Sóng (*) - Hành trình tự khám phá
9:36', 26/4/ 2005 (GMT+7)

Sóng của Xuân Quỳnh là tiếng nói của một tâm hồn thiếu nữ đang trong độ tuổi hai mươi, tiếng nói của một trái tim chân thành và đam mê, luôn rực cháy khao khát được sống hết mình và yêu hết mình:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Khoa Ngữ văn Trường ĐH Quy Nhơn đã tổ chức đêm văn nghệ thơ nhạc để tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ba hình ảnh sông, sóng, bể như là những chi tiết bổ sung cho nhau: Sông và bể làm nên đời sóng, sóng chỉ thực sự có đời sống riêng khi ra với biển khơi mênh mang thăm thẳm. Tất cả các khía cạnh tương phản dữ dội - dịu êm, ồn ào - lặng lẽ tạo nên một cái nhìn bao quát về sóng. Mạch sóng mạnh mẽ như bứt phá không gian chật hẹp để khát khao một không gian lớn lao. Hành trình tìm ra tận bể chất chứa sức sống tiềm tàng, bền bỉ để vươn tới giá trị tuyệt đích của chính mình.

Trên hành trình ấy, điểm xuất phát của sóng tưởng chừng đã được lý giải rõ ràng: "Sóng bắt đầu từ gió". Nhưng rồi những băn khoăn cứ nối tiếp cho đến lúc không thể giải đáp (và cũng không cần giải đáp) bằng lý trí, đó cũng là lúc tầng tầng lớp lớp nghĩa của sóng hiện ra: con sóng của biển khơi tạo ra sóng thơ, con sóng thơ dào dạt của tâm hồn làm xuất hiện con sóng của tình yêu bất tận. Và khi đã thành sóng tình thì không bao giờ có thể lý giải được khi nào ta yêu nhau? Những liên tưởng điệp trùng dào dạt đã nối kết được con người với không gian biển khơi.

Gắn với thế giới riêng tư của Anh và Em là cặp hình ảnh sóng - bờ:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Con sóng Xuân Quỳnh sâu kín, tinh tế trong một nỗi nhớ cháy lòng của tình yêu. Nỗi nhớ gói gọn trong thời gian của một ngày đêm nhưng đủ sức dồn nén dung lượng tình yêu của cả một đời người. Nỗi nhớ không chỉ có mặt trong thời gian được ý thức mà còn gắn với tiềm thức - thời gian trong mơ. Vị ngọt ngào mê đắm của tình yêu lan tỏa trong cách nói nghịch lý trong mơ còn thức. Xuân Quỳnh đã tiếp nhận nỗi nhớ ấy bằng tất cả sự nhạy cảm của lứa tuổi đôi mươi và khẳng định cho một cái tôi của con người luôn vững tin ở tình yêu.

Cái nhìn về cuộc đời của Xuân Quỳnh thật nhân hậu và nồng nàn:

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

Cuộc đời là biển lớn tình yêu, kết tinh vị mặn ân tình, được tạo nên và hòa lẫn cùng trăm con sóng nhỏ. Trong quan niệm của nhà thơ, số phận cá nhân không thể tách khỏi cộng đồng. Sóng không phải là biểu tượng của một cái tôi ngạo nghễ và cô đơn như thơ lãng mạn. Khát vọng lớn nhưng trong cách nói Xuân Quỳnh lại rất khiêm nhường: Trăm con sóng nhỏ như là sự tổng hòa những vẻ đẹp khác nhau để tạo thành biển lớn. Trong biển lớn tình yêu cuộc đời hôm nay, đã có biết bao con sóng đã tới bờ, đang tới bờ và tìm về bờ. Tình yêu vẫn luôn luôn là đề tài hấp dẫn với mọi lứa tuổi, để mọi người đi tìm những lời giải đáp cho ẩn số tình yêu trong một hành trình tìm kiếm không mệt mỏi. Sóng của Xuân Quỳnh vẫn vỗ những nhịp yêu thương, giúp những người đang yêu thêm tự tin vào chính mình, bởi thế giới của Anh và Em cũng là thế giới của những con người biết tìm ra ý nghĩa của sự sống thiêng liêng. Sống là được yêu, Yêu là sống hết mình với cuộc đời vốn rất nhiều yêu thương.       

. Trần Hà Nam

(*) Bài thơ Sóng giảng dạy trong chương trình văn học lớp 12.

 

Sóng

 

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sóng không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

 

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

 

Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?

 

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

 

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

 

Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương

 

Ở ngoài kia đại dương

Trăm nghìn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

 

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

 

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

                              1967

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những bài ca Cách mạng kháng chiến  (25/04/2005)
Tiếp tục khai quật di tích thành Hoàng Đế  (25/04/2005)
Đôi nét về đời sống văn hóa của người Hre, Ba na ở An Lão  (24/04/2005)
Lênin trong thơ Maiakốpxki  (22/04/2005)
Hương mùa hè: Một bộ phim tình yêu hấp dẫn  (22/04/2005)
Khó về kịch bản, nhưng quyết tâm cao  (22/04/2005)
Một bài thơ - Một mạng người  (21/04/2005)
Nhà văn và những kỳ vọng của bạn đọc  (21/04/2005)
Ca khúc "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người"- món quà mừng Ngày đại thắng 30-4-1975   (20/04/2005)
Thơ duyên (*) - cảm hứng cắt nghĩa hay triết lý tình yêu của Xuân Diệu?   (19/04/2005)
Triển lãm, giới thiệu văn hóa Champa của Bình Định tại Mỹ Sơn  (19/04/2005)
Đóa Bạch lan trong mây trắng  (19/04/2005)
Gặp "Bến Mi Lăng" của một hồn thơ  (18/04/2005)
Hình ảnh người phụ nữ trong ca khúc chống Mỹ cứu nước  (17/04/2005)
Những bông hồng muộn  (15/04/2005)