Ca khúc "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người"- món quà mừng Ngày đại thắng 30-4-1975
15:59', 20/4/ 2005 (GMT+7)

Từ thành phố này Người đã ra đi, bao năm ước mơ đón Bác trở về. Trong chiến dịch này Bác đã cùng về với những đoàn quân. Bác vẫn đến từng nhà, thăm các cụ già, cầm tay chúng con Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn….

Lời bài hát Tiếng hát từ thành phố mang tên Người lại càng vang lên trong những ngày dân tộc ta kỷ niệm ngày đại thắng 30-4-1975. Bài hát như món quà tặng bất ngờ trong ngày vui đại thắng, không những trở thành bài ca cửa miệng của nhân dân thành phố Sài Gòn, mà còn vang vọng tâm tình của nhân dân cả nước về ngày vui đại thắng. Bài hát giản dị chỉ có 16 nhịp 4/4 được chia thành 2 đoạn, nhạc điệu chuyển động với nhịp độ vừa phải, trong trạng thái tình cảm dạt dào, ngợi ca, với giai điệu phảng phất chất dân ca Nam Bộ, đã dựng nên một bức tranh về một Sài Gòn náo nức, sôi động, một Sài Gòn cách mạng tưng bừng cùng đoàn quân giải phóng đón Bác Hồ- vị Cha già dân tộc trở về và cùng với người dân Sài Gòn hướng về tương lai để cùng đất nước xây dựng thành phố mang tên Người  to đẹp, đàng hoàng hơn.

Mang bóng hình Người, ấm áp cuộc đời góp sức dựng xây. Non sông ta đàng hoàng, đất nước mạnh giàu thỏa lòng Bác mong. Nước non này ngàn năm vững bền…Tác giả lời thơ là nhà báo Đăng Trung, sinh năm 1941, ở Vụ Bản- Nam Định, đã tốt nghiệp Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội- lúc bấy giờ là phóng viên báo Tiền phong. Đăng Trung kể về những năm tháng ấy và lai lịch bài thơ:

Tháng 03-1975, sau chiến thắng Buôn Mê Thuột là đến Huế, Đà Nẵng, bước đi của đoàn quân giải phóng, của cách mạng đã thôi thúc từng miền quê, từng con tim tuổi trẻ. Một chiều, Tổng biên tập báo Tiền phong gọi anh Trung lên và bảo rằng thời cơ giành toàn thắng đã ở trước mắt, cần phải chuẩn bị một số báo đặc biệt đón chào ngày chiến thắng, hãy viết một bài về thành phố Sài Gòn. Nhận nhiệm vụ, Đăng Trung rất lo, mặc dù anh có một chút thuận lợi là từ năm 1969, sau khi Bác mất, anh đã giữ mục "Những kỷ niệm sâu sắc với Bác" trên báo Tiền phong. Anh nghĩ, giá như  được cùng Hữu Thanh vào chiến trường theo bước chân chiến sĩ đi B, trong những ngày sôi động này…Và, sau nhiều ngày đi đến các thư viện của Hà Nội, cái tứ "Ai vô thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng" của Tố Hữu và năm 1911, từ bến Nhà Rồng, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước, cứ vương vấn trong anh. Anh thức trắng đêm viết bài báo "Từ thành phố này, Người  đã ra đi". Bài báo được in sau đó nhưng cái tít được sửa là "Cách đây 64 năm, từ Sài Gòn, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước". Anh rất vui khi cầm trên tay số báo có bài báo này giữa ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhưng cứ tiếc mãi cho cái tít "Từ thành phố này, Người  đã ra đi...".  Cái tít mới quả là có nghề hơn, mang tính báo chí hơn, nhưng dẫu sao anh vẫn tiếc. Và ngay đêm đó, một đêm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh hì hục làm một bài thơ với cái tứ ấy. May mắn đến không ngờ, run rủi đến ngạc nhiên là cũng chính vào lúc bài thơ được hoàn thành thì nhạc sĩ Cao Việt Bách đến chơi. Hai người  thù tạc với nhau đến gần nửa đêm trong căn gác hẹp tại khu tập thể Trương Định. Họ bàn với nhau về thơ, về nhạc, về "sự kiện 30-4" mới xảy ra…Lúc chia tay bạn, Đăng Trung đưa Cao Việt Bách bản thảo bài thơ mới viết và dặn: "Phải có một cái gì về ngày trọng đại này ông ạ"…

Không ngờ, hôm sau, không phụ lòng của bạn, Cao Việt Bách đem đến bản nhạc bài hát "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người " hoàn chỉnh. Hai người  bạn ôm chầm nhau hát vang: "Thành phố Hồ Chí Minh ngời ngời rực sáng tương lai, trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ, trong mỗi cuộc đời ta luôn nhớ Bác". Ta biết, sau giải phóng khá lâu, mãi đến  năm 1976, Sài Gòn mới được đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ca từ trong bài hát đã có từ thành phố Hồ Chí Minh, mà theo Đăng Trung cho biết, là khi tìm tài liệu, anh biết trong kỳ họp Quốc hội đầu tiên đã có ý kiến đề nghị đổi Sài Gòn thành thành phố Hồ Chí Minh. Khi làm bài thơ, Đăng Trung chợt nhớ một câu thơ của Tố Hữu viết là "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng" và anh phóng bút viết luôn "Thành phố Hồ Chí Minh ngời ngời rực sáng tương lai…" .

Và mấy hôm sau, khi bài thơ của Đăng Trung còn chưa kịp in báo thì bài hát đã được vang lên trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hình ảnh Bác Hồ hiện diện trong ca từ không phải ngẫu nhiên, bởi ai cũng nghĩ Bác dường như đang hiện diện trong ngày vui đại thắng, bởi trong cuộc chiến trường kỳ giành độc lập, tự do cho Tổ quốc suốt mấy chục năm ròng, có chiến thắng nào lại không được bắt đầu từ suy nghĩ của Bác Hồ. Và hôm nay, giữa thành phố Bác đã ra đi…mong được đón Bác trở về. Cao Việt Bách bảo bạn, giá như lời thơ có viết về cảnh Bác Hồ thăm thiếu nhi thì hay hơn. Đăng Trung trả lời người bạn nhạc sĩ: "Theo phong tục Việt Nam, người  đi xa về thường thăm các cụ già trước, mà Bác Hồ thì rất nhuần nhuyễn phong cánh đạo đức và văn hóa Việt Nam và phương Đông. Cho nên, Bác Hồ cùng đoàn quân chiến thắng trở về "thăm các cụ già, cầm tay chúng con" "bắt nhịp bài ca kết đoàn" là đủ rồi". Và thế là bài hát không phải sửa nữa, được phổ biến…và được phát sóng cả trong buổi phát thanh dạy hát!

Bài thơ, bài hát được nhiều người  biết đến phải kể đến  "công" của ca sĩ Kiều Hưng- người  đầu tiên hát bài hát này, sau đó là ca sĩ Hữu Nội "lĩnh xướng" trong dàn hợp xướng của Đài Tiếng nói Việt Nam, tiếp đó là Dương Minh Đức, Doãn Tần- những ca sĩ quân đội. Chánh Tín- minh tinh màn bạc vốn là ca sĩ từ trước 30-4-1975 ở Sài Gòn cũng tâm sự, nhờ có ca khúc này mà anh có "cảm tình" làm quen được với những "ca khúc cách mạng"…

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Sài Gòn, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đất nước đã thống nhất. Cùng với bài hát "Tiến về Sài Gòn" của Lưu Hữu phước, ca khúc "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người " của Cao Việt Bách và Đăng Trung đã lan nhanh, bay xa khắp trong và ngoài nước, thấm vào từng nhịp thở của mọi người  đang say sưa với thắng lợi, trào lên giai điệu hùng tráng, thiết tha hòa cùng bao niềm vui khó tả lúc bấy giờ…"Lời Bác thiết tha dìu dắt chúng ta, sáng mãi tên Người, Thành phố Hồ Chí Minh".

. Khả Xuân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ duyên (*) - cảm hứng cắt nghĩa hay triết lý tình yêu của Xuân Diệu?   (19/04/2005)
Triển lãm, giới thiệu văn hóa Champa của Bình Định tại Mỹ Sơn  (19/04/2005)
Đóa Bạch lan trong mây trắng  (19/04/2005)
Gặp "Bến Mi Lăng" của một hồn thơ  (18/04/2005)
Hình ảnh người phụ nữ trong ca khúc chống Mỹ cứu nước  (17/04/2005)
Những bông hồng muộn  (15/04/2005)
Tối 17-4: Live show đầu tiên của Bài hát Việt  (15/04/2005)
Hành hương về Đất Tổ  (15/04/2005)
Khai mạc Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng  (15/04/2005)
Cuộc chia ly màu đỏ  (14/04/2005)
Thơ: Mai Thìn   (13/04/2005)
Hoa hậu bang Bắc Carolina đăng quang Hoa hậu Mỹ 2005   (12/04/2005)
Chí Phèo còn một bi kịch khác   (12/04/2005)
"Sông Côn mùa lũ" - một bộ tiểu thuyết công phu   (11/04/2005)
Đền Hùng và những vần thơ về Tổ vua Hùng  (10/04/2005)