Nhân 102 năm ngày mất của danh họa Paul Gauguin (8-5-1903/8-5-2005):
Gauguin - người đặt nền móng cho nền hội họa hiện đại
13:35', 8/5/ 2005 (GMT+7)

Paul Gauguin sinh năm 1848 tại Paris - Pháp trong một gia đình công chức. Thân phụ của Gauguin là một nhà báo. Cuộc đời của Paul Gauguin trải qua khá nhiều thăng trầm. Năm  15 tuổi (1863), Gauguin đã là một hải quân, trở thành thuyền phó. Ông cũng từng làm nghề mua bán quần áo, từng là nhà môi giới chứng khoán và từng đi vòng quanh thế giới… Tuy vậy, Gauguin luôn tự tin: "Tôi đứng  trên mặt bờ vực mà không rơi xuống đó".

Danh họa Paul Gauguin

Gauguin đến với hội họa khá muộn. Năm 1870, khi đang làm việc ở ngành ngân hàng, Gauguin mới bắt đầu vẽ bức tranh đầu tiên. Khoảng năm 1874, Gauguin bắt đầu sưu tập tranh của các họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng và đăng ký học vẽ tại Viện Hàn lâm Colarossi. Đồng thời, ông tham gia một số triển lãm với nhóm Ấn  Tượng. Năm 1883, Gauguin quyết định từ bỏ công việc kinh doanh để trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp. Đây là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời và sự nghiệp của ông. Tuy vậy, Gauguin đã phải "nếm trái đắng đầu mùa". Bởi vì, tất cả tranh của ông đều không bán được 1 bức nào. Cuộc sống của Gauguin trở nên túng bấn, đến nỗi ông đành phải bán những tác phẩm của các họa sĩ Ấn Tượng mà mình đã phải khó khăn mới có thể sưu tập được. Năm 1886, sau cuộc triển lãm cuối cùng của các họa sĩ trường phái Ấn Tượng, Gauguin đến sống và vẽ ở Bretagne - Pont-Aven. Tại đây, ông đã vẽ những bức tranh với những "ý tưởng lạ lùng". Đây cũng là thời điểm mà Gauguin hoàn toàn đoạn tuyệt với Trường phái Ấn tượng. Giai đoạn này, tranh của Gauguin này thường sử dụng những mảng màu phẳng, nguyên tươi, rực rỡ đầy chất tượng trưng và biểu cảm, khác hẳn trường phái Ấn tượng. Tiêu biểu trong số này là bức Ảo ảnh sau bài thuyết giảng. Năm 1888 có thể coi là dấu mốc quan trọng của nền hội họa thế giới. Cùng với Bernard, Paul Gauguin đã sáng lập ra một trường phái hội họa mới mang tên Tượng Trưng (Symbolism). Nếu như các họa sĩ tiền Ấn tượng thường lệ thuộc vào tự nhiên, còn các họa sĩ hậu Ấn Tượng thường quá chú trọng đến yếu tố khoa học thì Gauguin lại quan tâm đến phương pháp Tổng hợp và Tượng Trưng. Ông thường sử dụng đường nét, màu sắc có vẻ trái tự nhiên để đạt được hiệu quả cảm xúc mãnh liệt. Theo Gauguin, hình thể trong tranh ông được tạo từ những mẫu hình về màu sắc, đường nét hài hòa, nhịp nhàng. Nghĩa là, cho dù đường nét trong tranh bị "bẻ cong", màu sắc không giống tự nhiên, nhưng lại có ý nghĩa gợi lên hình ảnh hay ý tưởng chứ không phải chỉ để ghi nhận kinh nghiệm thị giác. Gauguin quan niệm: "Trước giá vẽ, họa sĩ không là nô lệ của cả quá khứ lẫn hiện tại"

Đáng lưu ý, Paul Gauguin là một trong những danh họa đầu tiên quan tâm nghiên cứu, học hỏi, vận dụng lối vẽ của nghệ thuật nguyên thủy, các bộ tộc cổ xưa và tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản. Bên cạnh tranh sơn dầu, Gauguin còn thử nghiệm cả tranh khắc mộc bản. Ông chính là danh họa đầu tiên làm sống lại loại hình nghệ thuật mộc bản, từng thịnh hành từ thế kỷ thứ XVI. Ở loại tranh này Gauguin thường sử dụng những mảng đen - trắng, những đường viền đậm nét, tạo cho bức tranh có nhịp điệu, tiết tấu mang dáng dấp của nghệ thuật trừu tượng. Điều đáng nói là trong những bức tranh mộc bản của của mình, Gauguin đã rất thành công trong việc tạo nên những đường vân của gỗ. Ngoài ra, Gauguin còn thử nghiệm và thực hiện thành công một số loại hình nghệ thuật khác như điêu khắc, gốm… Lối vẽ và quan niệm nghệ thuật của Paul Gauguin bắt đầu được giới mỹ thuật và các nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật chú ý. Liên tiếp các năm từ 1888 đến 1891, tranh của Gauguin được triển lãm ở nhiều nơi như Le Pouldu, Brussels, Polt-Avent. Và, điều đáng nói là ông đã bán được khá nhiều tranh. Chẳng hạn, chỉ riêng trong khoảng 6 tháng đầu năm 1891, Gauguin đã bán được 30 tranh với số tiền 9.860 Frăng.

Tranh của Paul Gauguin

Năm 1891, lại một "dấu ấn đậm nét" đối với cuộc đời, sự nghiệp của Paul Gauguin. Chán chường với cuộc sống "phồn hoa đô hội" của Paris, Gauguin quyết định sang sống ở đảo quần đảo Tahiti. Tại đây, Gauguin sống một cuộc đời hoang dã cùng với những thổ dân trên đảo. Ông đã phải trải qua những ngày tháng khó khăn, thiếu thốn. Tuy vậy, chính trong thời gian sống ở Tahiti, Paul Gauguin đã vẽ những bức tranh đẹp nhất. Năm 1893, do phải sống kham khổ, thiếu thốn Gauguin bị đau rất nặng. Trong hoàn cảnh đó, ông buộc phải trở về Paris để chữa trị. May mắn cho Gauguin là khi về Pháp, ông bất ngờ được hưởng một số tài sản thừa kế khá lớn của người cậu ruột vừa qua đời. Năm 1895, Gauguin lập tức quay trở lại Tahiti. Cuối năm 1897, ông thực hiện tác phẩm có tên Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta là ai? Chúng ta đi về đâu?. Đây là một kiệt tác của danh họa Gauguin. Bức tranh được ông vẽ bằng chất liệu sơn dầu với kích thước rất lớn (139 x 375). Tác phẩm là sự phúng dụ có tính chất triết lý về sự sống, cuộc đời. Qua bức tranh, Gauguin muốn nói về thiên - địa, mây -nước - núi non; về con người - muông thú - cây cỏ; thần linh - ma quỷ; về sự hòa quyện giữa con người, thiên nhiên, cây cỏ, cõi tâm linh trong tổng thể vũ trụ và quy luật sinh - lão - bệnh - tử của đời người.

Đặc biệt, quần đảo Tahiti còn là nơi chứng kiến cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Paul Gauguin với nhà cách mạng của Việt Nam là Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929). Sau khi bị thực dân Pháp lưu đày sang Macquises một thời gian, Kỳ Đồng đã xin chuyển sang quần đảo Tahiti và đã gặp nhà danh họa Paul Gauguin. Trong Thư viện Trung tâm của TP. Berkely, gần San - Francisco (Mỹ) hiện vẫn còn lưu lại tư liệu về cuộc gặp giữa Paul Gauguin và Kỳ Đồng. Đó là tác phẩm Gauguin ở vùng biển phía Nam (Gauguin in the south seas) của tác giả Danielson Londre. Qua tư liệu này, tác giả cho biết danh họa Paul Gauguin và nhà cách mạng Kỳ Đồng đã kết bạn với nhau rất tâm đầu ý hợp. Đồng thời, cũng như Kỳ Đồng, tại Tahiti, Gauguin đã tham gia vào những cuộc đấu tranh bảo vệ những người thổ dân trên đảo. Ông đã bị kết án 3 tháng tù và bị phạt 3.000 quan. Vào những năm cuối đời, Gauguin bị bệnh thần kinh khá nặng. Nhà danh họa thường hay đau buồn và mất ngủ, nhiều khi phải tiêm mooc-phin. Trong giai đoạn Paul Gauguin bị suy sụp tinh thần nặng, một trong số ít những người được phép vào xưởng vẽ của ông là Kỳ Đồng. Có một chi tiết khá thú vị là nhà cách mạng Kỳ Đồng đã từng trở thành… họa sĩ, vẽ chân dung của Gauguin. Bức chân dung do Kỳ Đồng vẽ hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Basle.

Tháng 9-1901, từ Tahiti, Gauguin chuyển sang sống ở đảo Dominique, thuộc quần đảo Marquises. Mặc dù phải sống trong cảnh nghèo túng, nhưng ông vẫn vẽ liên tục, trên những chất liệu thô sơ. Ngày 8-5-1903, khi chưa kịp về Tahiti để kháng án thì Paul Gauguin đã trút hơi thở cuối cùng tại Dominique. Sau khi Gauguin qua đời khoảng hơn 3 năm sau (1906), tại Paris đã diễn ra cuộc triển lãm mang tên Mùa thu, trưng bày 227 tác phẩm của ông.

102 năm đã trôi qua kể từ ngày danh họa Paul Gauguin qua đời, song tên tuổi, sự nghiệp của ông đã in đậm trong trái tim của hàng triệu người yêu nghệ thuật. Không chỉ sáng lập ra trường phái Tượng Trưng, Paul Gauguin còn được lịch sử mỹ thuật thế giới ghi nhận là người đặt nền móng cho nền hội họa hiện đại. 

. Viết Hiền

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thêm một bằng chứng về kinh đô Lâm Ấp   (06/05/2005)
Người tình Thượng Hải - Bộ phim mang tính nhân văn sâu sắc   (06/05/2005)
Hà Trần 98 - 03   (06/05/2005)
Thăm mộ "Bà Vua"   (06/05/2005)
Go So Young "tái xuất" màn ảnh nhỏ   (05/05/2005)
Hilary Hahn - cây vĩ cầm hàng đầu nước Mỹ, biểu diễn tại VN   (05/05/2005)
Phát triển nhanh, quản lý chưa theo kịp   (05/05/2005)
Yến Vy đóng phim "Trung uý"- Nên hay không?   (04/05/2005)
Để hiểu thêm bài thơ Xuân vọng của Đỗ Phủ   (03/05/2005)
Mai này có còn không?   (03/05/2005)
Mái nhà và giấc mơ của những vì sao   (02/05/2005)
Ðội ngũ văn nghệ sĩ trong cuộc hành quân gian lao và vĩ đại   (01/05/2005)
Núi Bà khu Đông qua một tập sách   (29/04/2005)
"Minh triết bồ câu" làm thao thức thế giới   (29/04/2005)
Những chuyện xung quanh bài hát "Tiến về Sài Gòn"   (28/04/2005)