Trên những mảnh đất: Nhơn Phúc, Nhơn Phong (An Nhơn), Phước Quang (Tuy Phước), xưa từng là những phố thị tấp nập gắn một thời giao thương Việt - Hoa nhộn nhịp ở Đàng Trong. Theo dấu phố thị xưa, để cảm nhận nhịp biến chuyển thời gian. Và rồi, lòng ta không khỏi có chút ngậm ngùi…
* Một thuở phồn thịnh
|
Hệ thống đê ngăn mặn khu Đông Tuy Phước - phải chăng vùng đất này xưa kia là một thương cảng. |
Trước khi xuôi dòng đổ ra đầm Thị Nại, sông Hà Bạc (sông Côn trung phái) từ tốn chuyển dòng, ôm sát phía đông các thôn làng trù phú của huyện Tuy Phước. Nơi đây, xưa kia là thương cảng Nước Mặn nổi tiếng một thời trên bến, dưới thuyền. Trong những tường thuật về xứ Đàng Trong của các nhà truyền giáo phương Tây đến Việt Nam vào thế kỷ XVII-XVIII, rồi Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đều đánh giá Nước Mặn (nay thuộc xã Phước Quang và Phước Hòa) như một trong những cảng thị quan trọng và phồn thịnh của Đàng Trong.
Vùng trung tâm cảng thị xưa gồm có nhiều dãy phố chạy ngang dọc như bàn cờ, có dãy phố chuyên bán thuốc bắc, vàng bạc, tơ lụa… Nay, chỉ còn lưu giữ chút dấu tích ít ỏi: tảng đá to dựng đứng dưới chân hòn Kỳ Sơn là bến neo thuyền, chiếc cầu ngói vốn xưa bắc qua một nhánh của sông Cây Da, rồi chùa Bà, gò Dinh - nơi làm việc của quan trấn thủ cảng thị, dấu vết nhà thờ Nước Mặn, hai cây cổ thụ và một khu đất trống từng là chợ Nước Mặn tấp nập họp thường nhật…
Nước Mặn được xây dựng theo chủ trương của chúa Nguyễn. Thời kỳ hưng thịnh của Nước Mặn là đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII. Đây là một thời kỳ phố phường đông đúc, ngoài người Việt, người Hoa còn có nhiều người nước ngoài tới truyền giáo và buôn bán.
Sự bồi đắp tự nhiên của sông Côn và biển Đông vào cuối thế kỷ XVIII đã vùi lấp cửa Thử, lòng sông nâng lên, tàu thuyền không vào sâu trong đất liền được, Nước Mặn suy tàn. Nhưng việc suy tàn của Nước Mặn lại tạo điều kiện cho Quy Nhơn phát triển về sau. Nhiều thương nhân Hoa - Việt rời Nước Mặn về Gò Bồi rồi Quy Nhơn.
Khác với Nước Mặn nay chỉ còn như một làng quê bình dị, thị tứ An Thái (Nhơn Phúc- An Nhơn) thì xưa nay đã vang danh. Mảnh đất này vốn đã gắn với câu Roi Thuận Truyền, quyền An Thái và hội Đổ giàn vào dịp Tết Đoan Ngọ. Vào thế kỷ XIX, An Thái đã là một thị tứ đặc biệt phát triển với việc buôn bán thuốc bắc. Xung quanh chợ An Thái và các trục đường chính của thị tứ xuất hiện hàng loạt các hiệu thuốc bắc của người Hoa như Vĩnh Thạnh, Thương Long, Hiệp Mỹ, Vĩnh Phong… Rồi hàng hóa như vải vóc, gốm sứ từ Phúc Kiến, Giang Tây đã theo các thương nhân Hoa kiều đổ về đây. Chợ An Thái, rồi những con đường quanh thị tứ xưa, nay vẫn còn vương dấu vết phồn thịnh. Chẳng thế mà có một điều khá đặc biệt, những hiệu ảnh đầu tiên trên đất Bình Định vốn đã xuất hiện đầu tiên là ở An Thái...
* Nhiều thú vị vẫn ẩn tàng dưới lòng đất
Thú vị nhất khi đến Nước Mặn hôm nay, ngoài tham dự Lễ hội Nước Mặn ở chùa Bà, là ghé thăm những ngôi cổ mộ. Dễ phải đến con số non trăm ngôi mộ cổ trên những thôn xóm nhỏ nhoi này. Nhiều nhất, vẫn là ở thôn An Hòa. Những ngôi mộ mang hình voi (có người gọi là hình yên ngựa), hình rùa khổng lồ mà người dân gọi đó là mả Hời. Những ngôi mộ xây bằng hỗn hợp mật mía, cát, vôi (dân khảo cổ quen gọi là mộ hợp chất) rất kỹ lưỡng, trang nghiêm và bề thế. Qua gió mưa, lại nhuốm thêm vẻ thâm u, kỳ bí. Hoa văn không nhiều nhưng đường nét khỏe, đủ tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, thành kính. Điều đặc biệt của ngôi mộ này là bên cạnh ngôi mộ hình rùa khổng lồ, còn có một ngôi mộ hình rùa nhỏ. Theo đoán định của các nhà nghiên cứu, những cổ mộ này rất có thể là mộ cư dân Chàm muộn, sống trong thời kỳ cộng cư Chàm - Việt - Hoa. Lịch sử đã đề cập đến nhiều thời kỳ này nhưng dấu tích còn lại rất ít ỏi và những cổ mộ như thế này nằm trong số ít đó.
Ai về Nước Mặn, Gò Bồi/ Để thương để nhớ cho người ngàn năm, ấy là một câu ca dao xưa. Quả vậy, đi và trải bước chân mình trên những mảnh đất xưa từng là phố thị, nghe trên từng bước chân, từng di tích vẫn âm âm tiếng nói một thuở chưa xa. Dấu tích xưa, nhưng lại mang trong nó một thông điệp có tính thời sự. Thuở xưa, cha ông ta đã từng rộng cửa cho sự giao thương là vậy, mà Hội An, Nước Mặn là những minh chứng. Đồng cảm với cảnh thương bãi bể nương dâu, ta không khỏi có chút bùi ngùi. Chỉ mong những dấu tích xưa, nay đang trong nguy cơ bị xóa sổ, sẽ được nghiên cứu, khai quật và bảo lưu đủ đầy để còn lại mãi, với người ngàn năm.
. Lê Viết Thọ |