. Thơ Nguyễn Mỹ
Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ.
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng,
sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa
làn môi
Và rạng đông đang hừng trên nét mặt
Một rạng đông với màu hồng ngọc
Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới
ngày mai…
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!
Nắng vẫn còn ngời trên những lá si
Và người chồng ấy đã ra đi…
Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung
nhè nhẹ
Gió nói, tôi nghe những tiếng thì thào
"Khi Tổ quốc cần họ biết sống
xa nhau…"
Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét…
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly…
(Năm 1964)
Lời bình của Tú Anh
Người đọc cho tôi nghe lần đầu bài thơ này là nhà thơ Tô Hà. Anh đọc thuộc lòng, riết róng và nức nở. Tô Hà đọc thơ bao giờ cũng riết róng, nhưng không phải khi nào cũng nức nở như khi đọc thơ Nguyễn Mỹ. Dường như trong mỗi câu thơ đều thấm đẫm nước mắt nhớ thương người bạn đã vĩnh viễn ra đi. Và khi đọc đến câu thơ cuối cùng, Tô Hà đã khóc thật, khóc nức nở, đến nỗi những câu thơ bỗng nhòe đi, thảng thốt lạ lùng:
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly!
Nhà thơ Bằng Việt từ trong phòng làm việc của Tạp chí Tác phẩm mới bước ra, ngạc nhiên hỏi:- Sao Tô Hà… khóc?
- Vì đọc thơ Nguyễn Mỹ!- Tôi trả lời. Nghĩ ngợi một lát, Bằng Việt bảo:
- Mình sẽ giúp Tô Hà in tập thơ cho Nguyễn Mỹ! Phải in cho bằng được!
Suốt mấy chục năm qua, mỗi lần chạm vào Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ, tôi không sao quên được kỷ niệm xưa.
Vậy mà, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi qua trọn ba mươi năm rồi, tôi vẫn chưa viết được dòng nào về Nguyễn Mỹ và bài thơ định mệnh ấy của anh!
Cũng như tôi, bao thế hệ nhà thơ trước và sau chiến tranh, đều yêu thích Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ. Vì sao vậy? Cùng với bài thơ Con đường ấy, Cuộc chia ly màu đỏ xuất hiện thường xuyên hầu hết các tuyển tập thơ Việt Nam hiện đại, chứng tỏ sức sống và vẻ đẹp trường tồn của nó. Vì sao?
Bài thơ được viết vào năm 1964, năm đầu tiên giặc Mỹ đem máy bay đánh phá miền Bắc. Chiến trường miền Nam đang đánh và thắng lớn, kêu gọi lớp lớp thanh niên lên đường vào mặt trận. Những cuộc chia tay, tiễn đưa người lính ra chiến trường diễn ra từng ngày, từng giờ, làm xao xuyến trái tim thi sĩ. Nguyễn Mỹ đã chọn đúng thời điểm này để viết bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ như là một tất yếu khách quan. Ngay từ cái "tít" bài thơ đã khác người, đã làm cho bạn đọc phải sửng sốt. Sao lại "chia ly"? Hai từ này là hai từ tuyệt đối "cấm kỵ" trong thời buổi đó. Chỉ có thể nói tạm biệt, chia tay, chúc chân cứng đá mềm và hẹn ngày gặp lại… chứ sao lại nói "chia ly"?
Vậy mà Nguyễn Mỹ vẫn gan góc viết là "Chia ly". May sao, đó là cuộc "chia ly màu đỏ". Một cuộc chia ly có màu, màu đỏ, vừa là cái giá đỡ, cái khiên che, vừa là một ẩn dụ đầy linh nghiệm.
Nhân vật trữ tình- nhà thơ- ở đây là nhân vật thứ ba, là người quan sát. Nhà thơ cảm thấy, trong cuộc chia ly này, mình phải là kẻ khách quan, là người quan chiêm mới thỏa đáng, và ngầm tuyên bố rằng: Hỡi các bạn, tôi là kẻ đứng ngoài đấy nhé! Bất chợt trưa nay, trưa một ngày sắp ngả sang đông/Thu bỗng nắng vàng lên rực rỡ, tôi vô tình lạc bước vào công viên và chợt bắt gặp một cô áo đỏ tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa. Chỉ vừa thoạt nhìn thôi, nhà thơ đã xúc động rồi, và ngay lập tức, nhà thơ định danh cho cuộc chia ly ấy: Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/tươi như cánh nhạn lai hồng! Rồi, như một ống kính máy quay, cái nhìn của nhà thơ bỗng "Room" vào cận cảnh:
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Rồi vào đặc tả:
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời
Và, vì là nhà thơ nên ông có ngay một lời bình về những giọt nước mắt kia, những giọt nước mắt như những hạt ngọc đang "chảy trên bình minh hé giữa làn môi/ Và rạng đông đang hừng trên nét mặt/ Một rạng đông với màu hồng ngọc".
Ống kính máy quay của nhà thơ vẫn hướng theo họ với một cú "lia" toàn cảnh và thấy
Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình…
Họ ngồi dưới bóng rợp của cây si để nói với nhau chuyện gì thì nhà thơ không biết. Vì vậy, bằng vào cảm xúc của mình, ông tưởng tượng câu chuyện hai người đang nói với nhau và đinh ninh rằng nhất định là họ đang nói tới ngày mai:
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp
Ống kính lơ đãng chiếu lên vòm cây và thấy "Nắng vẫn còn ngời trên những mắt lá si" nhưng "người chồng ấy đã ra đi…" Khi ống kính quay trở lại, người thiếu phụ chỉ còn lại một mình trong vườn hoa và nhà thơ nghe phảng phất đâu đây trong tiếng gió:
Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói, tôi nghe những tiếng thì thào
"Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau!"
Tới đây, cuốn phim của nhà thơ đã hết. Nhưng là người "quay phim", nhà thơ phải viết tiếp lời bình cho cuốn phim hoàn chỉnh. Và nhà thơ đã bình những hình ảnh kia thấm thía đến tuyệt vời:
Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như (cái) màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng bên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét…
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly!…
Như vậy, bài thơ là một cuốn phim tài liệu (hay phóng sự?) và những lời bình. Cái vẻ tưng tửng khách quan này làm lòng người rướm máu, nhưng cũng làm chợt thức một ý chí kiên cường! Cả bài thơ là một bức tranh theo trường phái ấn tượng, đầy màu sắc, tràn ngập màu sắc, với một gam màu nóng, rực rỡ đến chói gắt. Bạn yêu thơ, bạn hãy tính xem, có bao nhiêu màu sắc trong bài thơ này? Ở phương diện ấy, Nguyễn Mỹ chính là một họa sĩ, họa sĩ của ngôn từ! Tôi mong muốn biết bao, các họa sĩ của chúng ta, hãy vẽ một bức tranh với chủ đề Cuộc chia ly màu đỏ.
Vậy, cái tài tình của bài thơ chính là trong thơ có họa, trong thơ có phim, trong thơ có truyện và trong thơ là… thơ!
Và Nguyễn Mỹ- với tư cách chiến sĩ- đã lấy máu của chính mình để bảo hiểm cho những dòng thơ ấy.
. Theo Thơ- phụ bản Báo Văn nghệ, số 22, tháng 4-2005 |