Cách đây chưa lâu, phát biểu trên Đài Tiếng nói VN (trong mục Hộp thư âm nhạc) nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã lên tiếng phàn nàn về việc một số nam ca sĩ khi hát bài "Thuyền và biển" (nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Xuân Quỳnh) đã tùy tiện đổi các từ em thành anh và ngược lại, nên đoạn lời bài hát "Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố" đã bị đổi thành "Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố", làm sai lạc ý nghĩa thực của câu thơ nguyên tác. Nhạc sĩ nói đại ý, hồi mới phổ nhạc bài thơ "Thuyền và Biển", ông có gặp nhà thơ Xuân Quỳnh. Nữ sĩ tâm sự với ông, rằng chỉ có người phụ nữ mới biết lòng mình nổi giông bão ra sao khi phải xa vắng người yêu. Và ông đề nghị các nam ca sĩ từ nay khi hát ca khúc này nên giữ nguyên ý của ca từ như tác giả bài thơ đã gởi gắm. Thật chí phải !
Thế nhưng tối 13-3 vừa qua, chương trình ca nhạc "Giai điệu bạn bè" phát trực tiếp trên sóng truyền hình Bình Định, một đôi nam nữ song ca bài "Thuyền và Biển", chẳng hiểu sao ở đoạn bài hát lẽ ra dành cho giọng nữ thì người ta lại nghe chàng ca sĩ nọ hơn một chục lần gào to "Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố". Thật chẳng ra làm sao !
Một trường hợp khác là bài hát "Đi tìm người hát lý thương nhau" của Vĩnh An. Ai cũng biết, trong ca khúc này, "người hát lý thương nhau" là cô gái, còn "kẻ đi tìm" là chàng trai đa tình. Vậy mà, một nữ ca sĩ hát ca khúc này (được phát nhiều lần trên Đài Tiếng nói VN) đã đổi anh ra em, thành thử khi nghe bài hát người ta hình dung ra cảnh cô gái tìm đuổi hụt hơi theo chàng trai, từ vườn dừa sang ruộng mía, lên rừng quế đến nương dâu…, nghe vừa quái gở vừa khôi hài. Chưa hết, đến câu "Anh thương em như thế, hỡi cô gái Nghĩa Bình" đã bị cô ca sĩ hát thành "Em thương anh như thế, chàng trai của Nghĩa Bình". Trời, đến nước này thì hương hồn nhạc sĩ Vĩnh An làm sao yên được !
Thông thường, khi nhạc sĩ viết tình ca thì nhân vật trong ca khúc đã được xác định đối tượng. Ý ca từ nhằm phản ánh tình cảm, tâm sự của nhân vật xác định đó. Chẳng hạn, trong "Huế thương" (An Thuyên) chàng trai quay về đất Thần Kinh tìm người con gái áo tím mộng mơ. Nếu ca sĩ cứ buộc nhân vật trong ca khúc phải theo giới tính như mình thì chẳng lẽ giọng ca nữ sẽ hát "Dáng anh đi về hòa tan trong Huế", hoặc "Em thấy anh nhỏ xíu em thương" (Ngẫu hứng lý qua cầu - Trần Tiến) hay sao? Lại nữa, "Ca dao em và tôi" (An Thuyên) chẳng lẽ đổi thành "Ca dao anh và tôi" và các cô lại hát thành "Đã có lần anh giận hờn tôi, đêm ra đồng anh đổ ánh trăng vàng đi" ư?
Nhận thức đơn giản của một số ca sĩ khiến họ tùy tiện "chuyển đổi giới tính" cho nhân vật trong ca khúc là điều có thể hiểu được. Song các biên tập viên âm nhạc dễ dãi cho phát đi phát lại nhiều lần trên sóng PTTH những bài hát bị sửa lời theo kiểu "Thuyền và biển" hoặc "Đi tìm người hát lý thương nhau" như đã đề cập ở trên thì thật khó chấp nhận, nhất là sau khi đã có lời nhắn gởi tâm huyết của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Ca sĩ hãy là người thể hiện bài hát, không nhất thiết phải sắm vai nhân vật trong ca khúc. Các nữ ca sĩ Vân Khánh, Hương Mơ… và cả NSND Thu Hiền từng hát rất thành công các bài hát nói lên tình cảm, tâm trạng của phái nam như "Ca dao em và tôi", "Huế thương"… mà đâu có cần đổi anh thành ra em?
. Trần Bì
|