Sinh thời, Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta luôn luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào, cán bộ miền Nam ruột thịt, bởi miền Nam chịu đựng gian khổ "đi trước về sau" trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Với các văn nghệ sĩ, trí thức người miền Nam tập kết ra Bắc, Bác càng dành tình cảm vô bờ bến của mình cho anh chị em.
|
Bác với các dũng sĩ miền Nam (1969) |
Mỗi lần năm hết Tết đến, Bác đều tranh thủ đi thăm, chúc Tết nhân dân, bao giờ Người cũng thăm đồng bào, cán bộ miền Nam trước tiên. Những ngày cuối đông áp tết năm 1955, đoàn tuồng Liên khu V đóng ở khu văn công Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội). Anh chị em mới tập kết ra nên chưa quen với khi hậu miền Bắc. Tuy đã được cấp đầy đủ chăn và quần áo ấm nhưng ai cũng thấy lạnh thấu xương. Từng cơn gió mùa đông bắc thổi ù ù bên ngoài cánh cửa. Ai nấy ngồi co ro trên giường, trùm kín chăn lên tận đầu.
Bỗng cửa mở. Một người mặc bộ ka ki đã cũ, khăn bông che gần kín mặt đột ngột bước vào phòng. Người ấy đến bên nhạc công Văn Bá Anh, hỏi:
- Các đồng chí văn công Khu V có lạnh không ?
Nhạc công Văn Bá Anh vừa run vừa trả lời :
- Lạnh quá ông ạ. Tụi tôi hết chịu nổi. Ăn xong không muốn rửa chén đũa, không muốn bước xuống đất nữa.
Ông khách gật đầu rồi đi xuống bếp. Khách xem xét khắp nơi, vào xem cả bể nước, chỗ vệ sinh… Rồi cũng chẳng ai biết khách đi bao giờ. Ai cũng nghĩ đó là cán bộ của một ngành nào đó có trách nhiệm chăm sóc khu văn công nên cũng chẳng để ý. Một lúc sau, đồng chí trưởng đoàn báo cho cả đoàn chuẩn bị đón Bác Hồ đến thăm. Mọi người quên cả giá lạnh, tíu tít chuẩn bị. Nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy Bác đâu mà chỉ thấy ô tô chở thêm chăn bông, quần áo ấm đến cho mọi người. Mãi sau mới vỡ lẽ : Ông khách vào hỏi chuyện nhạc công Văn Bá Anh và đi xem xét mọi chỗ ấy chính là Bác Hồ. Bác đến và đi đột ngột chẳng ai kịp mừng đón Bác.
Năm 1959, vẫn ở đoàn văn công Liên khu V tại Mai Dịch. Chiều ba mươi Tết, cả đoàn kéo nhau vào trung tâm thành phố, vui quanh Hồ Gươm đón giao thừa, ở nhà chỉ còn một mình diễn viên Nguyễn Kiểm (nay là NSƯT dân ca bài chòi) ôm cây đàn nguyệt tập lại bài Lưu thủy mới học. Khoảng hơn bảy giờ tối, nghe có tiếng lao xao ngoài cửa, nhưng vì mải tập đàn nên anh không để ý.
Bỗng có một bàn tay đặt nhẹ nhàng lên vai anh khi nhịp đàn vừa dứt. Anh quay lại và bàng hoàng thốt lên: "Bác Hồ !" rồi lính quýnh ôm cây đàn chạy qua chạy lại không biết để chỗ nào. Bác Hồ cười, nói vui :
- À à… Bế Văn Đàn… gảy đàn !
(Bác nhắc đến một tiết mục Nguyễn Kiểm đóng vai Bế Văn Đàn đã diễn cho Bác xem. Vì hát dân ca nên vừa hát vừa làm điệu bộ, Bác đã góp ý như vậy là Bế Văn Đàn ngả nghiêng tránh đạn, không đúng). Bác lại hỏi:
- Các cô các chú đi đâu cả ?
Nguyễn Kiểm ấp úng :
- Thưa Bác… cháu… cháu…
Bác cười :
- Bác hỏi các cô các chú trong đoàn cơ mà.
Nguyễn Kiểm lúc ấy mới hơi bình tĩnh trở lại :
- Thưa Bác… Các anh chị ấy đi đón xuân rồi ạ.
- Ừ, Bác cũng đi đón xuân. Nhưng sao cháu ở nhà ?
- Thưa Bác… Cháu mới học nhịp ngoại khó quá nên ở nhà tập thêm ạ.
Bác cười dịu dàng :
- Cháu chăm tập thế là tốt. Nhưng nhịp của cháu còn lung tung, "tam tung tứ đại" lắm. Thế các cháu có đủ mùng nằm không?
- Thưa Bác đủ ạ.
- Chắc họ còn khuya mới về, cháu tranh thủ mắc mùng hết cho anh em đi. Bác gửi lời thăm và chúc các cô các chú trong đoàn năm mới khỏe mạnh, biểu diễn cho thật hay nhé.
Rồi Bác nhanh nhẹn quay sang khu vực đoàn cải lương Nam Bộ chúc Tết.
Chiều 29 Tết năm 1961, ba chiếc xe con đi vào khu văn công Mai Dịch có đoàn tuồng Liên khu V đang ở. Bỗng tiếng reo vang lên :
- Bác đến ! Bác Hồ đến !…
Diễn viên các đoàn văn công : chèo, tuồng, ca Huế, bài chòi, múa… ào ra đón Bác. Ai cũng mời Bác vào đoàn mình. Bác liền tháo dép cao su ngồi xuống ngay bãi cỏ khu văn công để vui chung tất cả. Nghệ sĩ Bích Liên vội vàng vào nhà ôm chiếc chiếu hoa mới tinh ra trải mời Bác ngồi. Hôm ấy trời nắng, Bác cởi cúc áo ngực cho mát, cất giọng đầm ấm:
- Sắp sang năm mới, Bác đến thăm các cô các chú. Cháu nào hát cho Bác nghe nào ?
- Dạ. Cháu hát ạ.
- Cháu xin hát ạ…
Tất cả cùng nhao lên. Bác bảo : "Chú Kỳ ra xe lấy kẹo vào đây. Mỗi bài hát Bác thưởng một kẹo". Có cháu nhỏ hát bài "Con vịt" đến 2 lần. Bác cười, bảo: "Vịt bơi đi rồi bơi lại để được 2 kẹo đây". Mọi người cùng cười. Nghệ sĩ Lệ Thi xin ngâm thơ tặng Bác. Bác bảo:
- Cháu ngâm đi. Nhưng ngắn thôi nhé.
Nghệ sĩ Lệ Thi sửa giọng, ngâm bài thơ "Lên núi" của Bác. Bác nói:
- A, cô này mưu mô… mưu mô…
Chị Lệ Thi ngâm xong, Bác lấy ra 2 cái kẹo, đưa cho Lệ Thi một chiếc:
- Một kẹo này là phần của người ngâm. Còn chiếc này… Bác giơ cái kẹo lên- là phần của tác giả. Nhưng thôi, phần của Bác, Bác cho cô Lệ Thi nốt… Bác ngừng một chút rồi nói tiếp:
- Tác giả có nhuận bút, nhớ chia cho diễn viên hưởng một phần nhé !
Tất cả cùng cười vui vẻ mà thấm thía với lời dạy ân tình của Bác.
. Nguyễn Văn Chương
(Theo lời kể của cố NSND Đinh Quả và NSƯT Nguyễn Kiểm)
|