Văn học trong nhà trường:
Thêm một cảm nhận về Đây thôn Vĩ Dạ
10:19', 5/4/ 2005 (GMT+7)

Đây thôn Vĩ Dạ là một tuyệt tác của Hàn Mặc Tử - nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt của phong trào Thơ mới (1932-1945)-có sức hấp dẫn đặc biệt và tạo sinh nhiều cách hiểu khác nhau trong tiếp nhận của bạn đọc. Sau đây xin góp thêm một cảm nhận mong có thể tiếp cận giá trị thẩm mỹ đích thực và không bao giờ vơi cạn của thi phẩm.

Khổ thơ đầu mở ra một câu hỏi tưởng như một nghi thức bình thường mà lại chứa đầy năng lượng xúc cảm: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?". Trong ngôn cảnh thơ ở đây có thể hiểu chủ thể trữ tình tự phân thân để đối thoại với chính mình, đối thoại trong độc thoại, và "cả bài thơ là lời độc thoại nội tâm của tác giả" (Mã Giang Lân). Tiếp theo là nhiều chi tiết thơ đầy ấn tượng và thi vị: nắng hàng cau, vườn ngọc, mặt chữ điền… Nắng trong thơ Hàn là hiện thể tinh sáng, ấm áp, tạo một hưng phấn cao độ, sưởi tâm hồn lạnh lẽo buồn đau: nắng tươi, nắng ửng, nắng vàng, nắng hường… Nắng thôn Vĩ là nắng mới, nắng tinh khôi của đất trời, nắng ấm áp, thanh khiết của tình người. Ngọc cũng mang ý nghĩa biểu trưng cho cái thanh khiết, sáng láng, thơm tho: người ngọc, mắt ngọc, lời ngọc, bến ngọc, suối ngọc, trăng ngọc,… Hóa ra cảnh vườn thôn Vĩ là cảnh trong tâm tưởng, là thế giới mơ tưởng của thi nhân, vì thế mà tất cả đều sáng trong, tinh khiết, mướt mát, tơ non. Cả khuôn mặt thấp thoáng ẩn hiện cũng sang trọng, phúc hậu hiền hòa.

Khổ hai cũng không phải là cảnh thực của sông Hương xứ Huế. Thực thì làm sao gió, mây đôi đường được. Gió, mây, nước, hoa ở đây  đều là những ẩn dụ về cuộc đời và kiếp người buồn tẻ, hiu quạnh, cách trở, phiêu tán, chia ly: Gió theo lối gió mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay". Hai câu thơ tiếp theo là những hiện thể đầy huyền ảo, hư thực: thuyền, bến, sông trăng, trăng. Trăng đậm đặc trong thơ Hàn: Thi nhân uống trăng, say trăng, chơi trên trăng, ngủ với trăng… Trăng không chỉ là khách thể đẹp để chiêm ngưỡng, tri âm, mà là một hiện hữu khác của thân xác và tâm hồn thi nhân (Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng). Trăng trong câu thơ thôn Vĩ "chỉ có thể là một mơ ước về hạnh phúc" (Phan Cự Đệ). "Trăng biểu hiện niềm cô đơn tuyệt đối. Trăng cưu mang niềm mơ ước" của thi nhân (Huỳnh Phan Anh). Vậy bến sông trăng là bến của dòng khát khao hạnh phúc và chở trăng về là đem đến niềm hạnh phúc cho thi nhân, nhưng có kịp không? Một câu hỏi phấp phỏng đợi chờ, khát khao hy vọng của một tâm linh đang bất hạnh, buồn đời mà yêu lắm cuộc đời, chưa hề tuyệt vọng.

Nhưng bến sông trăng cũng chỉ là bến mơ thôi! Trăng cõi mộng nên "Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng". Và em cũng chỉ là người trong mộng, trong mơ thôi ! Nên xa xôi, hư ảo, nhìn không ra: "Áo em trắng quá nhìn không ra". Làm sao nhận ra em trinh trắng thánh thiện, thơm tho sáng láng giữa cõi nhân gian bụi bặm này, nơi sương khói mờ nhân ảnh này! Tất cả đều hư ảo, tan biến hết, chỉ còn lại là một nỗi niềm băn khoăn, nghi ngại day dứt: "Ai biết tình ai có đậm đà?". Ai biết tình ai ? Nghe mơ hồ mà sâu thẳm ! Tiếng vọng tha thiết của một hồn đau!

Có lẽ không nên coi Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ tả cảnh thôn Vĩ xứ Huế, ngay cả cho là tâm cảnh, vì cảnh thơ nào mà chẳng qua tâm của tác giả. Bài thơ là một dòng tâm trạng ngầm chảy giữa hai bờ hư-thực mà cảnh thôn Vĩ chỉ là cái vẻ bề ngoài. Khổ đầu là mơ ước đến một thế giới lý tưởng; khổ hai có lưu lượng cảm xúc lớn nhất: dù có đau thương nhưng không tuyệt vọng mà vẫn khát khao hạnh phúc; khổ cuối là ước vọng không thành, trở về thực tại buồn đau. Có thể nói Đây thôn Vĩ Dạ là niềm khát khao hạnh phúc của một tâm linh bất hạnh đau thương nhưng vẫn tin yêu da diết cuộc đời này.

. Phan Văn Thiên

 

Từ nay, trên Báo Bình Định, trang Văn hóa - Nghệ thuật (số thứ Ba hàng tuần) mở chuyên mục mới Văn học trong nhà trường nhằm giúp các giáo viên dạy môn Văn và học sinh các cấp học cùng bạn đọc tham khảo thêm những cảm nhận mới mẻ, độc đáo, ngoài hướng dẫn của giáo trình về những tác phẩm văn học được chọn giảng dạy trong nhà trường. Rất mong các nhà nghiên cứu văn học, các thầy cô giáo đã và đang giảng dạy bộ môn Văn cộng tác với chuyên mục.

Bài cộng tác cho chuyên mục có thể gửi qua bưu điện theo địa chỉ của Báo Bình Định hoặc gửi về địa chỉ email: quangkhanhbbd@dng.vnn.vn.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện tình "lọ lem" hiện đại  (05/04/2005)
Chim anh vũ  (04/04/2005)
Phạm Ánh với "Lối cũ"  (03/04/2005)
Hương mùa hè  (03/04/2005)
Hát hết mình trên đất tự do  (01/04/2005)
Thơ: Lê Ân, Đào Quý Thạnh  (01/04/2005)
Giao lưu thơ nhạc và triển lãm ảnh  (01/04/2005)
"Tiếng cồng định mệnh"  (01/04/2005)
Âm vang cuộc thi "Quê hương - ký ức và ước vọng"  (31/03/2005)
Khánh thành Cửa Đông thành Bình Định  (30/03/2005)
Chuyện những ca khúc về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh  (28/03/2005)
Bông sen trắng bên Thành Hoàng Đế  (27/03/2005)
Lâm viên trong xí nghiệp  (25/03/2005)
Thơ: Phạm Vân Hiền, Phan Văn Thuần  (25/03/2005)
Những trang viết từng thất lạc  (25/03/2005)