Gặp "Bến Mi Lăng" của một hồn thơ
10:0', 18/4/ 2005 (GMT+7)

Đã 86 tuổi, vậy mà bà Nguyễn Thị Lan, người bạn đời của nhà thơ Yến Lan vẫn "lọ mọ" tìm tư liệu, góp nhặt lại từng trang di cảo thành tập, và viết hồi ký, viết về những kỷ niệm. Bà nói: "Nhiều người nói hình như khi mất ổng (nhà thơ Yến Lan) truyền cho bả hay sao ấy. Chứ hồi giờ đâu thấy viết, mà tự dưng sao lại viết dữ dzậy...".

- Sau Yến Lan nhớ mãi về anh (hồi ký về nhà thơ Yến Lan, Nxb. Văn học 2001) những tưởng bà đã tạm yên lòng vì đã giúp cho bạn đọc gần xa hiểu thêm về nhà thơ Yến Lan. Vậy rồi vẫn thấy bà viết. Tôi có đọc thêm mấy bản thảo mới của bà: Ngồi mà nhớ lại, Nhớ chuyện ngày xưa...

Bà Nguyễn Thị Lan

Ai cũng có một thời để nhớ để thương. Tôi cũng có một thời như thế. Quá khứ đầy những kỷ niệm buồn vui cứ thức dậy trong tôi như mới ngày nào đây. Đã mấy chục năm trôi qua nhưng tôi không thể quên được. Tôi viết Yến Lan nhớ mãi về anh trước hết là cho chính tôi, sau là để bạn bè, con cháu và những người đọc anh hiểu thêm những điều có thể còn chưa biết về anh. Viết rồi, in rồi, lại thấy còn nhiều điều muốn viết. Vậy là lại cầm bút...

Không những viết, bà còn chắt lọc và công bố những di cảo của nhà thơ và cất công sưu tầm những trang viết còn thất lạc?

- Tôi đã chép được từ di cảo khoảng 500 bài thơ tứ tuyệt, đã làm vi tính cẩn thận và ra tận Hà Nội, gửi Nhà Xuất bản Văn học, nhưng mãi chưa thấy hồi âm. Tập di cảo khác tôi đã gởi về Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định, nơi một thời gian cuối đời nhà tôi làm Chủ tịch danh dự. Nhưng di cảo nhà tôi thì còn nhiều lắm. Tôi đã yếu chứ nếu còn khỏe thì còn làm được nhiều nữa. Đấy mới rồi, nhà văn Anh Chi có gửi tặng tôi tập sách tập hợp hơn 20 bài thơ, cùng khoảng gần 10 truyện ngắn, tạp văn, của nhà tôi đã được đăng tải trên Tiểu thuyết thứ Năm, trong đó, có những tác phẩm chưa từng được công bố. Tôi đã tập hợp lại thành một tập, và gửi bản thảo sang bên Trung tâm Văn hóa huyện An Nhơn với mong muốn tập sách sớm ra mắt bạn đọc. Tôi cũng chưa biết đặt tên tập này là gì. Rồi nhiều người bàn: "Ngày xưa, ổng có tập Giếng loạn đã thất lạc. Mà những bài đăng tải trên Tiểu thuyết thứ Năm cũng trong quãng thời gian ông có ý định xuất bản tập thơ. Biết đâu trong tập ấy có chính những bài thơ này. Nên tôi lấy tên là Giếng loạn, theo tên tập thơ đã mất.

Nhớ lại ngày Yến Lan còn sống, có bận, chúng tôi ghé thăm. Ngôi nhà nhỏ, khá tối, cấp 4 nằm ngay trước cổng chợ Bình Định tấp nập, nhưng bên trong, chỉ có hai vợ chồng nhà thơ lụi cụi. Ông nằm một chỗ, run rẩy như một cành lan, bà cặm cụi chép những vần thơ, thường là tứ tuyệt qua giọng đọc tiếng được tiếng mất của ông. Ông nói, phải cố lắm chúng tôi mới hiểu ý, thường phải do chính bà phiên dịch lại. Bẵng vài năm trở lại, nhà thơ đã mất. Căn nhà cũ được cất mới, thành ngôi nhà ba tầng rưỡi, nhưng khung cảnh còn im lìm hơn thế. Nhưng trên gác cao nhất, đã có một phòng lưu niệm của chính nhà thơ. Đôi dép. Cả cái bàn là làm bằng bom bi, chiếc bếp dầu bằng lon sữa do chính nhà thơ tự tạo cũng đã được sưu tầm. Không thiếu những trang bản thảo, cả những bài báo tản mác đó đây viết về ông. Tôi hỏi về chuyện tình của ông bà, bà kể:

- Năm đó, tôi mới lên mười thì được cha tôi cho vào trường nữ trong thành Bình Định học. Ba năm học từ lớp năm đến lớp ba, kỳ nghỉ hè nào tôi cũng đến anh để học thêm. Anh dạy rất nhiệt tình, giảng bài giọng rất hay, lại thấy anh ít rong chơi như các anh khác, nên tôi cũng có để ý. Thỉnh thoảng, xem báo, lại gặp tên anh, tôi và người bạn gái cùng tuổi tên Bạch Yến đều tấm tắc: "Anh nhà nghèo mà sao giỏi thế". Năm 1937, cha tôi ép gả tôi cho một gia đình giàu có, tôi phải vâng lời. Hai tháng ở nhà chồng, tôi như bị bỏ tù, lại phải chịu đòn roi nhà chồng, tôi bỏ đi Quy Nhơn, rồi mua vé tàu vào Nha Trang. Sau, cha tôi đến tìm bảo tôi về. Từ đó, hàng ngày tôi đi chợ mua thức ăn ngang qua chùa Ông, nơi anh ở. Anh thường đứng bên bờ thành, thỉnh thoảng lại khẽ gọi và hỏi tôi những câu chuyện vu vơ. Đầu năm 1940, anh ghé lại chơi và nói là anh sẽ ra dạy ở Thanh Hóa. Tết, anh về quê, tôi ghé thăm rồi nhận lời yêu anh. Anh nói: "Anh coi em như mối tình đầu"... Nhưng cha mẹ tôi lại không đồng ý, có phần bởi cũng muốn con cái mình có chồng giàu có, sung sướng. Tôi rất buồn và lại bỏ nhà đi, vô một ngôi chùa ở Phan Thiết tu. Được ít lâu thì cha tôi sai anh tôi dẫn tôi về và đồng ý cho chúng tôi lo việc cưới xin. Đám cưới của chúng tôi tổ chức vào ngày 20-4-1944, đến nay vậy là đã được đúng 60 năm. Bút danh của anh: Yến Lan cũng là ghép từ tên tôi và tên người bạn gái thân của tôi, người đã hẹn với tôi, rằng nếu có lấy chồng thì chỉ lấy "một ông thôi".   

Trải qua không ít khổ đau, thậm chí trở lực từ gia đình để lấy được người mình thương. Có bao giờ bà cảm thấy hối tiếc?

- Tôi tự nghĩ là mình lựa chọn như thế là rất đúng. Phải nói thật là lấy anh rất khổ. Ngày chưa tập kết ra Bắc, hai vợ chồng phải thức từ 5 giờ sáng làm bánh bán đến tận 11 giờ khuya, sau lại làm xà phòng cục bán. Ra Bắc, cuộc sống đỡ vất vả hơn... Vất vả, nhưng bù lại, bên cạnh tôi luôn có một người yêu, người bạn đời mà tôi tin tưởng và tự hào.

Trong hồi ký của bà, bà có viết lại cả những nàng thơ của Yến Lan. Hẳn nhà thơ đã kể lại. Có bao giờ bà cảm thấy ghen với những hình bóng ấy?

- Nhớ những ngày đầu mới yêu nhau, có lần chúng tôi đi chơi, tự dưng anh hỏi: "Khi thương anh, em có ghen không?". Một câu hỏi thật khó trả lời. Tôi xấu hổ và im lặng, chỉ biết đưa tay nhón những viên sỏi ném ra xa. Lát sau anh lại tiếp: "Nếu không ghen anh kể cho em nghe về những người bạn gái đã tạo cảm hứng để có những vần thơ mà em từng nghe anh đọc...". Và anh đã kể cho tôi nghe. Yêu anh, tôi biết anh có nhiều cô giàu có, trẻ đẹp để ý đến anh, nhưng lại không dám thổ lộ cùng anh. Tôi biết và nghĩ nếu anh giàu có thì có lẽ các cô ấy chẳng bao giờ im lặng và lẩn tránh. Còn tôi thì tôi quý trọng con người, tư cách và tài năng của anh. Tôi luôn tìm hiểu thêm về anh cũng bởi tôi rất yêu anh.          

Xin cảm ơn bà.

. Lê Viết Thọ (thực hiện)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hình ảnh người phụ nữ trong ca khúc chống Mỹ cứu nước  (17/04/2005)
Những bông hồng muộn  (15/04/2005)
Tối 17-4: Live show đầu tiên của Bài hát Việt  (15/04/2005)
Hành hương về Đất Tổ  (15/04/2005)
Khai mạc Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng  (15/04/2005)
Cuộc chia ly màu đỏ  (14/04/2005)
Thơ: Mai Thìn   (13/04/2005)
Hoa hậu bang Bắc Carolina đăng quang Hoa hậu Mỹ 2005   (12/04/2005)
Chí Phèo còn một bi kịch khác   (12/04/2005)
"Sông Côn mùa lũ" - một bộ tiểu thuyết công phu   (11/04/2005)
Đền Hùng và những vần thơ về Tổ vua Hùng  (10/04/2005)
Thơ Phạm Duy Tân, Nguyễn Đình Nhâm, Hồ Thế Phất  (08/04/2005)
Coi chừng "lợi bất cập hại"  (08/04/2005)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt đoạt thêm nhiều giải thưởng quốc tế  (08/04/2005)
"Ngày xưa" với Nguyễn Nhược Pháp  (07/04/2005)