Không biết lịch sử văn chương xưa nay có trường hợp nào do vì một bài thơ mà phải mất đi một mạng người hay không, chỉ biết thời nhà Đường bên Trung Quốc, thi bá Lý Bạch chỉ vì một bài thơ mà chuốc họa vào thân, bị đày đi biệt xứ rồi chết ở đấy. Đó là câu chuyện về bài thơ mang tên Thanh Bình điệu, gồm 3 khổ, mỗi khổ 4 câu. Bài thơ vốn dĩ ca ngợi sắc đẹp của Dương Quý Phi, đương nhiên trong ca ngợi cũng có đùa một chút cho vui, ấy vậy mà tên Cao Lực Sĩ, kẻ hầu hạ dưới trướng Dương Quý Phi vì có thù riêng với Lý Bạch mà y uốn lưỡi xúc xiểm rằng Lý Bạch vừa khen đẹp vừa nói xỏ, thế là người đẹp họ Dương nổi cáu. Và khi mà người đẹp nổi cáu vì không thích đùa thì Lý Bạch ắt phải lâm nạn, dù cho vua Minh Hoàng nhà Đường (thường gọi là Đường Minh Hoàng) vốn rất quí trọng Lý Bạch cũng không cứu nổi Lý Bạch. Thế mới biết uy lực của người đẹp thời nào cũng ghê gớm.
Còn ở nước ta cuối thế kỷ 19, ngay tại đất Bình Định, cũng xảy ra một sự kiện liên quan đến thơ, nhưng kết quả thì ngược lại, nhờ một bài thơ mà cứu sống một mạng người. Chuyện kể rằng:
Cụ Bùi Tuyển (1861-1914) người làng Bả Canh, tổng An Ngãi (Nghĩa), huyện Tuy Viễn (nay là khu vực Bả Cảnh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn). Cụ Bùi đỗ Á nguyên cử nhân khoa Nhâm Ngọ (1882) năm Tự Đức thứ 35, tại trường thi Bình Định. Khoa thi này do cụ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến (đang là Án sát tỉnh Quảng Ngãi) làm chánh chủ khảo. Theo tài liệu của Trần Bùi Thao – cháu ngoại Bùi công cho biết: các quyển thi của thí sinh trường Bình Định khoa ấy đều đệ về kinh để vua ngự lãm. Quyển thi của Bùi công được vua Tự Đức châu phê "Bùi Tuyển kinh nghĩa quán Nam Bắc hà" (Bài thi của Bùi Tuyển về sách kinh nghĩa hơn hẳn phía Nam và phía Bắc).
Thế rồi nước nhà gặp cơn biến loạn, vua Tự Đức băng hà, dẫn đến chuyện "bốn tháng ba vua", vua Kiến Phước chết, vua Hàm Nghi lên ngôi, tháng 04 năm Ất Dậu (1885) kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn. "Hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, cụ cử Bùi Tuyển được Bình Tây nguyên soái Mai Xuân Thưởng trao giữ chức Tán lý quân vụ hoạt động tại huyện An Nhơn. Tiểu phủ sứ Trần Bá Lộc được súy phủ Pháp ở Nam Kỳ điều động ra Bình Định đánh dẹp. Bùi công cùng Đốc binh Nguyễn Can chỉ huy cánh nghĩa quân ngăn địch ở An Ngãi rồi Cẩm Văn. Nghĩa quân thất trận, quân địch truy kích, ông bị bắt giải về thành Bình Định cùng 12 người nữa, rồi bị kết án tử hình, chuẩn bị xử chém tại Gò Chàm, Bình Định". (Trích Tiểu sử cụ Bùi Tuyển của Trần Bùi Thao).
Cũng theo tài liệu trên, trong lúc bọn thủ hạ của Trần Bá Lộc đang trói tay, bịt mắt Bùi công và 12 nghĩa quân khác cột vào các cọc gỗ đóng sẵn chờ đến giờ hành quyết thì xảy ra một chuyện bất ngờ: có lệnh truyền cởi trói cho Bùi công rồi dẫn đến gặp tạm gọi là "giám sát thi hành án". Hóa ra ngồi ở hàng ghế giám sát ngoài Trần Bá Lộc còn có Phạm Phú Lâm (dòng dõi của Phạm Phú Thứ người Quảng Nam) là người xuất thân khoa bảng, từng biết tên tuổi cụ Bùi Tuyển được vua Tự Đức ngợi khen nên ông Phạm đề nghị Trần Bá Lộc thử tài và chiếu cố. Do vậy Trần Bá Lộc đối diện với Bùi công:
- Ngày trước ông từng được tiên đế khen, nên nay tuy phạm tội còn có điều châm chước. Vậy ông hãy làm một bài thơ tám câu bảy chữ, đứng hàng đầu mỗi câu phải có các chữ: Bình Định Tuy Viễn An Ngãi (Nghĩa) Bả Canh là những chữ thuộc địa danh quê ông. Trong thời gian cháy hết điếu thuốc ta hút mà làm không xong thì tội chết vẫn giữ nguyên.
Điếu thuốc của Trần Bá Lộc đang hút còn đến gần một nửa nữa mới tàn, bài thơ ứng khẩu của cụ cử Bùi Tuyển đã xong. Thơ rằng:
Bình tích tao phùng cái hữu duyên
Định tùng gia ngẫu nhận chơn thuyên
Tuy tuy hồ ẩn Tượng sơn ngoại
Viễn viễn hồng phi Ngưu chử biên
An lạc vị châu tam thuộc địa
Ngãi tâm do đới cửu trùng thiên
Bả khan đương thế anh hùng cuộc
Canh điếu tranh cao đài các tiên
Nghĩa là:
- Thuở xưa các cuộc giao tiếp với khách của Bình Nguyên quân đều có duyên cớ.
- (Tôi) muốn từ sự gặp gỡ này mà xác nhận một chân lý.
- Con chồn náu mình bên ngoài rừng núi Voi đang yên ổn.
- Con chim hồng từ Bến Nghé xa xăm bay đến.
- Ba vùng thuộc địa còn chưa yên vui,
- Tấm lòng nghĩa khí còn thờ đức vua.
- Hãy xem những đấng anh hùng trong thời cuộc hiện nay.
- Họ là những người cày, ông câu tranh nhau lên đài tiên.
Một bài thơ ra đời trong bối cảnh lịch sử cực kỳ khắc nghiệt. Không chỉ khắc nghiệt về nội dung, về vận động trí tuệ mà còn khắc nghiệt về thời lượng, cho nên đừng giải mã chữ nghĩa của thơ bằng nhận biết vội vàng. Trước hết chúng ta hãy khám phá ẩn ý của tác giả ở câu thơ mở đầu.
"Bình tích tao phùng cái hữu duyên"
Nghĩa là thuở xưa, các cuộc giao tiếp với khách của ông Bình Nguyên đều có nguyên cớ. Vậy Bình Nguyên quân là ai? Sách xưa chép rằng: Bình Nguyên quân tên thật là Thắng, người đời chiến quốc, con vua nước Triệu, em vua Huệ Văn đế, được phong ở đất Bình Nguyên nên có tên gọi là Bình Nguyên quân. Vốn người hào hiệp, môn khách đến với ông thường ngày trong nhà có đến mấy ngàn người. Vậy nếu tôi không lầm thì chiều sâu của câu thơ đầu tác giả muốn nói rằng: tôi đang bị trói tay, bịt mắt, chuẩn bị lên cõi tiên, vậy mà bất ngờ nhận được sự hào hiệp này ắt hẳn có lý do gì đây?
Thứ đến, chúng ta hãy khám phá ẩn ý của tác giả ở hai câu trạng, tức là câu 3 và 4:
" Tuy tuy hồ ẩn Tượng sơn ngoại
Viễn viễn hồng phi Ngưu chử biên".
Nghĩa là con chồn náu mình bên ngoài rừng núi Voi đang yên ổn thì con chim hồng đang từ Bến Nghé xa xăm bay đến. Nghĩa đen là vậy nhưng chiều sâu của những con chữ này thì thăm thẳm. Phải chăng tác giả có ý chơi chữ rằng: dẫu là phận con chồn nhưng là giống chồn ở núi rừng con Voi (tức nguồn An Tượng tỉnh Bình Định), còn dù thân chim hồng, nhưng là giống chim ở Bến Nghé, bến trâu bò nằm. Hoặc chúng ta còn có thể hiểu một khía cạnh khác: dân chúng ở nguồn An Tượng đang yên ổn thì con chim dữ từ Bến Nghé đến sát hại.
Đến bốn câu luận và kết thì tác giả nói toạc móng heo rằng: khắp ba miền đất nước này còn chưa yên vui thì lòng thờ vua còn tiếp tục, có nghĩa là phong trào Cần Vương chống Pháp còn tiếp tục. Và những con người, những đấng anh hùng đứng lên làm việc này là những người cày, những ông câu, họ tự nguyện liều chết mà làm chứ không hề sợ chết đâu.
Tương truyền lúc Bùi công đọc xong bài thơ cụ nghĩ bụng: may có dịp được nói, những gì cần phải nói thì đã nói được rồi, bây giờ phải trở lại chỗ cái cọc đã chờ sẵn để mà chết cũng thỏa lòng. Nào ngờ Trần Bá Lộc cứ tưởng thơ ca tụng mình là con chim hồng; Phạm Phú Lâm đại diện cho phía Nam triều thì rất hiểu hồn phách bài thơ, hiểu đúng đáy lòng tác giả. Hai cách hiểu khác nhau về một bài thơ nhưng lại gặp nhau ở một điểm là tha tội chết cho cụ cử Bùi Tuyển với cái cớ "luyến tài".
Cuộc đời còn lại của cụ cử Bùi Tuyển chuyên tâm việc dạy học, và đã từng là Đốc học tỉnh Bình Định cho đến ngày tạ thế (1914).
Cuộc đời còn lại của cụ cử Bùi Tuyển là chứng minh về hiệu quả vừa gián tiếp, vừa trực tiếp của giá trị văn chương, một bài thơ cứu sống một mạng người, chuyện hiếm thấy trên đời.
Quy Nhơn, tháng cuối xuân năm 2005
. Vũ Ngọc Liễn |