Bốn mươi năm gắn bó với bục giảng, đến lúc nghỉ ngơi, nhà giáo ưu tú Trương Tham đã tập hợp và ra mắt cuốn sách Cảm nhận và bình thơ (NXBVHTT, 2005) gồm 34 bài viết công phu, như một chút hương gửi lại cho các thế hệ học trò yêu văn chương. Một cuốn sách nhỏ chứa đựng bề dày kinh nghiệm và tâm huyết của người thầy đã từng đào tạo biết bao nhiêu lứa học sinh tài năng.
34 bài viết - một tấm lòng đau đáu vì những vẻ đẹp thi ca! Có không ít bài đã được tuyển chọn vào sách giáo khoa, các cuộc thi bình thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, tạp chí Kiến thức ngày nay. "Lời mở đầu" của quyển sách như một quan niệm và tình yêu của một người thầy "yêu nghề, yêu thơ" về công việc của mình: "Khi còn có thơ ca thì còn có người đọc thơ bình thơ. Bình thơ không chỉ là cảm nhận cái hay cái đẹp các nhà thơ cất giấu trong ngôn từ hình ảnh nghệ thuật mà còn giảng giải, phê bình, khơi lên mở ra những vẻ đẹp ấy. Cho nên bình thơ thực sự là một sáng tạo".
Khi đi vào từng bài viết, người đọc có thể nhận ra dấu ấn sáng tạo tài hoa của tác giả, dù rằng những bài thơ được bình vốn dĩ đã rất quen thuộc và có bao nhà phê bình khác đã "cày xới" tưởng chừng như cạn nghĩa. Lối viết vừa dung dị, dễ hiểu và khúc chiết theo cách tư duy của một nhà giáo, vừa sắc sảo tinh tế uyển chuyển bằng tâm hồn của một nhà thơ có thể chinh phục được những người đọc khó tính nhất.
Nhiều bài viết trong tập sách này lấy tiêu đề rất khiêm tốn như "Vài suy nghĩ về…", nhưng để có những suy nghĩ ấy là cả một quá trình trăn trở với thi ca hàng chục năm. Có những bài trước kia tôi từng được nghe thầy giảng, bây giờ đọc lại trong cuốn sách này lại có thấy thêm nhiều phát hiện mới. Một vẻ đẹp "ngọn nắng" trong ca dao, qua cách bình của thầy, bỗng lấp lánh thêm bao vẻ đẹp của người con gái dân dã trên cánh đồng quê hương.
Đánh giá thẩm bình những giá trị văn chương bao giờ cũng xuất phát từ chỗ hiểu đúng tác phẩm mới nâng tầm cái hay cái đẹp của tác phẩm lên. Bởi thế, trong các bài viết, thầy cũng đưa ra những kiến giải đầy trách nhiệm phản bác những cách hiểu lệch lạc, méo mó tác phẩm tạo nên phản cảm. Ngay cả những người "bình thơ" là giáo sư, tiến sĩ mà hiểu sai cũng được thầy chỉ ra chỗ sai trong từng luận điểm, trên chính những nguyên lý văn chương sơ đẳng nhất. Thiết nghĩ, đó là việc làm cần thiết hiện nay, khi có một số người mượn mác học vị, học hàm để viết cẩu thả, làm những chuyện đê tiện với văn chương (ý Nam Cao), nguy hại hơn là đầu độc và làm méo mó tâm hồn học sinh. Chẳng hạn, bàn về bài thơ Chiều tối của Bác Hồ, bài viết đã chỉ ra những chỗ hiểu sai từ cách phân tích của giáo sư Trần Đình Sử cho rằng Bác "thương mình cô đơn", "muốn dừng chân trên con đường muôn dặm", những ý kiến của thầy Trương Tham nhấn mạnh "nếu vì mục đích nào mà viết thiếu suy nghĩ sẽ vô tình hạ thấp giá trị tư tưởng của những bài thơ của Bác", "không phải chuyện cảm nhận khác nhau về một bài thơ mà là chuyện đúng sai".
Thẳng thắn không vị nể trong tranh luận, sâu sắc trong học thuật và cả quan điểm giáo dục, không ác ý cá nhân, xuất phát từ lợi ích học sinh, những bài viết của thầy đã có những kiến giải mới mẻ về thơ Bác Hồ, những bài thơ cách mạng giá trị của Tố Hữu, Chính Hữu…
Đúng như tên gọi Cảm nhận và bình thơ, người đọc còn được tiếp nhận những cách cảm về thơ Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Xuân Diệu, Nguyễn Bính… đầy chất trữ tình, bám sát chi tiết nghệ thuật để khơi lên giá trị thẩm mỹ, ý nghĩa nhân sinh. Cách bình khoa học, không dựa hơi mà "tán", không "trữ tình ngoại đề" ngoài văn bản, đó là tư duy của người từng nhiều năm quen với việc giảng dạy. Đó cũng là việc làm bổ ích với những giáo viên dạy Văn, những đồng nghiệp và lứa học trò như chúng tôi. Chính những suy ngẫm về tác dụng văn chương với đời sống qua các bài bình đã làm cho những kiến giải của thầy về tác phẩm trong nhà trường càng sâu sắc. Một phần nội dung của quyển sách là những suy nghĩ về việc dạy văn học văn hiện nay, là những kinh nghiệm của một đời dạy Văn, những trăn trở ấy được nói lên bằng giọng điệu tâm tình, như gửi gắm đến "những học trò gần xa".
Tôi chợt nhớ những học trò đã thành danh của thầy: nhà phê bình Trần Mạnh Hảo, GS Trần Đăng Xuyền, hàng trăm người là tiến sĩ, thạc sĩ văn chương… dù thầy chưa hề được phong học hàm học vị gì. Không chỉ dựng lên chính xác chân dung của những các nhà thơ lớn của dân tộc qua các bài thơ, tác giả còn tỏ ra trân trọng với những gương mặt triển vọng, những tác phẩm ngoài nhà trường như các bài bình Sim trên hè phố của Nguyễn Thanh Mừng, Gửi Thúy Kiều của Văn Trọng Hùng, Thơ Bình Định thế kỷ XX... Đó cũng là tấm lòng với mảnh đất Bình Định quê hương.
Trong cuốn Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa từng nhắc đến hình ảnh của một thầy giáo trẻ lặn lội đi tìm gương mặt thần đồng thi ca. Bây giờ, đã bốn mươi năm, người thầy giáo ấy vẫn đắm đuối cùng những vẻ đẹp thi ca, với việc bồi dưỡng tâm hồn cho thế hệ trẻ: nhà giáo ưu tú Trương Tham.
Quy Nhơn, ngày 17 tháng 3 năm 2005
. Trần Hà Nam |