Hình ảnh người phụ nữ trong ca khúc chống Mỹ cứu nước
11:16', 17/4/ 2005 (GMT+7)

Chiến tranh đã đi qua nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong những ca khúc viết trong kháng chiến chống Mỹ đã đủ sức dựng  lại giá trị chân thực của người phụ nữ Việt Nam trong lửa đạn.

Năm 1967, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Nguyễn Văn Tý đã viết bài Tiễn anh lên đường khắc họa hình ảnh người phụ nữ đồng bằng khi tiễn đưa chồng đi đánh giặc. Bằng chất Chèo, với giai điệu giản dị, lời ca mộc mạc đã khắc họa tâm tư người vợ hậu phương: "Yên tâm vững bước mà đi/ Hỡi người mà em yêu/ Việc nhà việc nước có bao nhiêu em sẽ làm tròn". Và họ đã thật sự làm thay cho chồng: "Anh thấy chưa/ Chúng em học cày rồi/ Này chớ có lo mùa tới/ Đây thiếu những người cuốc bẫm cày sâu".

Cũng như Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ An Chung đã nhìn thấy niềm  vui của người phụ nữ với công việc đồng áng trong ca khúc Đường cày đảm đang. Giai điệu rộn ràng, phóng khoáng: "Ở làng quê ta/ Cày bừa giờ gái thay trai/ Từ luống cao đồng trũng ngoài/ Cày khéo tay nổi tiếng thôn Đoài".

Nguyễn Đức Toàn lấy chất liệu dân ca quan họ xây dựng nên một giai điệu rất thoáng nhưng sâu lắng trong bài Khâu áo gởi người chiến sĩ: "Người ơi! Người ơi/Đường kim mũi chỉ vá áo cho anh để mùa đông đỡ rét/Để mùa hạ che mưa…".

Cùng góc nhìn này ở người phụ nữ, Thái Cơ trong Thư ra tiền tuyến có phần cứng rắn hơn, tin tưởng hơn: "Nơi quê nhà yêu mến, sau giờ em trực chiến/ Viết lá thư này gởi tới anh/ Em rộn ràng vui như trên đồng, chim trời chấp chới".

Trong chiến tranh, cứ ngỡ chỉ có âm thanh gào xé của bom đạn, nào ngờ người nhạc sĩ cũng thấy được giây lát bình yên. Phó Đức Phương nhìn thấy một cánh cò, một đồng lúa mênh mông…và Những cô gái quan họ của anh hiện lên lung linh: "Quê hương ta biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp đảm đang/ Việc nước, việc nhà vẹn toàn/ Nắng mưa nhọc nhằn vẫn tươi duyên…".

Nét tươi duyên đó, pha chút kiêu hãnh được tìm thấy ở ca khúc Bài ca Hà Nội. Chiến tranh dường như  nhường bước cho tâm hồn bay bổng của cô gái Hà Nội: "Ơi cô gái/ Súng trên vai sao vuông đầu mũ/ Em đi về đâu, mà mắt em tươi sáng/Em đi về đâu, mà chân bước hiên ngang/ Những hôm miệt mài trên bãi tập/ Chiến công này hẳn có tay em…".

Giai điệu bài ca mềm dịu bởi được kết cấu từ nhiều luyến láy vang lên tự hào.

Với chất liệu Tây Bắc nhất là từ điệu hát then, Văn đã làm hiện lên người phụ nữ dân tộc duyên dáng nhưng không kém phần vất vả trên mặt trận diệt giặc dốt qua bài Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi: "Cô tìm ai?/ Tìm người yêu đang đứng đợi bên bờ suối chắc?/ Không! Không ! Không !/ Cô đi tìm dạy đàn em nhỏ chưa biết chữ trên đỉnh núi cao …".

miền Nam, trên tuyến đầu chống Mỹ, hình ảnh người phụ nữ hiện lên qua các ca khúc thật sống động. Đó là Bài ca nữ anh hùng miền Nam của Lê Lôi, Tải đạn ra chiến trường của Thanh Anh, Rừng xanh vang tiếng ta của Phương Nam…Họ hiện lên thật hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù.

Ca khúc viết về chiến tranh nhưng thật uyển chuyển. Nghe hát Cô gái Sài Gòn đi tải đạn của Lư Nhất Vũ, mà cứ muốn hát đi hát lại, bởi giai điệu đẹp, và lời ca duyên dáng quá: "Chim kêu ven rừng/ Suối gọi ta lên đường nặng hai vai/ Hoa mai vàng chen lá ngụy trang".

Phụ nữ đồng bằng rồi phụ nữ đô thị đánh giặc. Phụ nữ Tây Nguyên cũng đánh giặc, chẳng thua kém ai. Hẳn ai cũng nhớ tới bài hát Cô gái vót chông của Hoàng Hiệp vang lên rộn ràng, tươi nhộn. Rồi nhớ đến Bóng cây Kơ-nia của Phan Huỳnh Điểu. Người con gái Tây Nguyên lên rẫy nhớ chồng nơi xa vẫn một lòng chung thủy son sắt với Đảng và Cách mạng. Bài ca thật mộc mạc, chân thành: "Em và mẹ nhớ anh/Uống nước nguồn miền Bắc/ Như bóng cây kơ nia/ Như gió cây kơ nia...".

Có thể nói qua ca khúc viết về phụ nữ trong thời kỳ chống Mỹ, đã hiện lên hình ảnh bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam xưa và nay.

Còn bao nhiêu hình ảnh khác được khắc họa ở Cô gái mở đường của Xuân Giao, ở Chào em cô gái Lam Hồng của Ánh Dương… thể hiện những người phụ nữ của một thời kỳ anh hùng đã qua. Họ đi mở đường vào chiến dịch như đi trẩy hội vậy: "Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh/ Tiếng hát ai vang động cây rừng/ Phải chăng em cô gái mở đường/ Không nhìn thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát…".

Và những lời ca như thế ấy hẳn không ai dễ nguôi quên…

. Khả Xuân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những bông hồng muộn  (15/04/2005)
Tối 17-4: Live show đầu tiên của Bài hát Việt  (15/04/2005)
Hành hương về Đất Tổ  (15/04/2005)
Khai mạc Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng  (15/04/2005)
Cuộc chia ly màu đỏ  (14/04/2005)
Thơ: Mai Thìn   (13/04/2005)
Hoa hậu bang Bắc Carolina đăng quang Hoa hậu Mỹ 2005   (12/04/2005)
Chí Phèo còn một bi kịch khác   (12/04/2005)
"Sông Côn mùa lũ" - một bộ tiểu thuyết công phu   (11/04/2005)
Đền Hùng và những vần thơ về Tổ vua Hùng  (10/04/2005)
Thơ Phạm Duy Tân, Nguyễn Đình Nhâm, Hồ Thế Phất  (08/04/2005)
Coi chừng "lợi bất cập hại"  (08/04/2005)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt đoạt thêm nhiều giải thưởng quốc tế  (08/04/2005)
"Ngày xưa" với Nguyễn Nhược Pháp  (07/04/2005)
Anh: Tổ chức hòa nhạc kỷ niệm kết thúc Thế chiến thứ 2  (07/04/2005)