Đại hội VII Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra trong 3 ngày hạ tuần tháng 4-2005 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, với 572 đại biểu được bầu chọn từ 13 Đại hội khu vực trong toàn quốc. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến dự và phát biểu ý kiến. Với khẩu hiệu "Đoàn kết, Dân chủ, Đổi mới, Sáng tạo", Đại hội đã làm nhiệm vụ tổng kết một chặng đường văn học 5 năm đầu thiên niên kỷ và vạch hướng cho 5 năm tới "Gắn bó với dân tộc và đi cùng thời đại, cống hiến tài năng, tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng con người và chấn hưng văn hóa Việt Nam". Từ Đại hội trở về, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định đã dành cho Báo Bình Định cuộc phỏng vấn.
-Thưa nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, ấn tượng chung của anh về Đại hội Hội Nhà văn lần này là gì?
|
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội. (Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng – người đứng dưới cùng, bên trái) - Ảnh: H.T |
Xác định vị thế của nhà văn trong xã hội; tạo ra đẳng cấp của tài năng, sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao như văn kiện Đại hội đã khái quát rằng văn học mãi mãi tự ngàn xưa đến ngàn sau là sự khám phá, sáng tạo của chính con người về bản thân con người. Đó là chiều cao và chiều sâu của chủ nghĩa nhân văn, ở mỗi thời đại, nó luôn là đích đến của mỗi nhà văn. Kinh nghiệm hàng ngàn năm cho thấy, những giá trị vĩnh cửu là những giá trị không bao giờ xa rời với khát vọng của nhân dân, tiền đồ của dân tộc, tình cảm cao thượng của con người.
- Anh thú vị điều gì khi đi dự Đại hội này?
Tôi đã dự Đại hội trước và Đại hội này, ngoài những thông tin cần thiết cho nghề văn, ấy là sự chia sẻ của tình cảm đồng nghiệp các thế hệ, tay bắt mặt mừng rồi lặng lẽ "chiêm ngưỡng" nhau qua ly bia hay cốc cà phê. Anh em mình gặp nhau, vậy là vui rồi!, đó là câu cửa miệng của nhiều người dành cho nhau, có người nghe tên từ lâu nhưng mới gặp lần đầu, có người 5 năm rồi mới gặp lại. Bởi vậy, đa số sau khi xưng tên là coi như đã quen biết từ lâu. Được hòa mình trong tình cảm đồng nghiệp chia sẻ với nhau một đôi điều về văn chương và đời sống là điều thú vị vô cùng.
- Vợ chồng anh là một trong những trường hợp hiếm hoi của Đại hội, một nhà hai đại biểu. Sự thành đạt trong văn chương và xã hội là thuận lợi nhưng chắc cũng không ít khó khăn khi sắp xếp công việc nhà cửa, con cái để liên tục đi xa?
Ở gia đình tôi, các cháu đã quá quen với điều kiện ba mẹ công tác xa nhà. Bởi vậy, ngoài những quan tâm nhắc nhở (từ xa), các con tôi đã sớm hình thành ý thức tự bảo ban lẫn nhau. Từ đầu năm tới nay tôi đã 3 lần ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, 2 lần vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Vợ tôi cũng không ít khi vắng nhà. Hai bên nội ngoại giúp đỡ cho các cháu những lúc vắng mặt cả ba lẫn mẹ.
- Trở về từ Đại hội, với tư cách là chủ tịch Hội VHNT Bình Định, anh có liên hệ gì trong việc nâng cao chất lượng sáng tác văn học địa phương, hòa nhập với dòng chảy văn học cả nước trong thời kỳ mới?
Tôi đã có một kế hoạch dành cho lĩnh vực mà mình phụ trách ở địa phương, tất nhiên là theo điều kiện cụ thể ở tỉnh mình. Để có thêm nhiều tác phẩm hay, ngoài tài năng và tâm huyết của những cá tính sáng tạo, Hội phải thực hiện chức năng tạo điều kiện gây men, kích thích những năng lượng tiềm ẩn ở các tác giả. Tổ chức tốt các đợt đi thực tế, các trại sáng tác, các giải thưởng văn học cũng như việc đầu tư tài trợ cho tác phẩm. Gắn tất cả những điều này quy tụ trên tinh thần "Đoàn kết, Dân chủ, Đổi mới, Sáng tạo" là một việc làm vừa trước mắt vừa lâu dài, ngoài nỗ lực nội tại của anh chị em, nỗ lực của tổ chức Hội là sự quan tâm của nhiều cấp nhiều ngành.
- Anh tâm đắc điều gì nhất trong hoạt động sáng tạo văn chương?
Tiếp xúc với bao nhiêu tác phẩm văn học đông tây kim cổ, tôi luôn thao thức trước những trang viết thấm đượm tinh thần nhân văn, nhân ái mà các văn thi hào dành cho số phận con người với sự trân trọng, tin tưởng, thông cảm không bờ bến. Ngay như văn học Việt Nam từ ngàn xưa đến nay vẫn vậy, trong tất cả các vấn đề về đất nước, dân tộc, đời sống, sự độc lập tự chủ, luôn thấm đẫm lòng tin yêu con người. Tôi gọi đó là "minh triết bồ câu" cao cả gói ghém tư tưởng nghệ thuật vì hòa bình hạnh phúc cho nhân dân. Sự minh triết đó đã làm thao thức thế giới xuyên không gian và xuyên thời gian. Tôi không có điều kiện bàn sâu vào lĩnh vực triết học nói chung mà chỉ nói đến khía cạnh triết luận của đời sống văn chương với sự tâm đắc kỳ lạ.
Hòa bình, hạnh phúc, phồn vinh cho dân tộc, thời đại, trong hoạt động sáng tạo văn chương, những điều ấy có giá trị cho muôn đời mà Đại hội VII Hội Nhà văn khẳng định lại, thật nhiều ý nghĩa cho thập niên mở đầu thiên niên kỷ. Chúng ta nhịp bước cùng thời đại nhưng không đánh mất chính mình và giá trị đích thực của nhà văn Việt Nam là kiến tạo bản sắc trên đường hội nhập. Chính những điều này được xác lập từ cội nguồn truyền thống, bây giờ vẫn có ý nghĩa giúp nhà văn vươn tới tầm nhân loại.
. Quang Khanh (thực hiện)
|