Văn hóa công xưởng:
Lâm viên trong xí nghiệp
15:47', 25/3/ 2005 (GMT+7)

Cái vùng đất khắc nghiệt mà hào phóng đến núi non cũng tìm ra biển cả để giao hòa đã hun đúc cho con người Bình Định một tình yêu thiên nhiên thiết tha. Cây lá cùng muông thú luôn là những người bạn tâm giao như một phần đời sống tinh thần với con người. Vậy nên cái sự đặc biệt khi một công ty sản xuất dược phẩm lại là một lâm  viên có tiếng chim hót, suối reo cùng sắc hương của ngàn hoa lá lại là điều dễ giải thích.

           Một góc vườn cảnh.

Năm 1994, Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (CTD-TTBYT) bắt đầu làm ăn khấm khá sau thời gian dài củng cố từ một xí nghiệp ngoắc ngoải bên bờ vực phá sản. Một lần tôi đến thăm và ngạc nhiên khi thấy hàng trăm cây cảnh đủ loại với nhiều dáng thế đẹp được đặt dọc theo các lối vào phân xưởng sản xuất. Những năm tháng đó, phong trào chơi cây cảnh không mạnh như bây giờ nên tôi tò mò. Giải thích cho tôi, Giám đốc Lê Minh Tấn cười khà: "Bây giờ đời sống công nhân đã đỡ rồi, họ không chỉ có nhu cầu bánh mì mà còn đòi được thưởng ngoạn hoa hồng nữa! Số cây cảnh này là của anh em công nhân tự nguyện mang tới đấy. Mỗi người mang tới một cây đẹp, thế là cả Công ty có vườn cây đẹp."

Và cứ mỗi giờ tan ca, công nhân lại được tắm mắt trong cái vườn cây đủ những màu sắc, hình thù. Mọi sự mệt nhọc sau một thời gian lao động bên trong phân xưởng như cũng được rũ bỏ. Họ nhìn ngắm, chiêm ngưỡng vườn cây hoặc ít ra là chiêm ngưỡng chính cái cây do mình mang đến và sung sướng mãn nguyện khi thấy mỗi ngày nó cứ đẹp thêm ra.

Ý tưởng về một lâm viên được đặt ngay nơi sản xuất được hình thành và nó nhanh chóng trở thành hiện thực khi cả ban giám đốc rồi chủ tịch công đoàn cũng đều là những người say mê cây cảnh và giàu tâm hồn nghệ sĩ.

Từ năm 2000, cùng với sự phát triển vượt bậc trong sản xuất kinh doanh, CTD-TTBYT đã quy hoạch và trích phúc lợi hàng trăm triệu đồng xây dựng ngay phía sau cổng ra vào của Công ty một lâm viên. Gọi là lâm viên bởi ở đó người ta có thể nhìn thấy gò đống, núi non, cỏ cây, hoa lá, thác nước và cả một vườn thú với đủ các loại chim công, chim trĩ, chim khướu, chim yểng, gà gô, gà rừng cùng gấu, voọc, khỉ, nai...

Tuy chỉ với vài trăm mét vuông nhưng lâm viên của CTD-TTBYT thật xinh xắn và sống động. Trong mỗi chuyến công tác tìm kiếm, thu mua dược liệu, hễ nghe ở đâu có cây kiểng đẹp, Ban giám đốc hoặc các cán bộ của Công ty lại tìm đến và mang về cho bằng được. Các loài cây kiểng ở đây vì thế mà cứ phong phú dần. Ngoài mai, sanh, me, cừa... những mặt hàng cây thế độc đáo của Bình Định, giờ ở Công ty còn có thêm lộc vừng, sam, nguyệt quế... và đặc biệt là những cây thuốc được uốn sửa công phu như long não, bạch chỉ... Số bonsai đặt ở lâm viên và khắp nơi ở bên ngoài các phân xưởng sản xuất giờ đã lên đến số ngàn! Nhiều cây đẹp mê hồn và đã trở nên vô giá.

Đến lâm viên của CTD-TTBYT, người ta không chỉ được tắm mắt với sắc hương của cây cối, hoa lá; được nhìn ngắm những con thú tung tăng chạy nhảy hay lững thững đi lại trong chuồng mà còn được nghe tiếng đủ giọng chim hót líu lo, tiếng suối reo, cá quẫy...

Trải qua nhiều lận đận, CTD-TTBYT đã vươn lên là một trong những đơn vị sản xuất thuốc hàng đầu trong cả nước. Năm 2004, Công ty được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động thời đổi mới.

Nhưng không là đơn vị chỉ lo làm ăn kinh tế đơn thuần, CBCNV của Công ty đều đã dành riêng cho mình một khoảng trời trong lành để bồi bổ tâm hồn. Những lúc căng thẳng vì công việc, vì các công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, Giám đốc Lê Minh Tấn lại bước ra khoảng trời hoa lá, chim muông ấy. Anh gọi các chú công nhảy múa, anh nô giỡn cùng những chú khỉ, chú nai... Anh tâm sự: "Không có nó chắc không có thuốc nào chữa nổi stress cho tôi". 

Lâm viên giờ đã là một phần đời sống tinh thần của CBCNV ở Công ty, giúp họ yêu hơn công việc của mình và gắn bó cùng đơn vị. Năm 2003, với thành tích làm xanh, sạch, đẹp môi trường trong đơn vị sản xuất, Chi hội sinh vật cảnh của CTD-TTBYT được Trung ương Hội Sinh vật cảnh tặng Bằng khen. Và cũng chính từ sự chăm sóc đời sống tinh thần đối với CBCNV mà năm 2004, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã công nhận Công ty là đơn vị văn hóa.

. Quang Khanh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ: Phạm Vân Hiền, Phan Văn Thuần  (25/03/2005)
Những trang viết từng thất lạc  (25/03/2005)
Chiều sâu văn hóa mới là đích  (24/03/2005)
Đoạt Huy chương vàng tại Argentina  (24/03/2005)
Tản mạn về lao động thơ  (23/03/2005)
Dành "giờ vàng" cho phim Việt Nam  (23/03/2005)
Xin đừng tùy tiện "chuyển đổi giới tính" nhân vật trong các ca khúc  (22/03/2005)
Theo dấu phố thị xưa  (22/03/2005)
Nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành sẽ mở cửa vào giữa tháng 5-2005  (20/03/2005)
Đọc thơ Hoàng Bảo Linh nghĩ về những hy sinh của người lính  (20/03/2005)
Tổ chức nhạc hội gây quỹ giúp nạn nhân sóng thần  (18/03/2005)
Vùng tam giác (Triagle)  (18/03/2005)
Thơ: Nguyễn Đình Nhâm, Huỳnh Kim Bửu  (18/03/2005)
"Từ chặng đường giải phóng đến nhịp điệu dựng xây"  (18/03/2005)
"Cảm nhận và bình thơ" của nhà giáo ưu tú Trương Tham  (17/03/2005)