôi, nhà thơ Huy Cận lại vui vẻ "kể công" "Tôi và Xuân Diệu xe duyên cho cậu với người đẹp ở đại học tổng hợp đấy nhé….".

Mối quan hệ giữa tôi và nhà thơ Huy Cận ngày càng gần hơn, thỉnh thoảng tôi lại tới 24 Cột Cờ (Điện Biên Phủ) địa chỉ mà Xuân Diệu đã có thơ Nhà tôi hai bốn Cột cờ/Ai thương thì tới, ai lờ thì qua để thăm hai nhà thơ lớn và cũng là ân nhân của mình. Cũng đã có lúc nhà thơ Huy Cận tới ăn cơm tại nhà riêng của tôi ở 53A Hàng Bài, trong những lúc vui bao giờ ông cũng nhắc tới chuyện đi hỏi vợ cho tôi.

Năm 1973, sau khi đi nghiên cứu sinh ở Rumani về, tôi làm đạo diễn trưởng ở Đoàn tuồng LK5, nhà thơ Huy Cận đưa cho tôi bài thơ dài "Gặp mặt thiếu niên anh hùng" và bảo tôi đưa cho ông Tống Phước Phổ thử chuyển ra tuồng. Cô Đàm Thanh đã dàn dựng thành một tiết mục tuồng hiện đại khá hay. Hôm đến rạp Hồng Hà xem tổng duyệt, nhà thơ Huy Cận rất xúc động, khi ông thấy các nhân vật thiếu niên trong thơ của ông từ Phù Đổng, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám, Kim Đồng, Kan Lịch… đều sống dậy rất sinh động trên sân khấu. Những câu thơ của ông cũng được tuồng hóa thành những làn điệu nói lối, hát khách, hát nam, hát tẩu… nghe cũng êm tai. Cuối buổi diễn, tác giả Huy Cận nói: "Tôi thật không ngờ nghệ thuật tuồng lại kỳ diệu như vậy, thơ mà diễn ra tuồng rất hay, rất sống động và rất xúc động". Cho đến nay, thỉnh thoảng Nhà hát tuồng Đào Tấn (tiền thân là Đoàn tuồng LK5) vẫn diễn lại tiết mục "Gặp mặt thiếu niên anh hùng" của Huy Cận và khán giả vẫn thích. Chúng tôi coi đây là một đóng góp mới của nhà thơ Huy Cận cho sân khấu tuồng và cũng từ tiết mục này, những đạo diễn tuồng chúng tôi thêm niềm tin là có thể đưa những tác phẩm thơ dài hơi lên sân khấu tuồng.

Ngày 24-2, hàng nghìn người đã có mặt tại Nhà tang lễ Bệnh viện 108 để tiễn đưa nhà thơ Huy Cận - ngọn lửa thiêng của thi ca Việt Nam về nơi an nghỉ cuối cùng. Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến dự lễ truy điệu và đọc điếu văn đưa tiễn.

Một kỷ niệm khác với nhà thơ Huy Cận cách đây không lâu mà tôi muốn được kể ra đây đó là giữa năm 2001 tại hội thảo tuồng cung đình Huế có nhà thơ Huy Cận dự. Trong thời gian hội thảo, những người lãnh đạo trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế muốn làm phim tư liệu, trong đó có việc Huy Cận kể chuyện đại diện Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhận ấn kiếm của triều đình nhà Nguyễn tại điện Thái Hòa (cố đô Huế). Hôm đó nhà thơ Huy Cận còn khỏe, tuy đôi chân có đau nhưng vẫn chủ động bước lên những bậc tam cấp rất cao mà không cần người giúp đỡ. Chúng tôi ngồi quanh tựa như những đại biểu của Việt Minh thời bấy giờ để xem nhà thơ Huy Cận đóng lại vai đại diện của Chính phủ ta tiếp nhận ấn kiếm từ tay vua Bảo Đại. Như sống lại những giờ phút lịch sử cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà thơ Huy Cận đưa mắt chỉ tay ra sân vận động, nơi gần 60 năm trước có hàng vạn người ở thành phố Huế ùn ùn kéo tới dự mít tinh với cờ xí, khẩu hiệu rợp trời ủng hộ chính quyền cách mạng. Nhà thơ Huy Cận còn kể tỉ mỉ những động tác của vua Bảo Đại dâng ấn kiếm lên và ông đã tiếp nhận ra sao. Với giọng nói trầm và còn đậm chất Hà Tĩnh, nhà thơ Huy Cận kể chuyện rất say sưa, rất hấp dẫn như một diễn viên có tài đang nhập vai trên sân khấu. Dường như cái nóng của miền Trung không làm cho ông thấy mệt chút nào.

"Nếu nhà thơ Huy Cận không diễn kể lại một cách sinh động những giờ phút lịch sử ấy thì chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau chỉ còn biết sự kiện vua Bảo Đại trao ấn kiếm qua sách vở mà thôi". Đó là lời nói của giáo sư Vũ Khiêu, người có mặt trong buổi phục hiện lịch sử ở điện Thái Hòa cung đình Huế - tháng 7 năm 2001.

Theo thông báo số 6715 của Văn phòng T.Ư Đảng, Đảng và Nhà nước quyết định truy tặng nhà thơ Huy Cận Huân chương Sao Vàng. Huân chương Sao Vàng dành tặng cho những người có công trạng đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng và dân tộc.

Tuy tuổi cao chân yếu, tai kém nhưng nhà thơ Huy Cận vẫn tích cực tham gia các hoạt động văn học nghệ thuật, vẫn làm thơ và nói chuyện rất hay khi có ai phỏng vấn. Mới tháng trước, TS họa sĩ Hà Vũ - con trai nhà thơ Huy Cận đến nhà vẽ chân dung cho tôi, còn cho biết là cha anh vẫn khỏe, vẫn làm thơ cho báo tết, báo Xuân Ất Dậu, vì thế mà khi nghe tin nhà thơ Huy Cận đột ngột qua đời, tôi thật bàng hoàng xúc động và nuối tiếc vì không được thăm ông và nghe ông nói chuyện lần cuối cùng. Vì đối với tôi dù Huy Cận nói đề tài nào cũng hay, cũng có ý tưởng về tư tưởng, về kinh nghiệm sống và về triết lý nhân sinh. Huy Cận đúng là một nhà thơ lớn - nhà thơ của Lửa thiêngVũ trụ ca, đồng thời cũng là nhà thơ của ruộng đồng và biển cả… Không chỉ trong nước và cả thi đàn quốc tế trên hành tinh này đều biết tới thi nhân Huy Cận. Ông còn là nhà văn hóa lớn, một chính khách đã nổi tiếng từ Cách mạng tháng 8 (1945) với những chức danh: Đại diện phái đoàn Chính phủ Việt minh tiếp nhận ấn kiếm của triều đình Huế, Bộ trưởng Canh nông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bộ trưởng phụ trách văn hóa của Chính phủ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Cây đại thụ Huy Cận ngã xuống là một tổn thất lớn lao cho vườn thơ dân tộc. Thật khó lấy gì bù đắp, thay thế được cho sự hẫng hụt của ngành văn hóa và văn học Việt Nam.

Xin chúc nhà thơ kỳ tài Huy Cận yên giấc chốn vĩnh hằng.

Hà Nội, 22 tháng 2 năm 2005.

. GS Hoàng Chương

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ: Lệ Thu, Phan Thành Minh, Giao Yên  (25/02/2005)
Hạnh phúc không giản đơn  (25/02/2005)
Thêm mấy cây bút nữ đáng chú ý  (24/02/2005)
Đêm thơ Nguyên tiêu nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ ba  (24/02/2005)
Chùm thơ nhân ngày Nguyên tiêu của Mai Thìn  (23/02/2005)
Nguyên Tiêu Bình Định  (23/02/2005)
Lưu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ và nhân dân miền biển  (23/02/2005)
Ngày hội thơ năm nay: Ấm cúng và thiêng liêng  (23/02/2005)
Một nghệ sĩ VN làm giám khảo 2 cuộc thi piano quốc tế  (22/02/2005)
Đôi bạn Huy - Xuân đã gặp lại nhau ở cõi vĩnh hằng  (22/02/2005)
Thời sự Văn nghệ  (22/02/2005)
"Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận"…  (22/02/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang   (21/02/2005)
Vĩnh biệt nhà thơ Huy Cận   (21/02/2005)
Sự quan tâm của Đảng đối với văn học cho thiếu nhi   (20/02/2005)