Đầu tháng 3.2005, khi đi điền dã khảo cứu di tích, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế đã phát hiện thêm dấu vết một khu phế tích đền tháp Chăm Pa cùng bệ thờ bằng đá, tại đình làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Phát hiện này đã thêm một bằng chứng nữa cho giả thiết: "Từng tồn tại kinh đô của vương quốc Lâm Ấp xưa ở Phong Điền".
|
Bệ thờ Chăm Pa bằng đá tại đình làng Thế Chí Tây |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế cho biết: "Qua khảo sát bước đầu, chúng tôi nhận thấy, đây là một bệ thờ thường gặp trong các đền tháp người Chăm, được làm từ đá sa thạch (đá cát kết), hình vuông, cắt khắc thành hai tầng. Kích thước tầng dưới: 1,05m x 1,05m, cao 0,15m, bốn mặt chạm trổ hoa văn hoa lá cách điệu. Kích thước tầng trên: 0,91m x 0,91m, cao 0,05m, không có hoa văn nhưng trên mặt có tạo lòng gờ lõm hình vuông cạnh dài 0,68m làm nền cho tượng thờ đặt phía trên (tuy nhiên, tượng không tìm thấy)". Khảo sát khu nền đất phía sau đình làng nơi tìm thấy bệ thờ, còn phát hiện thêm dấu vết đất nung và gạch hình khối chữ nhật, phân bố trên một diện tích khá rộng (gần 500m2).
Người dân nơi đây cho biết, trước đây, tại cồn Mọi, nằm sau đình làng, có hai bệ đá vuông chạm trổ hoa văn và một trâu đá (bò thần Nandin), voi đá, nay đã mất. Cũng có lần, khi đào xới, bà con đã gặp tầng nền móng bằng gạch, phía dưới có lớp gia cố chân móng bằng cuội lớn. Hoa văn trên bệ thờ, qua nghiên cứu, thuộc phong cách nghệ thuật Đồng Dương, có niên đại từ thế kỷ IX đến thế kỷ X, cách đây khoảng 1.000 năm. Có thể đây là phế tích của một khu đền tháp người Chăm thời xa xưa?
Dấu tích văn hóa Chăm Pa tại Thừa Thiên-Huế vẫn rải rác ở nhiều địa phương, nhưng Phong Điền là nơi có mật độ phân bổ dấu tích đền đài, tượng thờ, tháp, mộ...dày đặc nhất, đã được các nhà nghiên cứu khảo cứu thống kê và ghi lại song vẫn chưa thật đầy đủ. Trước phát hiện về dấu vết phế tích Chăm Pa tại Điền Hòa mới đây, năm 1997, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khai quật khu phế tích Chăm tại xóm Cồn, thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu. Phế tích này được nhà khoa học Pháp H. Parmentier miêu tả trong bản thống kê các di tích Chăm ở Trung Kỳ, xuất bản năm 1919. Ngoài ra, còn tồn tại nhiều dấu tích đáng kể khác như: Tượng "Bà Lồi" và phù điêu hình các vị thần, yoni, linga tại chùa Ưu Điềm. Miếu thờ linga ở thôn Trạch Phổ. Miếu thờ "Bà 8 tay" ở thôn Mỹ Xuyên (đều thuộc xã Phong Hòa). Hay miếu Cồn Giằng, cồn Đuồi Ruôi với rải rác các ngẫu tượng yoni, mộ, gạch nung, chó đá, bò đá Nandin, bia đá (do vị quan hầu thời Vua Indravaman III dựng khoảng năm 918-920), tượng thần Visnu... ở xã Phong Hiền.
Nhiều hiện vật quý giá khác như gương đồng, gương vàng... nằm trong các bộ sưu tập tư nhân, đều có gốc gác từ xã Phong Thu. Đây chính là những dấu ấn vương quyền, thần quyền của một vương quốc cổ. Chưa kể đến mối liên quan mật thiết giữa các ngành nghề truyền thống, những làn điệu dân ca mang âm hưởng của người Chăm đang tồn tại ở Phong Điền. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế khẳng định: "Việc phát hiện thêm dấu vết phế tích Chăm Pa tại xã Điền Hòa, nối kết với một loạt các khu phế tích Chăm đã tìm thấy trên địa bàn huyện Phong Điền, càng giúp khẳng định điều: Có một vương quốc Lâm Ấp cổ xưa, tồn tại từ thế kỷ II-VII giữa vùng Quảng Trị - Thừa Thiên, mà kinh đô đặt tại Phong Điền, như các nhà nghiên cứu đã từng đề cập".
. Theo LĐ
|