Tâm thức Foklore Việt Nam trong con người, tư tưởng Hồ Chí Minh
16:33', 11/5/ 2005 (GMT+7)

Folklore được định nghĩa là ''kiến thức của nhân dân'', ''trí tuệ của nhân dân'' (folk: đại chúng, nhân dân, lore: trí tuệ, trí khôn; folklore = kiến thức, trí tuệ của nhân dân). Folklore là văn hoá dân gian, văn hoá của những con người mộc mạc, bình dị, gần với cộng đồng dân tộc. Đó là những tầng văn hoá nối tiếp hay chồng chất lên nhau được biểu hiện cụ thể ở nhiều mặt: phong tục tập quán, cách ứng xử... và các lĩnh vực khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh, nhân vật lịch sử của chúng ta, đã gia nhập vào thế giới folklore khác hẳn với tất cả các nhân vật xưa nay trong lịch sử, chính là Bác đã đi từ folklore để trở về với folklore.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thấm nhuần, hoà nhập của tâm thức folklore Việt Nam với tri thức nhân loại, với nhận thức luận tiến bộ, đã chuyển tải giá trị văn hoá Việt Nam vào văn hoá nhân loại. Chính vì thế, Người là anh hùng giải phóng dân tộc, đồng thời là nhà văn hóa lớn.

Đối chiếu với tình hình thế giới và trong nước ở thời đại ngày naycùng với lịch sử, Bác đã được lòng dân hơn bất cứ người nào khác trước Bác và cả bây giờ, sau khi Bác mất. "Nhân dân đã không nhận Bác Hồ vào những người mà họ trách cứ"- nhận xét này là của một tác giả người Mỹ và là một nhận xét tinh tế và chính xác. Chủ tịch Hồ Chí Minh thành công trong chính trị cũng như trong đời thường, vì Bác thấm nhuần văn hoá dân gian Việt nam, biết cách tân truyền thống theo đúng hoàn cảnh dân tộc và hoàn cảnh lịch sử. Những gì đẹp đẽ, đúng đắn nhất trong tâm thức folklore Việt Nam đã được Bác chọn lọc, vận dụng và nâng lên theo cái mới mà không chịu theo khuôn phép, phạm trù văn hoá phong kiến đã có ngàn năm ở dân tộc mình. Từ trong bản chất, Bác sống gương mẫu đúng theo ứng xử folklore, có cách tân mà vẫn đại chúng. Lẽ đời khi đạt đến địa vị, một trình độ nào đó, người ta dễ tạo ra một cự ly với quần chúng để tỏ rỡ uy thế, uy danh như một câu ngạn ngữ phương Tây đã nói: ''Quyền lực làm hỏng con người''. Bác Hồ của chúng ta không thế và cũng không cho phép ai làm thế. Trò chuyện với một người hơn tuổi mình, vị Chủ tịch nước chân thành, nhún nhường : ''Cụ hơn hẳn tôi một giáp, cụ là bậc anh tôi. Xin mời cụ ngồi trước''. Không thực sự thấm nhuần phong tục Việt Nam, không thực sự dân chủ thì không thể có cách ứng xử và cách nói ấy. Tinh thần nguồn cội ở nhà cách mạng Hồ Chí Minh là thường trực. Bác luôn luôn tìm cách khơi dậy tình cảm giống nòi và ưa dùng những biện pháp cổ truyền để đi vào tâm thức. Câu nói của Bác tại đền Hùng: ''Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước'' là tấm lòng thành của Người đối với công đức của Tổ tiên, thực sự đi vào lòng mỗi người dân Việt hôm nay. Thậm chí ngay cả khi Người kêu gọi tinh thần đoàn kết đấu tranh ở mỗi người dân Việt là: "Hỡi ai con cháu Hồng Bàng. Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau" (Ca sợi chỉ- 1941) cũng thế. Một đêm mơ Trưng Trắc hiện về trong sương gió Paris, một buổi chiêu linh đức Thánh Trần trên đất Thái Lan xa lạ, rồi một cảnh pháp sư ngồi giữa đồng bào dân tộc thiểu số trong hang sâu Việt Bắc âm u - hoàn toàn là những sáng kiến hiếm có ở những người quen với folklore dân tộc. Bác có lối diễn đạt một tư tưởng, một khuynh hướng, một nguyện vọng một cách tự nhiên, giản đơn như người dân quan niệm, mà nội dung và mục đích của xã hội chủ nghĩa vẫn sáng tỏ, sáng tỏ bằng nguyện vọng chân thành chứ không phải bằng lý thuyết: ''Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn , áo mặc, ai cũng được học hành ''.

Suốt đời Bác trở đi trở lại với nội dung nhân văn đó...

Có thể nói, trong văn học nghệ thuật Việt Nam, ở Hồ Chí Minh, có nhiều tác giả trong một con người, mà ở bất cứ lĩnh vực nào cũng ghi nhận những thành công nhất định: Nhà báo, nhà văn, nhà thơ, diễn viên đóng kịch, thợ chụp ảnh, thợ vẽ … Với văn học, dù viết bằng tiếng Việt hay ngôn ngữ khác (Pháp, Trung), văn chương của Người đều toát lên hương vị đồng quê đất Việt với cuộc sống và tâm hồn Việt Nam. Sự đậm đà hương vị đó đã tạo nên phong cách văn chương của Người. Phải chăng đó là phương thức folklore sâu lắng tạo thành thủ pháp folklore trong con người Hồ Chí Minh. Ai cũng biết rằng, người Việt Nam rất yêu thơ và thích làm thơ và gần như làm gì hay nói gì cũng phải kèm thơ vào mới thuyết phục. Sự kiện thơ chúc Tết của Bác Hồ quả là một hiện tượng folklore của thời đại mới. Ai cũng thấy thú vị, nhưng cũng không phải ai cũng thấy được bản chất của hiện tượng này. Vì chuyện chúc Tết đầu năm là chuyện bình thường trong phong tục của dân tộc, ở trong từng gia đình, từng người Việt Nam chứ nào có gì xa lạ. Nhưng, làm thơ chúc Tết của Bác Hồ lại là một hình thức rất độc đáo, khi nó biến thành một phong tục, một hiện tượng trang trọng, đẹp, phù hợp với lòng yêu thơ của dân tộc. Xưa kia, có vua chúa cũng làm thơ, nhưng chỉ để chúc nhau và chúc người thân của mình. Thành phong tục chúc Tết bằng thơ chỉ có được với Bác Hồ. Nên dù Bác đã đi xa, mà dân ta vẫn chờ đợi trong hoài niệm thơ chúc Tết của Người. Chưa có vị lãnh tụ nào khác dám bắt chước Bác cả. Nắm vững thi pháp folklore tưởng dễ mà khó vô cùng, bởi nó là sự thấm nhuần tâm thức Việt Nam. Rồi những phong tục ''Tết trồng cây '', ''Ao cá Bác Hồ ''... cũng nằm trong tâm thức ấy. Bác Hồ tập Kiều, lẩy Kiều, ngâm Chinh phụ, làm thơ theo phong cách ca dao, dân ca, vận dụng thành ngữ, tục ngữ rất nhiều trong văn của mình... Rõ ràng tác giả quen thuộc với thi pháp văn học dân gian. Truyền thống và cách tân trong cách ứng xử folkiore của tác giả Hồ Chí Minh vĩ đại là vậy.

Chính vì Hồ Chí Minh thấm nhuần tinh thần folklore, tự thân hòa nhập và ứng xử folklore như thế, nên folklore Việt Nam đã chấp nhận Bác, đưa Bác vào thế giới folklore . Ca ngợi, tôn thờ anh hùng dân tộc, điều đó không lạ gì với mọi người trên thế giới, không riêng gì ở Việt Nam. Thế nhưng hình tượng Bác Hồ trong kho tàng folklore hiện ra không như những thần thánh cao siêu, cách biệt hoặc như những anh hùng trác việt lạ thường. Dù được thể hiện ở nơi này hay nơi khác, với tác giả dân gian nào đó, song hình tượng Bác Hồ vẫn luôn luôn là hình tượng lãnh tụ gần gũi nhất. Đó là những ông Ké, già Thu, cụ Hồ đến Bác Hồ, Bok Hồ, Avooc Hồ... Ai cũng thấy tự nhiên gần gũi không có gì bỡ ngỡ. Khác với ca dao truyền thống nói về các vị thần linh hay các vua Thái Tổ, Thái Tông uy nghiêm, xa cách, ca dao hiện đại đưa Bác Hồ thành người cộng sự, người đồng hành ở bất cứ môi trường, hoàn cảnh nào. ''Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân '', ''Bác với dân như chân với tay '', ''Bác Hồ là vị cha chung, là sao Bắc Đẩu là vầng Thái Dương''... đã thành môtíp quen thuộc trong văn học dân gian. Folklore là sáng tác của dân gian và hình tượng Hồ Chí Minh giữ một vai trò quan trọng. Bác vừa là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo, vừa góp phần cho sáng tác ấy. Có nhiều giai thoại kể về Bác Hồ, chỉ vì Bác có cá tính, Bác dân chủ và Bác rất dân gian. Đồng chí Phạm Văn Đồng trong sách ''Hồ Chủ tịch - hình ảnh của dân tộc '' đã nói rằng: ''Người bình dân mộc mạc lại còn hiểu Hồ Chủ tịch dễ dàng hơn những người khác'' hẳn là đề cập đến tâm thức folklore Việt Nam trong con người, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Với các nhà văn, nhà thơ thì cụ thể hơn. Tố Hữu gọi: ''Người là Cha, là Bác, là Anh''. Xuân Diệu thấy tính chất dân dã trong ngôn ngữ của Bác: ''Dân sinh ra nên nới tựa dân đồng. Lời chuyện vẫn nôm na tục ngữ''. Lê Anh Xuân cho ta thấy được con người Hồ Chí Minh trong tâm thức folklore Việt Nam:

Điệu lục bát, khúc dân ca

Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam

Đây cũng là khía cạnh để ta hiểu hơn về Bác, về sự trường tồn hình ảnh Bác trong nhân dân. Hồ Chí Minh thực sự đi từ folklore đến với nhân loại và trở về với folklore Việt Nam và nhân dân, dân tộc.

. Trần Xuân Toàn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cuốn sách thơ viết tay lớn nhất Việt Nam  (11/05/2005)
Một tập thơ đồ sộ về Bác Hồ  (10/05/2005)
Thuận Yến- Nhạc sĩ có nhiều bài hát hay về Bác Hồ  (10/05/2005)
Đoàn thuyền đánh cá - bức tranh biển đêm tuyệt đẹp (*)  (10/05/2005)
Vườn dừa Bình Định  (09/05/2005)
Có nên thách thức dư luận để tự quảng cáo cho mình?   (08/05/2005)
Gauguin - người đặt nền móng cho nền hội họa hiện đại   (08/05/2005)
Thêm một bằng chứng về kinh đô Lâm Ấp   (06/05/2005)
Người tình Thượng Hải - Bộ phim mang tính nhân văn sâu sắc   (06/05/2005)
Hà Trần 98 - 03   (06/05/2005)
Thăm mộ "Bà Vua"   (06/05/2005)
Go So Young "tái xuất" màn ảnh nhỏ   (05/05/2005)
Hilary Hahn - cây vĩ cầm hàng đầu nước Mỹ, biểu diễn tại VN   (05/05/2005)
Phát triển nhanh, quản lý chưa theo kịp   (05/05/2005)
Yến Vy đóng phim "Trung uý"- Nên hay không?   (04/05/2005)