Tiếng cồng định mệnh, hiện đang trình chiếu tại Rạp 31-3 Quy Nhơn, là bộ lịch sử có tính sử thi, tái hiện tính hoành tráng, ác liệt của trận đánh Buôn Ma Thuột mở đầu cho chiến dịch giải phóng miền Nam. Một điểm đáng chú ý nữa: bộ phim có nhiều cảnh quay được thực hiện tại Bình Định.
|
Cảnh trong phim "Tiếng cồng định mệnh" (ảnh: ST) |
Tiếng cồng định mệnh, kịch bản Chu Lai, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi và Lê Thi, Điện ảnh Quân đội Nhân dân thực hiện với kinh phí 4,5 tỉ đồng. Để thoát khỏi sự mô tả đơn thuần, tác giả đã xây dựng một quan hệ phức tạp giữa những con người ở hai đầu chiến tuyến để nói lên sự trớ trêu của những số phận khi đất nước bị chia cắt.
Bộ phim đã gặt hái tương đối nhiều thành công, nét hoành tráng của cuộc chiến phần nào được tái hiện. Cái được khác của phim là sự dụng công xây dựng tính cách phản diện không một chiều. Đáng chú ý nhất là vai Phạm Ngọc Tuấn, vốn dựa trên nguyên mẫu Phạm Văn Phú, một viên tướng có học, thông minh, phán đoán chính xác hướng tấn công chính của quân ta vào Buôn Ma Thuột, nhưng thất bại vì phải tuân theo sự mù quáng của cấp trên. Để có được một diễn viên đáp ứng được những điều kiện trên, các đạo diễn đã quyết định chọn NSƯT Hoàng Dũng. Hoàng Dũng có nhiều điều gần gũi với nhân vật về độ tuổi, sự thông minh, lịch lãm và nhất là anh có kiến thức, hiểu biết lịch sử nên vào vai tốt. Trong phim có cảnh tướng Tuấn nhận ra con gái mình chính là cô thư ký Dung. Cảnh này diễn rất khó. "Tôi đã khóc thật khi nhận ra "con gái". Để khóc được tôi đã nghĩ đến con tôi"- Hoàng Dũng nói. Với vai diễn này, Hoàng Dũng đã giật giải nam diễn viên xuất sắc nhất năm 2004.
Đặc biệt, bộ phim có nhiều cảnh quay được thực hiện tại Bình Định như cảnh lính ngụy hành binh lên Tây Nguyên, lập cứ điểm 53; cảnh tháo chạy khi nghe Tây Nguyên thất thủ. Hoành tráng nhất trong những cảnh quay này là việc tái hiện lại cảnh quân ta tấn công vào sân bay Hòa Bình - Buôn Ma Thuột, trận mở màn chiến dịch Tây Nguyên, được quay ngay tại Phù Cát.
. Khải Nhân |