Bà Nguyễn Thị Lan, người bạn đời của nhà thơ Yến Lan, cho hay, nhà văn Anh Chi (Hà Nội) đã gửi tặng bà tập sách tập hợp những tác phẩm đã được đăng tải trên Tiểu thuyết thứ Năm; trong đó, có những tác phẩm chưa từng được công bố của nhà thơ Yến Lan.
|
Những tác phẩm mới được sưu tầm lại của Yến Lan. |
Tiểu thuyết thứ Năm là một tuần báo xuất bản ở Hà Nội trước năm 1945. Qua hai giai đoạn hoạt động trong khoảng thời gian từ những năm 1937 đến 1940, Tiểu thuyết thứ Năm xuất bản được khoảng hơn 100 số báo, mỗi số 24 trang, riêng số đặc biệt 32 trang. Do những biến động của lịch sử và thời cuộc, đến nay, Tiểu thuyết thứ Năm hiện chưa được tìm thấy tại các thư viện trong nước. Do vậy, những tác phẩm của Yến Lan, cũng như nhiều nhà văn khác, do chưa kịp tập hợp lại để in thành sách, đã không có cơ hội đến với độc giả hôm nay và đây là một thiệt thòi lớn với bạn đọc và văn học sử.
Mới đây, họa sĩ Hoàng Quỳ, một độc giả của Tiểu thuyết thứ Năm ngày trước đang sống tại Pháp, đã cất công sưu tầm và gửi về cho nhà văn Anh Chi khoảng 60 số Tiểu thuyết thứ Năm. Tuy chỉ là 60 trong khoảng 150 số báo Tiểu thuyết thứ Năm, nhưng đây là những tài liệu rất quan trọng về một thời đoạn của văn học Việt Nam.
Với riêng nhà thơ Yến Lan, những văn phẩm này lại càng trở nên quý giá. Vì trước năm 1945, cùng với thời điểm Chế Lan Viên xuất bản Điêu tàn, Yến Lan đã có ý định xuất bản tập thơ lấy tên là Giếng loạn. Trong đó, ông định đưa bài Trăng tự tử của Hàn Mặc Tử vào như một lời bạt cho cả tập thơ. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lan, tập thơ này đã bị thất lạc trong lúc đi sơ tán ngày Pháp mở chiến dịch Át-lăng đánh vào Quy Nhơn. Những tác phẩm sau này của Yến Lan in trên các sách chủ yếu dựa vào tư liệu lưu giữ trong di cảo của nhà thơ Quách Tấn và gia đình. Do vậy, một mảng lớn trong sự nghiệp văn chương của Yến Lan trước năm 1945 vẫn chưa được tìm hiểu, khai thác đầy đủ.
Chưa biết tập Giếng loạn bao gồm những bài thơ nào, tuy nhiên, có thể những bài thơ chưa xuất bản thành sách này đã được ông gửi đăng trên Tiểu thuyết thứ Năm và do vậy, những tác phẩm mới được tìm thấy này có thể nằm trong tập thơ đã thất lạc mang tên Giếng loạn của Yến Lan chăng?
Lần này, hơn 20 bài thơ của Yến Lan, cùng khoảng gần 10 truyện ngắn, tạp văn của nhà thơ, ký dưới hai bút danh khác nhau là Yến Lan và Xuân Khai được phát hiện lại. Nhà văn Anh Chi nhận xét: "Được đọc kỹ cả hơn 20 bài thơ của ông thời kỳ này, chúng tôi thấy bóng dáng cuộc sống trong thơ ông khá đậm. Còn qua gần 10 truyện ngắn của ông, thấy yếu tố hiện thực phê phán khá rõ, tiêu biểu là các truyện: Ông lão bán cò, Chiếc áo rách… ". Riêng với chúng tôi, đọc những tác phẩm này, vẫn thấy hiện lên một nét riêng của phong cách Yến Lan mà ta đã gặp với Đường xưa, Bến My Lăng, Nhớ làng… Hãy đọc những vần thơ:
Nghe có tiếng quay tơ
Trong nhà nào rên xiết
Buồn như câu ly biệt
Tiễn nhau bên sông mờ
(Hiu quạnh)
nghe như có chút âm hưởng của Ngựa qua từng chuyến. Hay:
Trăng đi từ từ, đi vào máu,
Như sữa tuôn dòng chảy khắp thân,
Tôi yêu trăng quá, mê trăng quá,
Như má yêu môi, đến đến gần…
(Bệnh trăng)
thì lại dường như mang chút ám ảnh bởi một vầng trăng, có lẽ do chịu ảnh hưởng từ những người bạn trong Trường thơ Loạn bấy giờ.
Bà Nguyễn Thị Lan cho biết, hiện bà đã gom những tác phẩm mới được sưu tầm này của nhà thơ Yến Lan thành một tập và có ý định xuất bản dưới tên gọi của tập thơ đã thất lạc Giếng loạn. Hy vọng, những tác phẩm này của Yến Lan sẽ sớm đến với bạn đọc Bình Định.
. Lê Viết Thọ |