Vừa qua, Đại hội Nhà văn Việt Nam khu vực các tỉnh miền Trung (từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận) đã diễn ra 2 ngày tại thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tại Đại hội này, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, được bầu chọn đi dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam toàn quốc lần thứ VII tại Hà Nội vào đầu tháng 5-2005. Sau đây là bài viết của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng trước thềm Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam sắp diễn ra.
|
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng |
Tôi ở Bình Định, miền Trung nước Việt, xứ sở của những đám mây diệu vợi đọng bóng những cái tên như thành Phật Thệ hoặc Đồ Bàn của châu Vijaya xưa, thành Hoàng Đế của vương triều Tây Sơn với phong trào nông dân lẫy lừng trong lịch sử. Đây cũng là quê chồng của Huyền Trân công chúa (1306) và quê chồng của Ngọc Hân công chúa (1786) mà quà vu quy dành cho cả hai là số phận của những hoàng hậu khuynh thành. Thi Nại thành trung túng bộ binh chính là câu thơ của vị vua anh hùng và thi sĩ Lê Thánh Tông viết trong cuộc bình trị giang san, xác lập cương giới ở xứ sở này.
Có mối lương duyên nào đó khi Hồng Đức đặt chân về miền Đồ Bàn, Thi Nại và từ đó là những đoàn người thiên di, hòa đời sống mình vào lũy xưa tháp cũ vùng đất biên viễn, phên giậu của đất nước Đại Việt ở phương Nam, vừa là nơi trấn nhậm, vừa là chốn lưu đày, vừa là cõi khai phóng. Cảm thức lịch sử khôn nguôi xao động khi tôi lang thang về nguồn, dọc dài lộ trình ấy là bóng dáng những Đào Duy Từ, Đào Tấn, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Yến Lan… và tôi bắt gặp ở mức độ khác nhau trong tác phẩm của họ những bùng nổ và an nhiên, khuôn thước và cách tân, cổ xưa và tươi mới. Núi không phải là người nhưng người đã nhận từ đó một tầm nhìn, một ký thác. Sông không phải là người nhưng người đã nhận từ đó một hướng đi, một giãi bày. Biển không phải là người nhưng người đã nhận từ đó một đối diện, một gợi mở và cả một thách thức. Số phận Tổ quốc, số phận dân tộc, số phận con người và số phận văn chương không thể không hòa quyện với nhau trong những khúc quanh trường đoạn của lịch sử và văn hóa xứ sở này, ở đó máu mồ hôi và nước mắt thường ròng ròng trên gương mặt những câu thơ. Hòa quyện trong mênh mang ảo diệu, trong u hoài trầm thống, trong sâu xa thăm thẳm, trong hào sảng quang minh, trong ý nghĩa đắp bồi và xác quyết của nền văn chương mà dòng giống Hồng Lạc đã có, đang có và sẽ có. Ông vua đồng thời là Tao Đàn nguyên súy, nói nôm na là Chủ tịch Hội Nhà văn của non sông Đại Việt gấm vóc thế kỷ XV Lê Thánh Tông dường như có một vai trò trong cuộc tham dự thăng trầm ngần ấy thế kỷ, ở đó sao Khuê vẫn thường hằng một nguồn sáng thanh cao và tao nhã.
Ở Bình Định, đó là những đôi lòng tay trong muôn lòng tay cả nước nâng niu cuộc hành trình phong sương của tiếng Việt. Chữ Nôm mà Hàn Thuyên làm văn tế, Hồ Quý Ly dùng thực thi cải tổ, Nguyễn Trãi làm thơ, Lê Thánh Tông ngự chế Hồng Đức quốc âm thi tập …lại đâm chồi nảy lộc ở vương triều Tây Sơn, trong rào rạt thiên lương Quang Trung Nguyễn Huệ, thay chữ Hán, giữ địa vị chính thống trong văn bản nhà nước. Bên cạnh đó, công cuộc La tinh hóa tiếng Việt đã được sự tham dự của cảng thị Nước Mặn phủ Quy Nhơn thế kỷ XVII, một trong những nơi Alexandre de Rhodes nhờ vào ý thức cộng tác của các danh sĩ cũng như cư dân bản địa, hệ thống hóa công trình của các đồng sự, với ý nghĩa phôi thai và sinh nở trong Từ điển Việt Bồ La. Dấu vết này hãy còn lưu lại trên một địa danh độc đáo ở Bình Định, đó là dòng sông La Tinh lững lờ chảy qua huyện cũ Phù Ly. Nắng gió hào hoa và dầu dãi của Đàng Trong ngày ấy đã chứng kiến bản khế ước không lời, nhẫn nại và bền bỉ, trong cuộc tao phùng ngoạn mục giữa chữ Nôm và chữ La tinh, sự phát triển quốc âm quốc ngữ.
Trong cảm thức lịch sử, tôi như một chiếc lá của rừng. Tôi đã từng tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VI, cuối thiên niên kỷ trước. Và bây giờ, trước thềm Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII, vẫn tươi nguyên niềm xúc cảm như hồi ấy, tôi vẫn muốn bày tỏ đôi chút về mảnh đất quê hương, nơi mình sinh sống và sáng tạo, nơi chiếc lá đã tiếp nhận sức vóc và quang hợp từ nguồn mạch của đất trời Bình Định trong đất trời lịch sử văn hóa Việt Nam. Tôi xem cánh cửa Hội Nhà văn mở ra một ngôi đền lộng lẫy gìn giữ và phát huy cốt cách Việt Nam tinh thần Việt Nam văn chương Việt Nam đa sắc thái. Ngày xưa ngay từ trong tên gọi, Tao Đàn với nhị thập bát tú, những người tham dự vào đây là mang ánh sáng khôi nguyên của dải thiên hà. Trong thiên chức trong sứ mệnh, mỗi thời đại có những quan niệm khác nhau nhưng sự cao sáng thì muôn đời vẫn thế. Từ bé đến giờ, tôi vẫn khôn nguôi ám ảnh về nguồn ánh sáng văn chương mà mình tôn kính và ngưỡng mộ. Tôi đến với trang viết cô đơn trong đêm vắng hay chốn đông đảo luận bàn về nghề nghiệp vinh diệu của mình, đều không xa rời tâm thế ấy. Những lúc bất an, tôi nhìn xa ra đông tây kim cổ và soi mặt mình trong gương mặt ngàn xưa đất Việt, lay động khôn cùng. Kỳ lạ thay, một tâm sự vời vợi trong Thiền tông chỉ nam tự, một hiển ước mênh mang trong Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông lại có sức an ủi mãnh liệt đến muôn sau hậu thế, cụ thể là tôi, đến nhường ấy. Ông vua vinh quang đương đêm trốn khỏi kinh thành đi tìm chân tâm rồi lại quay về triều phụng mệnh lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình, tâm thiên hạ làm tâm chính mình. Ông thực thi sứ mệnh trị vì với xã tắc thần dân rồi lại một lần nữa rút chân ra khỏi ngai để đi tìm ý nghĩa thâm viễn của phận người, giữa núi rừng Yên Tử hoang sơ. Tôi lại có sự so sánh xa xôi rằng con đường của ông có gì tương thích với hành trình sáng tạo của kiếp văn nhân thi sĩ truân chuyên và chân cảm? Tôi đã sa vào những liên tưởng đồng dị với ngàn trùng, điều này có thể không khỏi không gây nên cảm giác ôm đồm tản mạn. Nhưng biết nói làm sao, khi trong một vài phát biểu ngắn ngủi giữa ngày hội sang trọng của các nhà văn hiện đại, năm năm một lần, tôi không ngoài việc cầu ước cho những tài năng, những tâm hồn, tinh hoa văn chương đương đại của nòi giống sẽ sản sinh ra những áng ngôn ngữ linh diệu kết tỏa dư ba trong cõi văn hiến bốn ngàn năm. Đẹp và sáng. Cao và sâu. Dạt dào và lắng đọng. Như núi. Như sông. Như biển. Như dung mạo, như thần thái đất nước mình, nhân dân mình. Tôi cũng tin tưởng rằng những người cầm bút Bình Định, trong đó có tôi, dù trong một tỉnh lẻ Trung Việt xa xôi cách trở, nhất quyết sẽ phần nào gánh lấy bổn phận trọng đại này, ở góc độ nào đó có thể nhìn nhận như một cuộc tiếp âm hồi trống thiêng của các vua Hùng. Trong văn kiện mới, Hội Nhà văn Việt Nam khi dành những dòng định vị cho văn học đầu thiên niên kỷ, đã đúc kết rất hay, rất sâu sắc về số phận văn chương, cái đích đến của mỗi nhà văn, tự ngàn xưa đến ngàn sau. Bí ẩn nằm ở chính bản thân mỗi ngòi bút khám phá và sáng tạo, với biên độ, với chiều kích vô bờ và thông điệp của họ sẽ được xã hội đồng tình chấp nhận khi người ta tìm thấy trong đó ánh hào quang của những nhân cách văn hóa lớn, những đỉnh những tầm sáng tạo của thời đại. Tất nhiên, những ngôn từ to tát ấy sẽ không nguội lạnh khi nó luôn được tắm mình trong sắc diện từng cá thể sáng tạo ở một tổ chức hiện tại đang có hơn tám trăm hội viên và ở cả những người cầm bút trên cả nước.
Ở Bình Định, trong thời đại thông tin và kinh tế tri thức này, dù tôi viết về ký ức ngàn năm trong nỗi niềm đi tìm nguồn cội, nhưng không phải bằng bút lá tre hay bút máy bút bi, mà bằng máy vi tính. Vâng, không thể khác đi được trước yêu cầu tốc độ cao, nền văn minh đã cung ứng cho con người những tiện ích thường ngày. Sống giữa nhịp điệu công nghiệp, nối mạng cơ quan và nối mạng toàn cầu để hàng ngày ngồi trước màn hình nhấp chuột nhấn phím vừa biết nội tình công việc mà mình đảm đương, vừa nhìn xem thế giới làm gì. Rồi thứ bảy chủ nhật, cơm đùm cơm gói về các vùng quê tục ngữ ca dao cổ tích… Ngồi trên núi Long Cốt, ngọn núi long mạch của kinh đô Đồ Bàn và kinh thành Hoàng Đế xưa, tôi rưng rưng xúc động lần tìm qua những rêu phong, những gạch đá, thư tịch cổ, đền tháp, miếu mạo, chùa chiền, thành quách... Đến nơi này, dù không phải dùng phương tiện Internet hiện đại nhưng ít nhiều, dường như tôi vẫn "nối mạng" được cảm thức lịch sử văn hóa, giữa muôn trùng xưa sau. Có những đêm thanh vắng, trong tần số cảm ứng như thật như mơ, tôi được nghe trong ngân vang khôn cùng, một tiếng nói của người Việt buổi khai lập, giữa bão giông, giữa sấm sét, giữa mây khói và giữa hương hoa. Vẫn là người Việt muôn xưa, bí thức giống nòi đượm sâu trong huyết quản nhưng ít bị gò bó vào những tín niệm tưởng chừng như khuôn vàng thước ngọc quy định bởi địa vị xã hội cổ truyền bởi họ đang đặt cược số phận trước miệng hùm nanh sấu của đất mới phương Nam thời trung đại. Người Việt đó đi giữa lấm láp và sáng trong bùn đất với mây trời, trong triết lý dân gian cường tráng, trong cả thâm trầm Khổng-Mạnh-Lão-Trang, trong từ bi Phật tổ: "Lễ vật lớn nhất của đời người là sự khoan dung". Khi thời gian lùi xa, ngẩng mặt ngắm vô biên, môi tôi hãy còn dư vị dịu ngọt, tinh tế, dào dạt, uẩn súc của văn chương, của thơ ca, như những sợi tơ tinh trong giăng khắp niềm an ủi vô biên của thân phận.
Bông sen trắng tỏa sáng trên ao, cho dù thượng uyển ngày xưa đã thành vườn thôn dã của bây giờ, nhưng có hề chi, vẫn là bông sen trắng thần hội được vẻ đẹp chân cảm và thánh thiện của trời đất núi sông và cõi người. Nó không thể không khiến tôi sa vào những liên tưởng không dứt về vẻ cao sáng của người văn, nghề văn khi "nối mạng" với miền non nước phế hưng, bùn lầy cát bụi và ngà ngọc vàng son này.
. Nguyễn Thanh Mừng |