Từ khi phát động (tháng 7- 2000) đến nay, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ở Bình Định đã có bước phát triển. Tuy nhiên, nhìn chung, phong trào này vẫn còn không ít bất cập.
* Triển khai rộng
|
Cổng làng văn hóa Vinh Thạnh (Tuy Phước). |
Ngay sau khi phát động, cuộc vận động đã lan rộng và được đông đảo nhân dân khắp trên địa bàn tỉnh hưởng ứng. Thông qua cuộc vận động, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã đi được vào cuộc sống, được tổ chức và thực hiện có hiệu quả. Nhiều chương trình phối hợp với các sở, ngành như phong trào phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống những người có công với nước, xây dựng đời sống văn hóa, thể dục - thể thao, chăm lo sức khỏe cộng đồng… được lồng ghép triển khai. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ được tổ chức thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú sinh động, nhất là các lễ hội lớn như Lễ hội văn hóa - thể thao miền biển, miền núi; các liên hoan như Liên hoan gia đình văn hóa, Liên hoan làng văn hóa thu hút đông đảo nhiều người cùng tham gia. Có huyện như An Nhơn đã tổ chức thành công liên hoan làng văn hóa từ cơ sở đến huyện, Tuy Phước tổ chức tại một số địa phương trong huyện. Các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, bưu điện văn hóa xã, thư viện... các phương tiện nghe nhìn phát triển, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân.
Phong trào xây dựng đời sống văn minh, đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu phố văn hóa, cơ quan, trường học, đơn vị văn hóa tiếp tục triển khai rộng khắp trên địa bàn. Số hộ gia đình, đơn vị, địa phương được công nhận đạt danh hiệu văn hóa tăng hơn các năm trước. Năm 2004, toàn tỉnh đã có 426 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến, chiếm 56% tổng số khu dân cư, tăng 8,2% so với năm 2003. Toàn tỉnh đã có 796/1.079 thôn, khu phố đăng ký xây dựng làng, khu phố văn hóa, đạt 73,77% và đến cuối năm 2004 có 327 làng, khu phố được cấp huyện trở lên công nhân đạt danh hiệu văn hóa, chiếm 30% số thôn, khu phố toàn tỉnh. Đặc biệt, có 75 thôn, khu phố (chiếm 7,5%) được công nhận danh hiệu văn hóa cấp tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 605 cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa. Đến cuối năm 2004, 336 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu đơn vị văn hóa; trong đó, 59 đơn vị đạt danh hiệu văn hóa cấp tỉnh. Năm 2004 có 93,7% số hộ toàn tỉnh đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, thì đã có 86,3% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trong đó, 958 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa cấp tỉnh.
* Danh hiệu nhiều, chiều sâu thiếu
Bên cạnh những hạn chế như việc triển khai chậm, số đơn vị được các cấp công nhận danh hiệu văn hóa còn thấp, việc triển khai phong trào giữa các vùng, miền, địa phương không đều, công tác xã hội hóa trong phát triển đời sống văn hóa chưa phát huy tốt..., thì hạn chế lớn nhất là cuộc vận động vẫn đậm tính "phong trào" mà chưa đi vào chiều sâu văn hóa. Ngay những địa phương đã được công nhận danh hiệu văn hóa thì tính thuyết phục vẫn chưa cao. Việc triển khai đăng ký nhiều nhưng chất lượng đăng ký, tiêu chí khi đánh giá đạt danh hiệu thực hiện chưa chặt chẽ, mang nặng tính hình thức. Việc xây dựng đời sống văn hóa lại chưa gắn liền với đấu tranh chống các tệ nạn xã hội một cách hiệu quả nên có người nhận xét rằng, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa khá cao, hơn 86% nhưng các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn trong xã hội vẫn chưa được khắc phục đáng kể.
Một mặt yếu khác đáng lưu tâm hơn là những biểu hiện của việc chạy theo hình thức, gây lãng phí. Các tấm biển làng, khu phố văn hóa dựng khắp các địa phương, tốn kém tiền triệu, bất kể đã được công nhận hay không. Đó là chưa kể, ngay dưới tấm biển làng văn hóa thậm chí được cấp tỉnh công nhận, vẫn diễn ra cảnh họp chợ trên đường !
Hiện nay, Bình Định lại đang triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa, trong đó, có một thiết chế bắt buộc là nhà văn hóa. Nếu không tính toán kỹ, cứ đổ tiền xây dựng các nhà văn hóa mà tổ chức các hoạt động văn hóa không theo kịp, lại gây thêm sự lãng phí.
. Khải Nhân
|