Đưa sân khấu truyền thống đến với thế hệ trẻ
9:40', 26/4/ 2005 (GMT+7)

Đưa sân khấu vào học đường, dạy hát dân ca và tuồng trên truyền hình, và sắp tới là biểu diễn, giao lưu với sinh viên… Tất cả chỉ nhằm một mục tiêu: Đưa sân khấu truyền thống đến với thế hệ trẻ.

* Không hiểu, làm sao yêu?

Một cảnh trong vở "Cội nguồn" của Nhà hát Tuồng Đào Tấn.

Sân khấu truyền thống đang trở nên xa lạ với giới trẻ. Đó là một thực tế. Có người băn khoăn: "Ngay thế hệ 40, 50 tuổi hiện nay, nhiều người xem cũng không hiểu, thì thử hỏi làm sao lớp trẻ hôm nay có thể hiểu được, nhất là khi không ai giới thiệu cho họ cái hay, cái đẹp của sân khấu truyền thống, nhất là với loại hình nghệ thuật mang tính cách điệu cao như hát bội".

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn nhận xét: "Lâu nay, chúng ta mới chú ý đến đào tạo diễn viên, đạo diễn, tác giả kịch bản... tức là đào tạo những người làm mà không đào tạo khán giả. Trong khi không có khán giả thì chắc chắn sẽ không có sân khấu. Tôi thấy bên lĩnh vực âm nhạc người ta làm rất giỏi. Xem trên truyền hình thì thấy, những sân chơi như Trò chơi âm nhạc, Dấu ấn thời gian, rồi Bài hát Việt… đều có một mục đích là "tiếp thị" khán giả, cũng là đào tạo khán giả đấy thôi. Vậy nhưng, những sân chơi như vậy, những cơ hội giao lưu như thế rất hiếm thấy ở lĩnh vực sân khấu truyền thống".

Còn NSƯT Hòa Bình, Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn, thì tâm sự: "Trên VTV2, có chương trình Sân khấu thưởng thức, ngay diễn viên như bọn tôi cũng thấy rất bổ ích, hiểu hơn về công tác biểu diễn chứ chưa nói đến khán giả. Chứ như hát bội mà không hiểu, người xem nghe tai nọ qua tai kia, mà chẳng hiểu tại sao người ta ngân nga, rồi hát khách là thế nào, hát nam trong tình huống nào... Mà có hiểu mới cảm nhận rồi mới yêu được chứ!".

* Đích gần: sinh viên

Đào tạo khán giả là cần thiết, nhưng làm cách nào? Đưa sân khấu vào học đường, thành các bài giảng chính khóa ở phổ thông như có người đã từng đề nghị thì không khả thi. Dạy hát dân ca và tuồng trên truyền hình tiến hành lâu nay, rồi dự án sân khấu học đường cũng là những bước đi đầu tiên.

Sắp tới đây, theo tiết lộ của NSƯT Hòa Bình, Nhà hát Tuồng Đào Tấn sẽ phối hợp với khoa Văn - Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức biểu diễn, giao lưu định kỳ nhằm "tiếp thị" sân khấu truyền thống cho sinh viên. NSƯT Hòa Bình, cho biết: Trong lớp khán giả trẻ, sinh viên là những đối tượng cần được quan tâm trước tiên. Trước đây, chúng tôi cũng đã tổ chức biểu diễn minh họa và giao lưu với sinh viên khoa Văn nhưng không thường xuyên. Ngoài những đêm biểu diễn phục vụ cho chương trình học, chỉ những khi nào có vở mới, cần lấy ý kiến khán giả trẻ mới tổ chức. Bắt đầu từ năm nay, chúng tôi có ý định làm định kỳ. Trước mắt, trong năm nay sẽ biểu diễn lấy ý kiến khán giả trẻ vở Cội nguồn, sau đó sẽ diễn vở Sơn hậu phục vụ sinh viên, và dành hẳn một đêm để trao đổi với sinh viên về vẻ đẹp độc đáo của sân khấu truyền thống. Được biết, mỗi đêm diễn như vậy, cần khoản kinh phí từ 1,5 đến 2 triệu đồng, không quá cao nếu được tiến hành hiệu quả.  

Đào tạo khán giả tất nhiên không thể tiến hành một sớm, một chiều. Nhưng hy vọng, với những cách làm bước đầu như vậy, sẽ dần dần đưa được khán giả trẻ lại gần hơn với sân khấu truyền thống. Và hoạt động này cũng không nên dừng ở Trường Đại học Quy Nhơn, không riêng với sân khấu hát bội mà có thể mở rộng ở các trường đại học, cao đẳng khác, với nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác.

. Khải Nhân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sóng (*) - Hành trình tự khám phá  (26/04/2005)
Những bài ca Cách mạng kháng chiến  (25/04/2005)
Tiếp tục khai quật di tích thành Hoàng Đế  (25/04/2005)
Đôi nét về đời sống văn hóa của người Hre, Ba na ở An Lão  (24/04/2005)
Lênin trong thơ Maiakốpxki  (22/04/2005)
Hương mùa hè: Một bộ phim tình yêu hấp dẫn  (22/04/2005)
Khó về kịch bản, nhưng quyết tâm cao  (22/04/2005)
Một bài thơ - Một mạng người  (21/04/2005)
Nhà văn và những kỳ vọng của bạn đọc  (21/04/2005)
Ca khúc "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người"- món quà mừng Ngày đại thắng 30-4-1975   (20/04/2005)
Thơ duyên (*) - cảm hứng cắt nghĩa hay triết lý tình yêu của Xuân Diệu?   (19/04/2005)
Triển lãm, giới thiệu văn hóa Champa của Bình Định tại Mỹ Sơn  (19/04/2005)
Đóa Bạch lan trong mây trắng  (19/04/2005)
Gặp "Bến Mi Lăng" của một hồn thơ  (18/04/2005)
Hình ảnh người phụ nữ trong ca khúc chống Mỹ cứu nước  (17/04/2005)