(Bút ký-Nguyễn Thế Tường)
Em sinh ở Tam Quan/ Giữa miền Nam ruột thịt/ Quê em dù xa tít/ Em vẫn nhớ vẫn thương/ Nằm sát ở ven đường/ Rừng dừa ngủ dưới nắng/ Thân cây dừa mọc thẳng/ Hắt bóng xuống bên đường/ Cơm dừa trắng và ngon/ Xa ba năm vẫn nhớ/ Em nhớ gian nhà nhỏ/ Sáng ngọn đèn dầu dừa/ Nhớ cả sớm cả trưa/ Mẹ đứng xe từng sợi/ Em ngồi bên em đợi/ Vòng dây dừa cuộn nhanh/ Khi mà nắng trưa tuôn/ Ôm trái dừa em núc/ Ngửa đầu uống ừng ực/ Từng hớp nước dừa ngon/ Em nhớ trái dừa tròn/ Của quê em Bình Định/ Bấm ngón tay em tính/ Ngày trở lại vườn dừa.
|
Dừa Tam Quan |
Chẳng phải khi không tôi lại lẩn thẩn chép nguyên si một bài thơ thuộc nằm lòng từ thời học cấp 1 (tiểu học)- những dòng ngũ ngôn đã lặn sâu hun hút vào bộ nhớ, sâu hun hút vào ký ức tuổi thơ. Không cần văn bản gốc cũng biết được bài thơ ra đời sớm hơn nhiều ngày tôi cắp sách tới lớp: Tính đến nay đã tròn năm mươi năm. Hãy chú ý những câu thơ cuối:
Em nhớ trái dừa tròn
Của quê em Bình Định
Bấm ngón tay em tính
Ngày trở lại vườn dừa
Cuối năm 1954 đầu 1955, hàng vạn bộ đội miền Nam tập kết, theo đó hàng nghìn học sinh cũng được sắp xếp vào học ở các trường miền Nam mở trên đất Bắc. Nhà thơ thác lời tâm sự của một học sinh quê ở Tam Quan-Bình Định hoài vọng về vườn dừa quê nhà. Và cái sự "Bấm ngón tay em tính" là chờ hai năm sau, tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Vậy mà, không phải hai năm mà là hai-mươi-năm.
Mỹ Diệm xé Hiệp định Giơ-ne-vơ, khóa tuyến, hô hào "Lấp sông Bến Hải, Bắc tiến!", Luật 10/59 lê máy chém khủng bố những người kháng chiến cũ. Vậy là bên ta đồng khởi Bến Tre, chiến sự dữ dội ở Ấp Bắc, Vạn Tường...Tháng 3 năm 1965, quân Mỹ ồ ạt đổ bộ vào Đà Nẵng, không quân Mỹ oanh kích tơi bời miền Bắc, cuộc chiến chuyển từ "đặc biệt" sang "cục bộ", sát phạt ngang ngửa. Không còn ai ảo tưởng về tinh thần cái Hiệp định được ký hơn 10 năm trước bên hồ Giơ-ne-vơ của nước Thụy Sĩ xinh đẹp. Và những chú bé học sinh miền Nam trên đất Bắc cũng dần trưởng thành không còn lẩn thẩn đếm đốt ngón tay tính "Ngày trở lại vườn dừa" nữa. Mà, muốn mau về với Tam Quan, Bồng Sơn chỉ có một con đường, một hành động: "Gác bút nghiên theo việc đao binh...".
Tháng 9 năm 1971, có một trung đoàn Hà Nội được thành lập như thể là con đẻ của Trung đoàn Thủ Đô thời chống Pháp. Đơn vị hơn 1000 lính binh nhì này tất thảy là sinh viên nhập ngũ. Các trường đại học đóng lại một cánh cổng- nhiều lớp sĩ số chỉ còn non một nửa. Sau ba tháng huấn luyện, người ta chọn đúng 100 lính chuyển qua trường đào tạo lái xe tăng. Lạ kỳ thay, trong số đó gần một nửa nguyên là học sinh các trường miền Nam. Nếu được, xin ghi công đầu cho số cán bộ khung huấn luyện, các giáo viên, trợ giáo lái xe tăng ngày ấy. Họ đã gắn sức vất vả đến nhường nào gò cho được 100 cái cá tính chưa tan mùi mực với mấy chục "trò miền Nam" quậy nổ trời, chịu ép vào buồng lái. May thay, trong nhóm lính viễn xứ ấy có một "đại ca"-mà với anh những sĩ quan tăng thiết giáp đã nghĩ ra được cái mẹo muôn năm trong binh pháp: Dĩ độc trị độc. Anh tên là Lê Tịnh Sơn. Danh tính của chàng trai 25 tuổi này có gốc gác từ Bồng Sơn quê cha, Tam Quan quê mẹ. Đấy là một gã trai đã trưởng thành đầy đủ, có đôi mắt rất sáng, cái miệng móm, rất giỏi võ, từng thượng đài, ra tay trấn áp các băng đảng ở Quảng Ninh, Hải Phòng, có lúc cự lại cả công an tự vệ khối phố. Tóm lại, anh là tay giang hồ sinh viên mặc áo lính. Đổi lại, Tịnh Sơn rất công bằng, luôn giữa chữ tín, làm trung gian hòa giải giữa quan và lính rất hiệu quả. Tỉ như cái sự gác đêm, lính nói: "Vẽ chuyện, vào chiến trường hẵng hay. Ở đây, chân núi Tam Đảo bình yên mắc chi ra lặn lội đêm hôm mất ngủ, rét". Chỉ huy nói: "Gác đêm cũng là nội dung huấn luyện, thao trường đổ mồ hôi-chiến trường bớt đổ máu". Tịnh Sơn nghiêng về phía chỉ huy, trực tiếp cắt gác. Vậy là, đêm phương Bắc rét quăn da, lính tăng vẫn phải vén chăn cầm súng đi đổi gác. Có lần, đại đội trưởng hứa thưởng thịt lợn sau lại đổi ý. Được Tịnh Sơn bật đèn xanh, anh nuôi hồn nhiên bắt heo trong chuồng làm thịt. Lính được bữa "vần bánh chịu nặng" (ăn dồi lợn) thỏa thuê. Tịnh Sơn sống mã thượng, bao dung. Có đám ẩu đả ở đâu là anh tới can ngăn, bên nào không nghe anh choảng liền. Ngoài giờ huấn luyện, Tịnh Sơn chỉ mơ hai thứ: Nghe đàn ghi-ta và thơ. Đại đội có tay Hoàng Minh chơi ghi-ta rất khá, còn tôi thuộc nhiều thơ. Tôi dọc anh nghe thơ lãng mạn 30-45, thơ Tố Hữu, cả thơ Putskin, Lécmôntốp...Nhưng chỉ đến khi hết vốn tôi đọc những bài thơ thuở nhỏ lại được anh đặc biệt thích thú. Anh bắt tôi chép vào sổ tay bài Vườn dừa Bình Định và một bài gì nữa có hai câu rất ấn tượng cũng nói về học sinh miền Nam trên đất Bắc: "Giọng lơ lớ Bồng Sơn/ Pha đôi câu Hà Nội". Nhiều lúc nghe thơ, đôi mắt vốn rất sáng của anh bỗng tối lại, buồn xìu. Cái miệng đã móm lại thêm méo xệch, tay chân nhũn ra mềm oặt. Rồi, tôi còn phải hát cho anh nghe. Đó là một ca khúc mà theo giới chuyên môn hiện đại thì nhạc rất dở mà lời vô cùng nôm na. Đại khái như vầy: "Miền Nam em dừa nhiều/ Miền Nam em dứa nhiều/ Miền Nam em xoài thơm/ Miền Nam em khoai bùi/ Chú ơi chú, bao giờ bao giờ/ Cho em hái dừa...Dừa xanh Bình Định/ Tràm xanh Hậu Giang/ Là quê em ngoan cường...". Đó là lúc giữa hai lần lên buồng lái, ngồi nghỉ ven bãi tập hoặc chiều sau giờ cơm cả bọn kéo nhau lên đồi cọ và Tịnh Sơn ra lệnh: "Ngồi im cả để nghe thằng Tường đọc thơ". Thú thực tôi cũng bắt đầu oải với những bài thơ anh chọn. Nhưng một lần, cũng vào buổi chiều thanh bình lắm, tôi đang ngân nga với cái câu: "Ôm trái dừa em núc/ Ngửa đầu uống ừng ực..." chợt nhận ra cái đầu lép của Tịnh Sơn cứ cúi cúi xuống thấp hơn nữa. Giật mình tôi nghiêng mặt nhìn lom lom, bất ngờ biết anh đang khóc, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má đã gội nhiều gió sương, bụi đời. Rồi đó, anh ngẩng lên chùi nước mắt văng tục một câu chữa thẹn: "Đ. Má! Có gì đâu mậy?".
Ôi! Tịnh Sơn và những thanh thiếu niên miền Nam trên đất Bắc. Các anh có vết thương lòng rỉ máu suốt 20 năm.
Những tháng ngày nhọc nhằn, mộng mơ và xủng xoảng sắt thép ấy rồi cũng qua nhanh. Quảng Trị đang đỏ lửa mùa hè, chúng tôi hối hả hoàn thành các khoa mục, lái thi cấp 1 rồi tất tưởi đánh xe về đơn vị bổ sung cho các chiến trường. Chiến tranh muôn nẻo còn kéo thêm ba năm nữa, giải băng xích mới cuốn tới tận cổng Dinh Độc Lập. Trong số 100 lính tăng ngày ấy chừng hai chục thằng nằm lại rải rác đâu đó. Thằng ở Buôn Ma Thuột, đứa ở Nam Bộ, ở Lào. Nhiều thằng ở Quảng Trị, Xuân Lộc. Có đứa hy sinh sáng ngày 30-4 ngay cửa ngõ Sài Gòn. Thằng Nguyễn Tự Chính, người Khánh Hòa đẹp trai như tượng hy sinh chiều 30-4 ngay trên quê hương khi xe hắn chỉ chạy chệch ra ngoài vệt đường mòn 1 gang tay, cán phải mìn chống tăng. Lại có thằng Tân Quậy trời gầm, vào Nam lập chiến công, thế quái nào lại bỏ xe đi cưa gái, gặp hôm mưa giông bị... sét đánh, suýt nữa không được suy tôn liệt sĩ. Nhiều đứa cháy trong xe thành khói bay lên trời. Hòa bình rồi, miếng cơm manh áo gắt gao quá. Quê hương tứ tán bốn phương trời. Biệt tin nhau suốt 30 năm...
Mùa xuân năm 2005, một ngày tôi tới Nha Trang dự Đại hội nhà văn miền Trung bỗng nhận một cú phôn qua di động: "A lô, mày đang ở đâu đấy? Nha Trang hả? Trời đất, thích quá nhỉ? Này, lão Tịnh Sơn đang ở Nha Trang đấy, làm gì a, sống chứ làm gì! Hắn vẫn sống, già lắm rồi, mày nhớ ngày trước tụi mình gọi hắn là Tịnh già không? Để tao tìm số điện thoại bàn của lão, ừ, không có di động, nghe nói lão cũng nghèo, đây rồi 058...". Tôi hẹn Tịnh Sơn gặp ở cổng chợ Đầm, nay đã gọi là Trung tâm Thương mại Nha Trang. Lão hỏi qua điện thoại: "Mày ăn mặc kiểu gì để tao còn nhận biết, ốm hay mập? Dáng quan hay lính?". Ôi! Tịnh Sơn ơi, làm gì có dáng quan hay lính, mập hay ốm? Anh em mình năm xưa thế nào thì nay gặp nhau cứ vậy thôi. Có điều già hết rồi. Chiến tranh bom đạn ăn một phần, miếng cơm manh áo, mẹ già con dại, vợ cuồng bạn phản, đủ thứ bà dằn ước chừng làm tâm hồn vặn vọ đi. May, trái tim yêu vẫn còn nguyên vẹn, vẫn nồng nàn. Tịnh Sơn đại ca ơi! Đến đi, đến chợ Đầm, em đang đứng đây, không phải một thằng lính tăng 20 tuổi mà là một lão già gàn dở trên 50 mươi. Đến đi, để em sẽ đọc cho anh nghe câu thơ: "Em sinh ở Tam Quan/ Giữa miền Nam ruột thịt..." và hát nữa, hát rằng: "Dừa xanh xanh Bình Định/ Tràm xanh xanh Hậu Giang...". Cái ca khúc rất dở mà sao cứ cất lên là anh lại khóc ấy, anh nhớ không, hỡi người đàn ông can trường mà khốn khổ của vườn dừa Bình Định năm nao.
Tháng 4-2005
. Theo Văn nghệ trẻ |