Âm vang cuộc thi "Quê hương - ký ức và ước vọng"
16:51', 31/3/ 2005 (GMT+7)

Ít có cuộc thi nào mà thu hút người tham dự đến như vậy. Một năm phát động, 99 tác phẩm của 82 tác giả từ khắp nơi, cả những người quê ở Bình Định nay đã sinh sống ở Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh… thậm chí ở nước ngoài cùng hưởng ứng. Có tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có tác giả là hội viên Hội VHNT tỉnh và tên tuổi đã rất quen thuộc với độc giả báo Bình Định, cũng có tác giả lần đầu cầm bút tham dự một cuộc thi có tính văn chương. Có những người đã ở tuổi trên thất thập lại cũng có những em nhỏ đang ở tuổi học sinh…

Cánh đồng Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn).

Cuộc thi hấp dẫn bạn viết như vậy có lẽ vì nó đã gợi đúng vào xúc cảm sâu thẳm nhất của con người: đó là tình yêu quê hương gắn với một thời tuổi trẻ si mê! Sống trên đời ai cũng có một quê hương. Và dù ít, dù nhiều, ai cũng có một mảng ký ức gắn liền với mảnh đất mà mình đã sống, đã trải. Những mảng ký ức ấy tiềm tàng trong sâu thẳm đáy lòng mỗi người và luôn chực bung trào nếu có ai đó muốn  chia sẻ. Cuộc thi viết "Quê hương - ký ức và ước vọng" của Báo Bình Định chính là cái chạm "khe khẽ" vào nơi "sâu thẳm đáy lòng" ấy, tạo động lực để cho những ký ức quê hương va đập làm "bung trào" cảm xúc. Chả thế mà một tác giả khi được thông báo trúng giải đã tâm tình rất thật rằng: "Có giải cũng vui nhưng những điều gan ruột như một món nợ với quê hương được sẻ chia với mọi người qua báo Bình Định đã là điều hạnh phúc lớn lắm". Tác giả thì được chia sẻ còn bạn đọc lại được đồng cảm, được như tận sống, tận cảm xúc trước những vùng đất của quê hương Bình Định đầy gian khổ, khắc nghiệt đang được biến cải từng ngày từ bàn tay, khối óc của những người con thân yêu.

Qua những trang ký ức, những tên làng, tên đất mộc mạc tưởng chẳng ai biết, chẳng ai nhắc cứ hiện lên lung linh, kỳ ảo. Từ một bến Gỗ, một dòng sông Quai Vạc trong "Tuổi thơ bên Thành Hoàng Đế" đến cánh đồng Mua, dãy Sơn Triều trong "Phố mé Sơn Triều"; từ bến Thị Lựa, bến Bàu Sáu, bến Trường Thi trong "Bến xưa" đến con sông Lại, sông Vố của "Tình quê và những dòng sông"… tất cả gắn liền với một mảnh đời người gian lao lại vừa đầy thơ mộng.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã định nghĩa quê hương rất dài qua bài thơ "Quê hương" vậy mà chưa đủ. Được đọc những tác phẩm của cuộc thi "Quê hương - ký ức và ước vọng" mới thấy hai tiếng "quê hương" ở Bình Định nó đa nghĩa, nó xốn xang đến dường nào! Quê hương là bến nước, con đò; là tiếng trống chầu những đêm khuya khoắt; là tiếng nhạc ngựa gõ đều mỗi tù mù sáng, gõ uể oải vào khuya muộn mằn; là giọng thổ của đất nhồi làng gốm, giọng kim của tiếng va đập búa đe làng rèn... Quê hương còn có cả tiếng gầm rú của máy bay địch, tiếng xích xe tăng nghiến xuống mặt đường; có lửa cháy và có cả dòng sông máu trào cuộn chảy… Quê hương là cô Mai, cô Xuân, cô Tưởng, cô Đào… với những búi tóc dài chấm gót, khuôn mặt trái xoan… đi vào kháng chiến rồi lần lượt hy sinh...

Có lẽ từ cái cảm xúc rất chân thành ấy mà nhiều trang viết về quê hương hết sức mượt mà, lắng đọng. Và vì thế, bạn đọc chợt như bắt gặp được tần số rung cảm từ người viết và sự đồng điệu về một tình yêu quê hương thiết tha, cháy bỏng cứ thế lan tỏa mãi...

. Quang Khanh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khánh thành Cửa Đông thành Bình Định  (30/03/2005)
Chuyện những ca khúc về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh  (28/03/2005)
Bông sen trắng bên Thành Hoàng Đế  (27/03/2005)
Lâm viên trong xí nghiệp  (25/03/2005)
Thơ: Phạm Vân Hiền, Phan Văn Thuần  (25/03/2005)
Những trang viết từng thất lạc  (25/03/2005)
Chiều sâu văn hóa mới là đích  (24/03/2005)
Đoạt Huy chương vàng tại Argentina  (24/03/2005)
Tản mạn về lao động thơ  (23/03/2005)
Dành "giờ vàng" cho phim Việt Nam  (23/03/2005)
Xin đừng tùy tiện "chuyển đổi giới tính" nhân vật trong các ca khúc  (22/03/2005)
Theo dấu phố thị xưa  (22/03/2005)
Nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành sẽ mở cửa vào giữa tháng 5-2005  (20/03/2005)
Đọc thơ Hoàng Bảo Linh nghĩ về những hy sinh của người lính  (20/03/2005)
Tổ chức nhạc hội gây quỹ giúp nạn nhân sóng thần  (18/03/2005)