|
Chiếc xe tăng đầu tiên (xe 390) của quân giải phóng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975. |
Bài hát "Tiến về Sài Gòn" của Huỳnh Minh Siêng (cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) quả là gần gũi với mọi người dân Việt Nam. Nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, chúng tôi có buổi trò chuyện với ca sĩ Quang Hưng-người đầu tiên thể hiện bài hát này. Bài hát được phát trên đài Tiếng nói Việt Nam ngay sau lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống ngụy Dương Văn Minh vào trưa 30-4-1975. Ông kể: Năm 1967, khi đoàn 50 người của ông (gồm cả các nghệ sĩ miền Nam ra tập kết ngoài Bắc) đang chuẩn bị đi lưu diễn ở 7 nước để làm công tác đối ngoại, vận động cho phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam thì nhận được giấy đến Ban Thống Nhất trung ương gặp tác giả Huỳnh Minh Siêng mới từ miền Nam ra. Nhạc sĩ nhờ tôi thu thanh bài hát này, và thu bằng 2 âm bản: một bản bằng giọng miền Bắc, một bản bằng giọng miền Nam. Ông tâm sự: Rất may, lúc đó có nhiều nghệ sĩ miền Nam, họ dạy tôi hát giọng Nam, mà lại cũng may tôi bắt chước nhanh và giống hệt. Sau vài ngày tập luyện, được tác giả chấp nhận. Hôm thu thanh, tôi tò mò hỏi nhạc sĩ: Tại sao lại phải hát bằng hai thứ tiếng, nhạc sĩ chỉ tủm tỉm cười và nói: Bí mật quân sự. Sau đó tôi mang bài hát đó đi Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Xô, Đức, Hung-ga-ri, Ba Lan, Cu-ba... Những câu: "Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù, tiến về Sài Gòn, giải phóng thành đô" vang lớn trên sân khấu Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.
Ông kể tiếp: Tôi còn nhớ: Khi nghe xong bài hát này, Thủ tướng Chu Ân Lai lên sân khấu tặng hoa và chúc chúng tôi sớm tiến về Sài Gòn. Rồi ngay đêm hôm đó, ông tặng cho đoàn chúng tôi mỗi người một khẩu súng AK (để nguyên trong hòm) kèm theo một số đạn. Chúng tôi nhờ cơ quan đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tại Bắc Kinh chuyển về nước. Chúng tôi lại tiếp tục đến Mát-xcơ-va biểu diễn ở nhà hát Crem-li. Đêm diễn hết sức sôi nổi, được lãnh đạo và nhân dân thủ đô bạn ngưỡng mộ và hoan nghênh. Họ coi chúng tôi như những người thân từ mặt trận trở về giữa thành phố hòa bình, họ vỗ tay liên tục để tôi hát lại bài này. Khán giả nhận xét: Không khí đêm biểu diễn làm người xem cảm thấy như có mùi thuốc súng bao trùm trong không gian nhà hát. Đoàn tiếp tục hành trình đi biểu diễn một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Sang đến Cu-ba đúng vào lúc cao trào ủng hộ Việt Nam lên đến tột đỉnh, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô phát biểu: "Vì Việt Nam, nhân dân Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình". Ca sĩ kể tiếp: "Ở Cu-ba, chúng tôi được mời tham dự một cuộc liên hoan ca hát quốc tế phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ theo sáng kiến của Chủ tịch Phi-đen. Trong liên hoan này, chúng tôi gặp đồng nghiệp của hơn 10 nước cùng đến Cu-ba để bày tỏ tinh thần chống chiến tranh qua những bài hát do các nhạc sĩ yêu chuộng hòa bình sáng tác. Trong đó có nhạc sĩ người Anh tên là Ê-van Mác Câu, tác giả của bài "Bài ca Hồ Chí Minh", một bài hát nổi tiếng thế giới. Đoạn, ông kể tiếp: Chúng tôi trao đổi bài hát cho nhau, vợ chồng Ê-van Mác Câu hát bài của ông sáng tác. Tôi hát "Tiến về Sài Gòn". Ông yêu cầu tôi dạy ông bài này, yêu cầu tôi dịch nội dung để ông chuyển sang lời tiếng Anh. Còn tôi yêu cầu ông dạy "Bài ca Hồ Chí Minh". Ông Ê-van Mác Câu đem bài "Tiến về Sài Gòn" bằng tiếng Anh đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi sang Cu-ba học được bài "Oan-ta-na-mê-ra" (Guantanamera) mang về nước phục vụ đồng bào ta.
Sau chuyến lưu diễn gần một năm thì đoàn chúng tôi về đến Triều Châu, nghỉ lại ăn tết Mậu Thân 1968 và đợi lệnh, đoàn nhận được điện báo cho biết: Đêm giao thừa này hết sức quan trọng, quả nhiên có cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Chúng tôi còn nhận được lệnh chuẩn bị sẵn sàng... Nếu cuộc tổng tiến công thắng lợi thì sẽ bay về nước qua đường Phnôm Pênh vào Sài Gòn. Song cuộc tổng tiến công không thắng lợi hoàn toàn, nhưng đã gây được tiếng vang lớn, kêu gọi nhân dân thế giới mở rộng phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ, nhất là nhân dân Mỹ, buộc chính phủ Hoa Kỳ phải ngồi vào bàn đàm phán. Ông bộc bạch: Đến nay, mỗi khi hát "Tiến về Sài Gòn" tôi như vẫn còn nhớ hình bóng thân yêu của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Ông kể thêm cho chúng tôi về cố nhạc sĩ. Lưu Hữu Phước sinh 1921, quê ở Cần Thơ-Hậu Giang. Trước đây, nhạc sĩ đang là Vụ trưởng vụ Nghệ thuật-Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa-Thông tin) thì được tổ chức điều đi công tác ở mặt trận phía Nam mà hồi đó người ta gọi tắt là đi "B".
Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, ông được trung ương giao nhiệm vụ sáng tác bài hát chuẩn bị chào đón giải phóng Sài Gòn.
Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề này, ông đã xin đi thực tế và được trên chấp thuận. Nhạc sĩ vào Sài Gòn theo đường dây bí mật. Những năm ở cứ (chiến khu), ông dồn hết tâm sức xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ cho mặt trận dân tộc giải phóng và liên tục sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng. Đầu năm 1967, ông ra Hà Nội công tác kết hợp tổ chức thu băng bài hát "Tiến về Sài Gòn" chuẩn bị gấp cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968. Rất tiếc cuộc Tổng tiến công không thành công hoàn toàn như mong đợi. Ông phải giữ cuốn băng đó lại gần 8 năm sau. Cuốn băng đó được đặt trong hộp đạn có kèm các bao gạo rang để chống ẩm. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh ông giao cho cánh quân đánh chiếm đài Sài Gòn. Trưa 30-4 năm ấy, tôi theo dõi đài Sài Gòn, sau lời đầu hàng của tổng thống ngụy Dương Văn Minh, đài bỗng nhiên dừng mấy phút, tiếng nhạc hùng tráng vang lên "Nơi thành đô trong ánh điện quang... Khu nhà tranh năm cánh cửa ô rên siết đêm ngày-quê nhà ta đau đớn lầm than đang bóp nghẹn tim người-Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây". Đến đây, tôi thót tim nghe tiếng hát bằng giọng "miền Nam" của mình, trào nước mắt rồi kêu to: Thắng rồi, ta thắng rồi. Bài hát như một tin vui báo cho dân và quân cả nước biết. Ước nguyện của Bác đã thành sự thật.
. Theo QĐND
|