Là thành viên trong đoàn cán bộ, phóng viên Báo Bình Định một lần hành hương về Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) những xúc cảm về nguồn cội âm vang mãi trong tôi...
|
Di tích Đền Hùng (ảnh: ST) |
Từ Việt Trì, thành phố ngã ba sông, ngược lên Quốc lộ 2 khoảng gần 20 cây số là đến Khu di tích Đền Hùng. Ai đó đã từng viết: không tiếp xúc với cội nguồn thì không thể sống hạnh phúc. Bởi vậy, khi trước mắt chúng tôi là quần thể núi lô nhô chắn ngang tầm mắt, anh bạn đồng nghiệp ở Báo Phú Thọ chỉ tay về ngọn nằm ở trung tâm và gọi tên: Nghĩa Lĩnh, thì tự nhiên trong lòng mỗi người lại dâng lên một cảm giác lạ. Có lẽ là cái cảm giác khi mình sắp được đặt chân lên mảnh đất cội nguồn....
Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là núi Cả theo cách gọi địa phương hay các tên khác là núi Hùng, núi Hy Cương), có độ cao 175 mét so với mặt nước biển. Đứng trên núi Nghĩa Lĩnh, phóng tầm mắt xa, ta ôm trọn cảnh thế ngoạn mục hùng vĩ của một vùng đất thiêng. Lại thấy cảm phục tâm ý tiền nhân khi đã chọn đất này làm nơi đặt mộ tổ. Chợt nhớ chuyện xưa còn kể, rằng Vua Hùng đã đi khắp mọi miền, rồi mới về đây chọn làm đất đóng đô.
Người dân địa phương giải thích, núi Hùng có hình đầu một con rồng đang bay về phía Nam, mình rồng uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo ở phía sau; bên phải là dải đồi thấp xòe ra như "con phượng cặp thư" và phía bên trái vùng đồi (Khang Phụ) y như một con hổ nằm; cạnh đó dãy đồi An Thái hiện ra như một "võ sĩ bắn cung". Trước mặt, là vùng Việt Trì, xưa vốn là kinh đô của nhà nước Văn Lang, có hàng chục quả đồi như đàn rùa vừa từ Ao Việt bò lên; xa xa là ngã ba Hạc, nơi Đà giang, Thao giang, Lô giang cùng nhập vào làm một như dải lụa màu, tạo ra một vùng nước lớn mênh mông, làm ranh giới của cố đô xưa. Phía Đông xa mờ là dãy Tam Đảo trùng điệp (núi mẹ), xa về phía Nam là dãy Ba Vì cao ngất (núi cha) tụ lại. Đất ấy, thế ấy, hội tụ khí thiêng sơn thủy.
Sau một hồi nhìn ngắm một vùng núi non, mây trời cho đã thèm con mắt, chúng tôi thong thả bước chân theo bậc đá lên đỉnh Nghĩa Lĩnh. Những con đường bậc đá, hai bên là những tán cây mang dáng vẻ của rừng tự nhiên mà xưa kia, từng là cánh rừng già nhiệt đới. Những cây đại thụ như đa, thông, thiên tuế, cùng với hàng vạn cây cao thấp, hòa thành một sắc xanh tỏa bóng một vùng tâm thức dân tộc.
|
Hành hương về Đất Tổ (ảnh: ST) |
Điểm dừng chân đầu tiên là đền Hạ, tương truyền là nơi tổ mẫu Âu Cơ chuyển dạ sinh ra bọc trăm trứng, nở trăm con. Qua đền Hạ, chúng tôi lên đền Trung, nơi mà hơn 2.300 năm trước, vua Hùng dựng quán nghỉ ngơi ngắm cảnh và bàn việc nước với Lạc Hầu, Lạc Tướng. Tương truyền đây là chốn hoàng tử Lang Liêu dâng bánh dày, bánh chưng, cũng là nơi dựng Hùng Vương Tổ Miếu.
Lên đến đỉnh Nghĩa Lĩnh là đền Thượng, có lăng Vua Hùng. Chuyện rằng, nơi đây, các vua Hùng lập "kính thiên lĩnh điện" (điện thờ trời), thờ ba ngọn núi thiêng là đột ngột cao sơn (núi Hùng), áp sơn (núi Trọc), viễn sơn (núi Vặn); thờ thần lúa, thờ Thánh Gióng. Khi được nhường ngôi, Thục Phán đã dựng cột đá thề ở đây. Còn lăng chính là mộ vua Hùng thứ 6. Tương truyền sau khi đuổi giặc Ân, người cởi áo vắt trên cành kim giao rồi hóa, táng tại đây.
Từ lăng đi xuống, chân núi phía Đông Nam là đền Giếng. Theo những bậc đá xuống núi, chúng tôi ghé thăm đền Giếng, nơi mà tương truyền mỗi lần lên núi Nghĩa Lĩnh, Tiên Dung và Ngọc Hoa đều đến bên hồ nước trong như ngọc ở nơi này gội đầu, soi gương điểm trang dung nhan... Sau này khi lập đền thờ Tiên Dung - Ngọc Hoa, người xưa đã chọn nơi có mạch nước thiêng này để xây và đặt tên là đền Giếng. Trong đền này có giếng Ngọc, bốn mùa đầy nước, trong vắt soi gương được, mà theo người dân địa phương thì giếng Ngọc không bao giờ cạn, kể cả những năm đại hạn.
Chạm tay lên thành giếng, soi xuống mặt giếng ngọc, rồi nhìn lên ngôi đền Giếng, cũng bình thường như bao giếng nước khác, một ngôi đền không hẳn là to lớn, vậy mà sao lòng lại thấy rưng rưng. Ta vừa chạm tay vào một di vật của cha ông, hay chạm tay lên một miền tâm thức dân tộc. Mới cảm niệm thật rõ ràng về những bài học lịch sử vốn đã nằm lòng từ ngày thơ thiếu nhỏ.
Xuôi con đường từ Nghĩa Lĩnh về Việt Trì, ngang những con đường trải qua những vùng đồi núi, tiếp nối những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu do phù sa của ba con sông bồi đắp. Ngắm mạch đất, nghĩ về công sức của bao thế hệ người Việt đã đổ xuống, trong ý nghĩ lại vang vọng mấy câu mà GS Vũ Khiêu viết trong Chúc văn đọc trong lễ giỗ Tổ năm 2000: "Giang sơn một khoảnh, sao cho vạn đại trường tồn/Rừng bể đôi nơi, cùng dựng bốn phương hùng vĩ".
. Khải Nhân
|