Vương mang hồn gỗ
8:36', 13/5/ 2005 (GMT+7)

Thợ gỗ Bình Định từng có tiếng tài hoa. Một thời, nghề xưa đứt đoạn. Nay, vẫn còn một số làng nghề tiện gỗ, chạm khảm nhưng muốn thịnh trở lại, cần một sự đầu tư…

Một lần, có dịp đi qua những nơi bán đồ xưa ở An Nhơn và Đập Đá, tôi đã thấy những chiếc tủ thờ, cặp liễn hay những tràng kỷ xưa, những sản phẩm sắc sảo trong từng chi tiết chạm, khảm do thợ gỗ Bình Định làm. Ngay như ngôi nhà của người Bình Định xưa, mỗi chi tiết xiên trính, rồi những cửa bàn khoa, đường nét chạm hoa lá, con sóc, chùm nho đều rất công phu. Tiến sĩ Tạ Tương làm đốc học Bình Định hồi cuối thế kỷ XIX, sau chuyển đi nơi khác, đã kéo một ê kíp thợ từ Bình Định ra làng Chánh Lộ (nay thuộc thị xã Quảng Ngãi) đóng cho ông một chiếc tủ thờ và bộ tràng kỷ mà ngày nay ai nhìn thấy cũng phải thán phục vì sự kỳ công và tài hoa.

Mỗi thợ khảm, ngoài sự thành thạo về kỹ thuật còn có chút tâm hồn của người nghệ sĩ.

Hiện ở Bình Định có hai làng nghề khảm, tiện gỗ là làng tiện gỗ Nhạn Tháp (Nhơn Hậu) và làng chạm khảm Cẩm Văn (Nhơn Hưng), đều thuộc huyện An Nhơn.

Tiện gỗ vốn là một nghề truyền thống đã có cách đây hàng mấy trăm năm ở Nhơn Hậu. Xưa nghề tiện gỗ tập trung ở xóm Thạch Bàn, còn gọi là xóm tiện, chủ yếu làm các đồ thờ. Sự truyền nghề vẫn chỉ mang tính chắp nối, nên làng nghề từng rơi vào cơn bĩ cực. Ông Bùi Tú Vinh, chủ một cơ sở tiện gỗ, cho biết: "Một thời gian dài, sản phẩm của làng chỉ là tiện thô, giá trị kinh tế không lớn, phải bán lại cho các cơ sở chạm, khảm trong Nam mới xuất khẩu được". Trước tình hình đó, đã có những người Nhơn Hậu vào Nam, ra Bắc, tìm cách phát triển nghề truyền thống. Bởi nếu không mạnh dạn tiếp thu thêm về kỹ thuật và kinh nghiệm của các làng nghề bạn thì không thể đứng vững. Họ rong ruổi sang Đông Hưng, Quảng Tây (Trung Quốc) để khảo sát thị trường, rồi tìm đến các làng chạm, khảm ở Bắc Ninh, Hà Tây, Sông Bé để tìm hiểu và mời thợ ở các làng nghề này về Nhơn Hậu làm nghề. Nay thì vào bất cứ cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ xuất khẩu nào ở Nhơn Hậu, ta đều dễ dàng bắt gặp những người thợ đến từ các tỉnh phía Bắc. Nhờ vậy, hiện nay, những sản phẩm của làng nghề đã đa dạng, tinh xảo, mẫu mã phong phú hơn. Có những sản phẩm cỡ lớn như: tủ, bàn, ghế… lại cũng có những sản phẩm nhỏ: lọ hoa, tranh khắc gỗ... Làm giàu truyền thống bằng tiếp sức về công nghệ, kỹ thuật đã giúp làng tiện gỗ Nhơn Hậu bước đầu đứng được trong cơ chế thị trường.

Còn người Cẩm Văn thì cũng đã gắn bó với nghề khảm truyền thống từ hàng trăm năm nay. Trong ký ức của một nghệ nhân cao niên trong làng, trước đây, nghề chạm khảm phát triển lan rộng ra cả hai xã Nhơn Hưng và Nhơn An với khoảng 3/4 số hộ trong làng theo nghề. Không ít những tủ thờ, liễn đối, bình phong… trong làng đã theo chân khách thương vào Nam, ra Bắc trong tấm lòng trân quý của giới mê đồ gỗ. Bẵng đi vài năm, làng nghề tưởng như lụn hẳn. Cho mãi đến khoảng năm 1995, làng nghề mới gượng dậy được, nhưng cũng chỉ còn vài ba hộ ở Cẩm Văn.

Một trong những khó khăn của các làng nghề này là nguyên liệu. Nguyên liệu của nghề khảm là gỗ gụ (gõ)ï. Để có gỗ, các cơ sở phải cắt cử nhau đi lùng mua lại những tấm phản gụ cũ ở các gia đình đem về, thuê thợ mộc đóng thành sản phẩm thô. Họ khảm lên đó ngọc trai, xà cừ, bào ngư, tạo nên những sản phẩm tinh xảo hơn. Mỗi sản phẩm được khảm với một mẫu mã có biến tấu riêng, khi là hoa lá, khi tích xưa, hình rồng, phượng… Mỗi thợ khảm, ngoài sự thành thạo về kỹ thuật còn có chút tâm hồn của người nghệ sĩ. Bởi vậy, từ khi bắt đầu xin vào làm thợ phụ, đến khi thành thục ra nghề, mỗi thợ khảm phải bỏ ra không dưới từ 1 đến 1,5 năm cật lực. Mỗi chiếc tủ thờ, khảm cẩn xong xuôi chào bán trên thị trường, được giá cũng chỉ chừng 17 - 18 triệu đồng. Trong đó, tiền gỗ, tiền công thợ mộc đã chiếm chừng 1/3 giá trị; còn lại là tiền trai, xà cừ, bào ngư… rồi công thợ.

Cũng bởi khó về nguyên liệu, các sản phẩm của nghề khảm, tiện chủ yếu là các sản phẩm nhỏ: lọ hoa, liễn, câu đối, tủ thờ... chưa đột phá nên sức cạnh tranh chưa cao. Thị trường lại không ổn định. Anh Trần Văn Hùng, chủ một cơ sở tiện ở Cẩm Văn, tâm sự: "Làm được chiếc tủ hoàn chỉnh đầu tư bao công phu, tâm huyết, nhưng chỉ khi nào bán được mới nhẹ người". Muốn bán nhanh, được giá, các chủ cơ sở phải đưa hàng ra Hà Nội, hay vào TP Hồ Chí Minh.

Những tủ, liễn… sản phẩm hôm nay của làng nghề, vẫn đẹp, tinh xảo nhưng dường như không có hồn bằng sản phẩm xưa. Anh Hùng thì canh cánh: "Giá như chúng tôi có điều kiện để phát triển nghề, mở rộng nhà xưởng và sản phẩm vươn đến được những thị trường xa, chủ động hơn về thị trường tiêu thụ...".

Những làng nghề hiện tồn đang cần sự tiếp sức để hưng trở lại, để những sản phẩm gỗ mang thương hiệu Bình Định lại tái xuất trên thị trường, chẳng thua kém với những đồ gỗ phía Bắc đang chiếm lĩnh thị trường hiện nay.

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lập dự án phục hồi Vườn cam Nguyễn Huệ  (13/05/2005)
Yến Vy không có mặt trong phim Trung úy  (12/05/2005)
Hoa đước đỏ- Chuyện về người tình báo anh hùng  (12/05/2005)
Bức chân dung trị giá 12 triệu USD  (12/05/2005)
Tâm thức Foklore Việt Nam trong con người, tư tưởng Hồ Chí Minh  (11/05/2005)
Cuốn sách thơ viết tay lớn nhất Việt Nam  (11/05/2005)
Một tập thơ đồ sộ về Bác Hồ  (10/05/2005)
Thuận Yến- Nhạc sĩ có nhiều bài hát hay về Bác Hồ  (10/05/2005)
Đoàn thuyền đánh cá - bức tranh biển đêm tuyệt đẹp (*)  (10/05/2005)
Vườn dừa Bình Định  (09/05/2005)
Có nên thách thức dư luận để tự quảng cáo cho mình?   (08/05/2005)
Gauguin - người đặt nền móng cho nền hội họa hiện đại   (08/05/2005)
Thêm một bằng chứng về kinh đô Lâm Ấp   (06/05/2005)
Người tình Thượng Hải - Bộ phim mang tính nhân văn sâu sắc   (06/05/2005)
Hà Trần 98 - 03   (06/05/2005)