Đĩa phim cho thiếu nhi:
Coi chừng "lợi bất cập hại"
16:8', 8/4/ 2005 (GMT+7)

Đã qua rồi cái thời các em thiếu nhi phải đợi đến 7 giờ tối mới được xem 15 phút của chương trình "Những bông hoa nhỏ". Thời lượng truyền hình dành cho thiếu nhi đã tăng lên rất nhiều, nội dung cũng ngày càng phong phú. Bên cạnh đó là truyện tranh, trò chơi điện tử, mà nhất là băng đĩa... Nếu các bậc phụ huynh không quan tâm đúng mức, có thể mua phải những đĩa "lợi bất cập hại".

* Cảnh giác đĩa phim ngoại

Trẻ em luôn cần sự quan tâm của người lớn trong việc chọn lựa loại hình giải trí phù hợp với lứa tuổi.

Hầu hết các bìa đĩa trưng bày ở khu vực dành cho khách hàng thiếu nhi tại các cửa hàng băng đĩa ở TP Quy Nhơn là những bộ phim truyện hoặc hoạt hình của nước ngoài, khó khăn lắm mới tìm thấy những đĩa do Việt Nam sản xuất và cũng chỉ quanh quẩn: Cổ tích Việt Nam, ca nhạc bé Xuân Mai... "Bọn nhóc bây giờ khoái mấy đĩa "siêu nhân" lắm, suốt ngày ra đây hỏi xem ra phần mới chưa, còn đĩa "cổ tích" thì chỉ có người lớn hỏi mua", anh Chiến, chủ một cửa hàng băng đĩa trên đường Tăng Bạt Hổ, cho biết.

Có dịp xem đĩa phim "Siêu nhân cuồng phong" (đang được các khán giả nhí rất mê), tôi thật sự bất ngờ khi phim hoàn toàn do người lớn đóng, diễn viên nhỏ nhất cũng 16-17 tuổi, trong phim lồng ghép những cảnh quay người thật và những cảnh được xử lý bằng vi tính, nội dung phim phần lớn là đánh nhau!

Trong tập 11 phim "Siêu nhân Gao Ranger Ninja" do Nhật sản xuất, diễn viên chính là 3 thanh niên khoảng trên dưới 30 tuổi trong những bộ trang phục "siêu nhân" đi diệt trừ những con vật có hình thù kỳ quái. Gần cuối phim là hình ảnh 2 cô gái với áo tắm 2 mảnh ngồi trên bãi biển xem đánh nhau. Tuy nội dung không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, nhưng theo nhiều người kinh doanh băng đĩa thì những loại phim này được các em rất thích vì hình ảnh đẹp, thích hợp với trí tưởng tượng phong phú của lứa tuổi nhỏ.

* Sự lựa chọn của phụ huynh

Hầu hết các bậc phụ huynh khi mua các sản phẩm giải trí cho con em mình đều dựa vào sở thích của chúng hoặc nhờ người bán tư vấn. Trong khi đó, trẻ em lại thích bắt chước các bạn đồng trang lứa còn người bán lại muốn bán được hàng thật nhanh. Không ít phụ huynh sau khi nghe cảnh báo về bạo lực trong phim thiếu nhi mới về xem lại và giật mình khi thấy nó cũng tồn tại trong chính hộc đĩa nhà mình.

Cũng có nhiều bậc cha mẹ muốn "chắc ăn" hoặc vì không có thời gian "kiểm duyệt" nội dung nên chỉ lựa chọn những sản phẩm do các hãng băng đĩa Việt Nam sản xuất. Anh Nguyễn Cường, ở khu tập thể Đại học Quy Nhơn, là một trong số đó: "Tôi chỉ chọn cho cháu mình những đĩa ca nhạc thiếu nhi như của bé Xuân Mai hoặc các đĩa "Cổ tích Việt Nam" do nhóm nghệ sĩ Thành Lộc thực hiện. Còn phim hoạt hình thì ngay cả truyền hình cáp tôi cũng không cho cháu xem vì thỉnh thoảng cũng có những cảnh bạo lực, máu me ghê lắm". Tuy nhiên, có lẽ sở thích của các em thiếu nhi cũng đã có nhiều thay đổi. Hầu hết các em thích những phim "cổ tích" đều ở lứa tuổi lớp 2 trở xuống.

Anh Đỗ Nhật Tân, Trưởng phòng quản lý nghiệp vụ Sở VHTT, cho biết: "Kể từ khi có nghị định của Chính phủ về việc bãi bỏ một số giấy phép, trong đó có giấy phép kinh doanh dịch vụ băng đĩa, tình hình trở nên khó quản lý hơn trước vì các hộ kinh doanh chỉ đăng ký tại các phòng công thương ở huyện, thành phố; công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn khi không có danh sách cửa hàng cụ thể. Vì vậy, lượng băng đĩa không tem nhãn hiện nay rất nhiều, kể cả phim ảnh dành cho thiếu nhi".

Chỉ với 5.000 - 7.000 đồng cho một đĩa phim (đĩa sao chép), nhiều em nhỏ có thể dễ dàng tự chọn cho mình những bộ phim ưa thích. Việc trang bị một đầu đĩa VCD hoặc một máy vi tính trong gia đình đã trở nên bình thường đối với nhiều gia đình nên không có gì khó hiểu khi thấy các em ở lứa tuổi lớp 3, lớp 4 tỏ ra rất thành thạo khi sử dụng những thiết bị này vào việc giải trí. Mặt khác, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra rất yên tâm khi thấy con mình không đi ra đường mà chỉ ngồi ở nhà "ôm" chiếc màn hình. 

Trong tình hình băng đĩa lậu xuất hiện ngày càng nhiều như hiện nay, việc không để những em thiếu nhi phải tiếp xúc với các loại phim ảnh xấu không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà cần có sự quan tâm nhiều hơn từ phía gia đình, nếu không, thì việc các em phải sớm tiếp xúc với phim "đen" là điều rất dễ xảy ra.        

. Lê Cường

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt đoạt thêm nhiều giải thưởng quốc tế  (08/04/2005)
"Ngày xưa" với Nguyễn Nhược Pháp  (07/04/2005)
Anh: Tổ chức hòa nhạc kỷ niệm kết thúc Thế chiến thứ 2  (07/04/2005)
Mặt nạ: Một nét đặc sắc của Tuồng cổ  (05/04/2005)
Thêm một cảm nhận về Đây thôn Vĩ Dạ  (05/04/2005)
Chuyện tình "lọ lem" hiện đại  (05/04/2005)
Chim anh vũ  (04/04/2005)
Phạm Ánh với "Lối cũ"  (03/04/2005)
Hương mùa hè  (03/04/2005)
Hát hết mình trên đất tự do  (01/04/2005)
Thơ: Lê Ân, Đào Quý Thạnh  (01/04/2005)
Giao lưu thơ nhạc và triển lãm ảnh  (01/04/2005)
"Tiếng cồng định mệnh"  (01/04/2005)
Âm vang cuộc thi "Quê hương - ký ức và ước vọng"  (31/03/2005)
Khánh thành Cửa Đông thành Bình Định  (30/03/2005)