Cho đến nay, biết bao thế hệ yêu thơ đã thuộc nằm lòng bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. Vì hai lẽ: một là, chùa Hương là một thắng cảnh nổi tiếng của nước ta ở Hà Tây. Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, vào tiết trời tháng Giêng, từng dòng người thiện nam tín nữ, già trẻ gái trai từ thập phương trẩy hội về vãng cảnh chùa Hương. Đó chính là cái cảnh của cô bé đi chùa Hương trong bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. Hai là, bài thơ như được chắp cánh bay xa, khi nó được phổ nhạc thành bài hát Hôm qua em đi chùa Hương bởi hai tác giả: Giáo sư-nhạc sĩ Trần Văn Khê và nhạc sĩ-ca sĩ Trung Đức.
Nguyễn Nhược Pháp sinh ngày 12-12-1914, và qua đời ngày 18-11-1938, lúc vừa tròn 24 tuổi, khi tài năng đang con sung mãn.
Mở đầu cho phần viết về Nguyễn Nhược Pháp trong Thi nhân Việt Nam , Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận xét rằng: "Thơ in ra rất ít mà được người ta yêu mến rất nhiều tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp".
Sinh thời, Nguyễn Nhược Pháp là tác giả của hơn 10 vở kịch, chục truyện ngắn và hơn chục bài phê bình. Chính ông cùng với bạn là nhà thơ Phạm Huy Thông phụ trách mục điểm sách văn nghệ trên tờ Tiểu thuyết An Nam bằng tiếng Pháp, để bình luận về phim, kịch, thơ lúc bấy giờ.
Với sáng tác thơ, chỉ có tập Ngày Xưa của Nguyễn Nhược Pháp là được xuất bản lúc bấy giờ (1935), khi nhà thơ còn sống, gồm vỏn vẹn 10 bài thơ. Ngày xưa là một tập thơ gồm có 10 bài nhưng đã đưa Nguyễn Nhược Pháp lên hàng những cây bút tài năng trong giai đoạn đầu tiên của phong trào Thơ Mới.
Giữa những nỗi buồn cô liêu của một thế hệ hiện tại đầy bế tắc mà nhiều nhà thơ Mới quẩn quanh khai thác, thì Nguyễn Nhược Pháp bỗng dưng quay lại, dựng lên một thế giới của dĩ vãng. Đó là thế giới huyền thoại trong câu chuyện về nàng Mỵ Nương và hai chàng trai Sơn Tinh và Thủy Tinh trong bài thơ Sơn Tinh và Thủy Tinh. Là nhớ lại tích xưa về hòn ngọc trai đem rửa ở nước giếng Trọng Thủy (Giếng Trọng Thủy) thì càng sáng, như giải oan cho mối tình oan nghiệt "Trái tim lầm chỗ để trên đầu" ( Tố Hữu) của nàng Mỵ Châu:
Bơ vơ ngày cũ tưởng càng đau
Tìm trông phương nào, hỡi Mỵ Châu?
Lông ngỗng cầm tay nhòa ánh lệ
Chàng đi man mác buồn đêm thâu
(Mỵ Nương)
Còn đây là những lời Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống, là cảnh Đi cống ngày xưa…
Trên xe nào mâm vàng dát ngọc
Châu báu, sừng tê và ngà voi
Hai pho tượng vàng đỏ dòng dọc
Bào nạm, kim cương, đai đồi mồi
(Đi cống)
Và cuối cùng là thiên ký sự về một cô bé đi chùa Hương. Thế nhưng, Ngày Xưa đó không phải là dĩ vãng buồn thảm, quạnh hiu, nuối tiếc nữa. Những câu chuyện ngày xưa ấy được ông kể lại bằng giọng điệu đầy vui tươi, hóm hỉnh.
Hoài Thanh thấy rằng: "Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, hình như lúc nào cũng thoáng thấy bóng dáng một người đang khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn khó chịu của các ông tú, từ Tú Suất, Tú Xương đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn".
Ông tả Thủy Tinh cưỡi rồng vàng đến xin cưới như sau:
Theo sau cua đỏ và tôm cá
Chia đôi năm mươi hòn ngọc trai
Khập khiễng bò lê trên đất lạ
Trước thành tấp tễnh đi hàng hai
Nhưng chậm mất rồi, Sơn Tinh đã đến trước. Tức thì, Thủy Tinh ra lệnh cho đồ đệ dương oai:
Cá voi quác mồm to muốn đớp
Cá mập quẫy đuôi tuồng nhe răng
Càng cua lởm chởm như giơ mác
Tôm kền chạy quắp đuôi xôn xao
Xem cảnh ấy ai lại chẳng buồn cười. Hình như thi nhân muốn thế- kiếm chuyện cười chơi. Đến như ý nghĩ của Hùng Vương cũng thật buồn cười:
Hùng Vương âu yếm nhìn con yêu
Nhưng có một nàng mà hai rể
Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều
Còn cái cô bé đi chùa Hương mới thật thà làm sao:
Em đi chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu
Tâm hồn trẻ trung của Nguyễn Nhược Pháp đã làm thời xưa sống lại với dáng vẻ ngộ nghĩnh khác thường và đáng yêu-một thời xưa với những dấu ấn đẹp đẽ mà thanh cao trong tâm hồn người dân Việt.
Nụ cười của Nguyễn Nhược Pháp trong Ngày Xưa bao giờ cũng kèm theo một tí cảm động trong lòng.
Ông miêu tả cảnh Mỵ Nương từ biệt cha đi theo chồng:
Lầu son nàng ngoái trông lần nữa
Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương
Để rồi:
Nhìn quanh khói tỏa buồn man mác
Nàng kêu: "Phụ vương ôi! Phong Châu"
Những câu thơ tình tứ ghép bên cạnh những câu thơ buồn cười mà không chút bỡ ngỡ. Cái duyên trong thơ Nguyễn Nhược Pháp chính là ở chỗ đó.
Ta như gặp một chút thẹn thùng của Nguyễn Nhược Pháp trong tâm hồn cô bé đi chùa Hương:
Thuyền đi. Bến Đục qua
Mỗi lúc gặp người ra
Thẹn thùng em không nói
"Nam mô A di đà".
. Trần Xuân Toàn |