Đọc thơ Hoàng Bảo Linh nghĩ về những hy sinh của người lính
11:23', 20/3/ 2005 (GMT+7)

Tôi đã nhiều lần "gặp" thơ Hoàng Bảo Linh trên Báo Bình Định, trên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định và đã được tác giả tặng một tập thơ do Hội VHNT Bình Định xuất bản. Chất thơ anh cũng giống như tiêu đề mà anh dành cho cả tập "Hoa không tên". Không lớn tiếng, không lên gân, nhưng nó có đủ sức mạnh để đi vào lòng người. Sức mạnh ấy không phải có từ tài hoa của tác giả mà toát ra từ sự chân thành, mộc mạc như chính thực tế cuộc sống vốn đã vậy.

Tập thơ Hoa không tên

Có lẽ, điều tạo ấn tượng lớn khi đọc thơ Hoàng Bảo Linh là những mất mát hy sinh của người lính, mà tác giả cũng chính là một người lính. Từng câu thơ anh viết ra là một dòng nhật ký viết nên từ cảm xúc trên suốt chặng đường cầm súng.

Tôi lật từng trang

Từng khuôn mặt hiện về....

Hoàng Bảo Linh đã thốt lên như vậy khi đọc lại thơ mình. Mà quả thật, với 35 bài trong cả tập, không có bài nào anh không dành cho quê hương và đồng đội. Thấp thoáng những gương mặt bạn bè lại hiện lên trong thơ anh. Có khi là:

...Những người lính mới

Như chồi non chọc thủng thời gian

Hăm hở vươn lên bằng sức bền của đất

Bằng niềm tin của chính mình.

Và có lúc là:

...Thằng bạn hay cười làm nhiều ít nói

Khi trúng đạn trên lưng còn đồng đội

Bữa ăn chiều thừa lại xuất ngô rang

Nhắc đến sự hy sinh của đồng đội, anh cố làm như vô tình, vô tình như sự thừa thãi của một "xuất ngô rang". Nhưng càng dấn sâu vào kỷ niệm, tác giả càng không thể làm như vô tình được nữa. Bởi, những mất mát hy sinh của bạn bè là rất lớn, nó vượt ra ngoài sức chịu đựng của riêng anh - anh cần phải để cho mọi người cùng biết, cùng chia sẻ và cùng hiểu về những nỗi đau và mất mát ấy. Mà quả thật, chúng ta không thể nào bình lòng được khi đọc đến những bài như: Con đường đi xuyên mùa đông, Thì thầm, Từ những dòng lưu niệm, hay Tản mạn ở Vĩnh Kim...

Còn rất nhiều những bài thơ như thế mà Hoàng Bảo Linh muốn chuyển đến bạn đọc như chuyển những lời nhắn gởi của bạn bè. Có lẽ vì thế mà có người gọi thơ anh là thơ của những kỷ niệm không thể quên, là hành trang mang theo trong suốt cuộc đời người lính.

Với sự nhạy cảm sâu lắng của một người làm thơ và những trải nghiệm của một người lính, Hoàng Bảo Linh đã thực sự làm người đọc cảm thấy xúc động khi đọc thơ anh:

Giếng nước tròn như con mắt quê hương

đất nước một thời trải qua nước mắt

hẳn thuở ấy sáng nào người cũng ra đây rửa mặt

để có bây giờ bạn trẻ đến soi gương...

Chỉ những người trực diện với cái chết, với khói bom lửa đạn mới thấy được cái giá của hương đồng, cái giá của "giếng nước trong như con mắt quê hương".

Càng đọc thơ Hoàng Bảo Linh, ta càng đồng cảm và thấm thía với từng nỗi đau, từng niềm vui của tác giả. Trước những hy sinh, mất mát của bạn bè, đồng đội, anh đã "bạc tóc từ ngọn lửa trái tim". Thế nhưng không vì thế mà bi quan dao động, Hoàng Bảo Linh vẫn khẳng định rằng "sự sống và hạnh phúc nhiều hơn là nỗi khổ đau và cái chết".

Chính điều này đã làm cho từng trang nhật ký của Hoàng Bảo Linh đẹp thêm lên. Nó mở cho chúng ta những điều tốt đẹp trong suy nghĩ và hành động sao cho xứng đáng với máu xương của bao người đã đổ.

. Mai Thìn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ chức nhạc hội gây quỹ giúp nạn nhân sóng thần  (18/03/2005)
Vùng tam giác (Triagle)  (18/03/2005)
Thơ: Nguyễn Đình Nhâm, Huỳnh Kim Bửu  (18/03/2005)
"Từ chặng đường giải phóng đến nhịp điệu dựng xây"  (18/03/2005)
"Cảm nhận và bình thơ" của nhà giáo ưu tú Trương Tham  (17/03/2005)
''Thời xa vắng'' đoạt giải Cánh diều bạc  (17/03/2005)
20 giờ tối 16-3, trao giải thưởng Cánh diều vàng   (16/03/2005)
Đại hội Nhà văn các tỉnh miền Trung lần 2   (15/03/2005)
Một lần Yên Tử   (15/03/2005)
Hơn 2.000 diễn viên, học sinh sẽ tham gia phần hội   (14/03/2005)
"Nửa xuân gần gũi, nửa xa xôi"   (13/03/2005)
A Tường vứt xe đạp  (11/03/2005)
Thanh Lam với Nắng lên  (11/03/2005)
Nghệ sĩ Hoàng Minh: Chân hia, chân đất  (11/03/2005)
Những hình ảnh chưa biết về cuộc chiến tranh Việt Nam   (10/03/2005)