"Từ chặng đường giải phóng đến nhịp điệu dựng xây"
10:36', 18/3/ 2005 (GMT+7)

Đây là tên chương trình nghệ thuật Lễ hội (LH) Kỷ niệm 30 năm giải phóng tỉnh Bình Định. Trong những ngày này, việc tập luyện chuẩn bị LH diễn ra rất khẩn trương. Làm sao để LH thể hiện được những nét riêng của địa phương? Ghi nhận của PV Báo Bình Định về không khí chuẩn bị LH...

* Sẽ có hình ảnh mang nét riêng Bình Định

Học sinh các trường phổ thông tham gia tập đội hình chuẩn bị cho Lễ hội 30 năm giải phóng tỉnh Bình Định.

Theo kịch bản LH, phần hội với màn trình diễn nghệ thuật mang tên "Từ chặng đường giải phóng đến nhịp điệu dựng xây" sẽ kéo dài khoảng 51 phút. Phần hội sẽ được chia làm 3 chương: Chặng đường giải phóng, Mùa xuân đại thắng và Nhịp điệu dựng xây - Nhịp điệu tương lai. Trao đổi với chúng tôi về ý tưởng của kịch bản LH, NSƯT Vũ Hoài, Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, đồng thời cũng là tác giả kịch bản, Tổng Đạo diễn LH, cho biết: "Màn diễn sẽ mang đậm chất sử thi. Nhưng không phải "sử thi" theo cách tái hiện từng sự kiện cụ thể, theo tuần tự thời gian. Bởi nếu cứ chạy theo sự kiện thì sẽ không thể nào khái quát được đầy đủ chỉ trong một chương trình nghệ thuật. Thay vào đó, chất sử thi sẽ được thể hiện qua nội dung khái quát và ấn tượng của lịch sử. Chính vì vậy, màn trình diễn sẽ thực hiện theo hình thức "Nghệ thuật quảng trường". Ở đây, yếu tố trình diễn đông người sẽ chứa đựng những tín hiệu truyền cảm, gợi mở cảm xúc của mọi người, đạt hiệu quả nội dung và thẩm mỹ mong muốn. Qua đó, phục hiện lại những nhận thức vốn có sẵn trong đầu người xem về các sự kiện lịch sử".

Để chương trình LH mang được những sắc thái Bình Định, NSƯT Vũ Hoài cho biết thêm: "Tôi lấy hình tượng rừng dừa và biển Đông làm chủ đạo... Rừng và biển chứng kiến cảnh chia ly của những người con miền Nam lên tàu tập kết ra Bắc. Rừng che chở và thổi bùng lên ngọn lửa khởi nghĩa Tà lốc- Tà lét của đồng bào Bana Vĩnh Thạnh. Rừng và biển cùng hóa thân thành một vũ điệu lửa, kết hợp với những lá cờ giải phóng, thể hiện khí thế cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Bình Định…". Cũng vì vậy, ông nhận định: "Chặng đường giải phóng sẽ là chương gây xúc động nhất với người xem, thể hiện những hình ảnh mang nét riêng của Bình Định".

Chương Mùa xuân đại thắng nối tiếp hứa hẹn sẽ đem lại cảm giác thích thú cho người xem. Trong đó ấn tượng nhất là cảnh Những bước chân thần tốc tái hiện hình ảnh những đoàn quân giải phóng ào ạt tiến về giải phóng quê hương Bình Định. Xen lẫn trong hình ảnh những chiến sĩ giải phóng hôm nay, là hình ảnh những chiếc võng "khiêng ba" cùng trống trận của đoàn quân Quang Trung thần tốc thuở nào… Hai hình ảnh ấy thay đổi nhau liên tiếp, tạo cảm giác thiêng liêng như huyền thoại….

Chương 3 Nhịp điệu dựng xây - Nhịp điệu tương lai sẽ khép lại chương trình hội. Toàn bộ diễn viên tham gia đều được tập trung để thể hiện các cảnh: những ngày mùa bội thu, sức sống mới và tình yêu hạnh phúc, vững bước tới tương lai. Phần trình diễn này có thủ pháp thể hiện khó nhưng hiệu quả nghệ thuật cao. Đây cũng là màn trình diễn sôi động và hoành tráng nhất của chương trình.

Đặc biệt, phần lời bình của LH sẽ do nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh từ Hà Nội vào trực tiếp viết. Ông là người đã viết lời bình cho rất nhiều bộ phim và chương trình nghệ thuật lớn, trong đó có SEA Games 22 vừa rồi.

* Tập luyện lễ hội: nối ngày vào đêm

Sân thể dục thể thao của Đại học Quy Nhơn vào những ngày tháng 3 này, tối nào cũng rộn rã khác thường. Đây là một trong hai điểm tập luyện LH. Điểm còn lại là Sân vận động Quy Nhơn. Trên sân tập, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, cán bộ Trung tâm VH-TT tỉnh, cho biết: "Tham gia tập luyện LH lần này có hơn 2.000 học sinh, sinh viên của các trường: Đại học Quy Nhơn, THPT Trưng Vương, THCS Lê Lợi. Tất cả các em đều học vào buổi sáng cho nên chúng tôi tranh thủ tập luyện vào buổi chiều và tối. Sau hơn 2 tuần tập luyện, đến nay chúng tôi đã tập được 7 trong 10 nội dung của chương trình hội. Từ ngày 21 đến 24-3 chúng tôi sẽ tiến hành tập ráp các cảnh để đến ngày 25-3 sẽ tiến hành sơ duyệt và ngày 28 sẽ tiến hành tổng duyệt".

Việc tập luyện diễn ra thuận lợi nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo các trường. Đặc biệt là Đại học Quy Nhơn, nơi có số lượng người tham gia tập luyện đông nhất. Thường xuyên phải có mặt để quản lý sinh viên trong những buổi tập, ông Hoàng Văn Ánh, Trưởng phòng Công tác chính trị và sinh viên của Đại học Quy Nhơn, khẳng định: "Sinh viên của trường tham gia tập luyện lên đến 1.400 em. Để đủ quân số, chúng tôi phải huy động số sinh viên ở tất cả các khoa. Hầu hết các sinh viên đều có tinh thần tự giác và thái độ tập luyện tích cực".

Thời tiết những ngày này có sự thay đổi thất thường, sân tập lại không được tốt, nhưng các bạn trẻ vẫn tập luyện hăng say. Bạn Phạm Thị Hồng Liên, sinh viên Đại học Quy Nhơn, cho biết: "Tuy có hơi mệt thật nhưng được tham gia và đóng góp một chút gì đó cho ngày lễ lớn của quê hương thì tụi em rất vui. Hơn nữa, được tập luyện cùng rất đông các bạn trong một LH lớn như thế, với em sẽ là một kỷ niệm đẹp và khó quên của thời sinh viên". 

. Hoài Thu

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
"Cảm nhận và bình thơ" của nhà giáo ưu tú Trương Tham  (17/03/2005)
''Thời xa vắng'' đoạt giải Cánh diều bạc  (17/03/2005)
20 giờ tối 16-3, trao giải thưởng Cánh diều vàng   (16/03/2005)
Đại hội Nhà văn các tỉnh miền Trung lần 2   (15/03/2005)
Một lần Yên Tử   (15/03/2005)
Hơn 2.000 diễn viên, học sinh sẽ tham gia phần hội   (14/03/2005)
"Nửa xuân gần gũi, nửa xa xôi"   (13/03/2005)
A Tường vứt xe đạp  (11/03/2005)
Thanh Lam với Nắng lên  (11/03/2005)
Nghệ sĩ Hoàng Minh: Chân hia, chân đất  (11/03/2005)
Những hình ảnh chưa biết về cuộc chiến tranh Việt Nam   (10/03/2005)
Tập luyện chuẩn bị Lễ hội kỷ niệm 30 năm giải phóng Bình Định  (09/03/2005)
Nỗi niềm di sản   (09/03/2005)
Cảm hứng về thân phận người phụ nữ trong thơ ca hiện đại  (08/03/2005)
Một bé gái Việt Nam 12 tuổi đoạt giải "Thơ vì hòa bình" quốc tế   (08/03/2005)