Đôi nét về đời sống văn hóa của người Hre, Ba na ở An Lão
10:47', 24/4/ 2005 (GMT+7)

Trong nền kinh tế hội nhập hiện nay, người Hre, Ba na ở An Lão vẫn gìn giữ những bản sắc của dân tộc mình, góp phần làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trang phục của các cô gái Hre, Ba na ở An Lão.

Người Hre ở An Lão sống tập trung tại các xã An Trung, An Hưng, An Dũng, An Vinh, An Quang và thôn Gò Đồn (xã An Tân). Làng của người Hre được gọi là Plây, xây dựng trên các gò, đồi ở gần các sông, suối, địa hình thường dốc. Chung quanh làng có hàng rào bao bọc. Đồng bào Hre thường lấy tên núi, đồi, sông, suối để đặt tên cho làng của mình như làng Hóc Đèn, Nước Roon, Gò Mít... Các già làng, trưởng bản là người lớn tuổi, có uy tín được dân làng tôn trọng. Người Hre tôn thờ các loại cây như cây sanh (loang-ri), cây bời lời xót (bon-con)... và coi đó là thần bản mệnh. Đặc biệt là cây lúa, vì cây lúa có vị trí quan trọng, quyết định sự tồn tại, cho nên hầu hết các nghi thức tín ngưỡng đều liên quan đến cây lúa, cầu khẩn thần lúa (Ỳang Sri) trong các ngày lễ cúng.

Các già làng Hre kể lại rằng: Người Hre tổ chức ăn tết vào các tháng đầu năm, trước khi cúng rẫy. Họ ăn tết hết làng này đến làng khác. Tất cả các thành viên trong làng thường tập hợp tại nhà già làng vui chơi, ca hát và chúc tụng nhau. Ngày nay người Hre ăn tết cùng một lúc với người Kinh. Lễ "cúng rẫy" của người Hre hàng năm được tổ chức vào tháng 2-3 âm lịch, họ cầu xin "ông trời" ban cho mùa màng bội thu, cầu cho mọi người được khỏe mạnh, dân làng được no ấm, vui vẻ. Ngoài ra người Hre còn tổ chức lễ cúng cơm mới, thường vào tháng 8 âm lịch khi kết thúc một năm lao động vất vả. Mọi người tập trung ăn uống, chúc tụng, ca hát vui chơi suốt đêm.

Trang phục cổ truyền của người Hre là đàn ông đóng khố, mặc áo ngắn, cài khuy phía trước, đầu quấn một vòng khăn. Phụ nữ mặc áo, váy dài hai lớp, trùm khăn. Người Hre thích đeo trang sức bằng đồng, bạc, hạt cườm. Trong quá trình giao lưu hòa nhập với cộng đồng dân cư khác, trang phục người Hre đã có nhiều thay đổi. Trang phục truyền thống thường chỉ còn sử dụng trong những ngày lễ, tết. Người Hre thích sáng tác thơ ca, ham mê ca hát với làn điệu dân ca quen thuộc như: Ca lêu, Ca choi. Nhạc cụ người Hre khá phong phú và đa dạng như ống tiêu Ta lía, Po Pel, Ra vai, đàn Brook, chiêng 3 chiếc hoặc 5 chiếc.

Khác với người Hre, người Ba na ở An Lão sống tập trung ở 2 xã An Nghĩa và An Toàn. Làng của người Ba na cũng khác, họ thường xây dựng trên những vùng đất cao bằng phẳng và thoáng đãng. Đặc biệt tại làng thôn 1 xã An Toàn, người Ba na mới có nhà Rông, đây là ngôi nhà chung của cộng đồng, được xây cất giữa làng là nơi tổ chức các buổi tế lễ, hội họp, tiếp khách và các cuộc vui chơi của đồng bào trong làng.

Sống trong bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp, lại trải qua một quá trình chinh phục thiên nhiên lâu dài cho nên người Ba na cũng đã sáng tạo được một nền văn hóa, văn nghệ dân gian khá phong phú và độc đáo. Đó là các sử thi, cổ tích, dân ca, vũ khúc, những tác phẩm điêu khắc, những hoa văn trên trang phục. Đó còn là những nhạc cụ đa dạng như cồng, chiêng, đàn Tơrưng, Klông pút, Kơni, kèn Tơnốt...          

. Hoàng Nam Quốc

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lênin trong thơ Maiakốpxki  (22/04/2005)
Hương mùa hè: Một bộ phim tình yêu hấp dẫn  (22/04/2005)
Khó về kịch bản, nhưng quyết tâm cao  (22/04/2005)
Một bài thơ - Một mạng người  (21/04/2005)
Nhà văn và những kỳ vọng của bạn đọc  (21/04/2005)
Ca khúc "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người"- món quà mừng Ngày đại thắng 30-4-1975   (20/04/2005)
Thơ duyên (*) - cảm hứng cắt nghĩa hay triết lý tình yêu của Xuân Diệu?   (19/04/2005)
Triển lãm, giới thiệu văn hóa Champa của Bình Định tại Mỹ Sơn  (19/04/2005)
Đóa Bạch lan trong mây trắng  (19/04/2005)
Gặp "Bến Mi Lăng" của một hồn thơ  (18/04/2005)
Hình ảnh người phụ nữ trong ca khúc chống Mỹ cứu nước  (17/04/2005)
Những bông hồng muộn  (15/04/2005)
Tối 17-4: Live show đầu tiên của Bài hát Việt  (15/04/2005)
Hành hương về Đất Tổ  (15/04/2005)
Khai mạc Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng  (15/04/2005)