Bác vẫn nằm kia như đã bao năm nay Bác nằm như vậy. Ánh đèn đặc biệt soi sáng gương mặt và đôi bàn tay Bác. Giống như sau những ngày lao lực, bây giờ Bác đang chìm vào giấc ngủ thật sâu.
Đến gian đặt hình hài Bác, tất cả đều đi chậm lại, từng bước, để được nhìn Bác kỹ hơn, lâu hơn. Không khí trang nghiêm đọng trong những tâm hồn ngưỡng vọng. Lặng lẽ trong gian phòng lạnh, ai cũng sợ làm Bác tỉnh giấc. Nhìn Bác đang nằm đó mà nhớ Bác vô vàn. Nghĩ về cuộc đời gian nan đi tìm đường cứu nước của Bác với lịch sử cách mạng Việt Nam, một nhà văn đã nói: "Với Bác mỗi ý kiến là một tia sáng, mỗi hành động là một bài học".
Nhìn Bác nằm, mà trong thẳm sâu ký ức chúng tôi đang thức dậy hình ảnh Bác khăn mặt vắt vai, với bộ áo quần nâu, Bác chống gậy, đi nhanh nhẹn trong cánh rừng Việt Bắc, thủ đô đại ngàn của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Bác dẫn cuộc kháng chiến chống Pháp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác bằng ý tưởng thần kỳ đầy tính chiến lược: "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi". Chúng tôi cầm súng lên đường, hai chữ Trường Kỳ đã khắc sâu vào tâm khảm, và đôi mắt bừng sáng nhìn rõ tương lai: Nhất định thắng lợi.
Sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, đứng trước kẻ thù mạnh gấp ta nhiều lần, hung ác cực kỳ, thì Bác không dùng khẩu hiệu cũ. Giống như thời nhà Trần chống quân Nguyên khắc lên tay hai chữ "Sát Thát", Bác mở Hội nghị Diên Hồng mới. Trong hội nghị, để kích động lòng yêu nước, lời hô hào của Bác đã thành tuyên ngôn cho cả dân tộc: "Không có gì quí hơn Độc lập Tự do". Thấm sâu lời hiệu triệu ấy, chiến sĩ cao xạ pháo đối mặt với máy bay Mỹ đã hô: "Đế quốc Mỹ không có gì đáng sợ. Nhằm thẳng quân thù mà bắn!", và khi Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường, hiên ngang không chịu để kẻ thù bịt mắt, sẵn sàng nhìn thẳng vào cái chết. Trước khi địch nổ súng giết anh, Nguyễn Văn Trỗi vẫn kịp hô: "Hồ Chí Minh muôn năm!".
Có Bác, đất nước ta thêm một lần hiên ngang.
Chúng tôi nhìn kỹ gương mặt Bác, gương mặt hiền diệu quá. Giá được nhìn ánh mắt Bác thì thú vị biết bao. Trong con người hiền dịu kia đã tin yêu nhân dân và được nhân dân tin yêu. Cả dân tộc chịu cái đói nghiệt ngã năm 1945, Bác hô hào toàn dân tổ chức Hũ gạo tiết kiệm, và chính Người mỗi tuần nhịn một bữa, lấy gạo đổ vào trong hũ gạo tiết kiệm ấy. Việc làm của Người được cả nước làm theo.
Trong đói nghèo nhường ấy, Bác vẫn thấy được một cách trọn vẹn sức mạnh lớn lao của dân tộc trong từng con người. Chính vì vậy khi nói về quan hệ giữa cách mạng và quần chúng, Bác khẳng định: "Nhân dân ủng hộ ta ít thì ta thắng lợi ít. Nhân dân ủng hộ ta nhiều thì ta thắng lợi nhiều. Nhân dân ủng hộ ta hoàn toàn thì ta thắng lợi hoàn toàn".
Nhân dân trở thành lực lượng của cách mạng như vậy. Cả dân tộc đã theo Người làm cách mạng suốt 30 năm trời và đã giành thắng lợi hoàn toàn, thu non sông về một mối.
Trước Bác, suốt gần một thế kỷ cai trị của thực dân Pháp, biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa chống Pháp, kết cục không thành công, đều bị đánh bại. Đến Bác thì Bác đã tập hợp được toàn dân dưới ngọn cờ Độc lập Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Điều đó thật dễ hiểu, vì mục đích làm cách mạng của Bác rất rõ ràng. Bác nói: "Suốt đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước được Độc lập, dân được Tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Mục đích rõ ràng như thế, đã làm cho nhân dân theo Người đứng lên chống giặc ngoại xâm.
Bác đang nằm thanh thản trước mắt chúng tôi kia. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã nói rất đúng về Người:
Cả dân tộc gọi Người là Bác
Cả đời Người là của nước non
Bác – vị Chủ tịch của một nước, cho đến khi qua đời thì gia tài của Bác chỉ có vài bộ quần áo may kiểu Tôn Trung Sơn và một đôi dép, ngoài ra không có gì khác. Ngay cả đến chỗ ở, Bác không đòi hỏi biệt thự cao sang, mà chỉ là một ngôi nhà sàn đơn sơ. Đương thời Bác chỉ hô hào các đồng chí của mình thực hiện 8 chữ vàng: "Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư".
Ôi! Giá Bác còn sống đến ngày nay, chắc giấc ngủ của Người sẽ bình yên gấp nhiều lần vì khát vọng của Người đã thành sự thật.
Dòng người đi nối nhau vô tận quanh quan tài thủy tinh của Bác. Thêm một lần nữa chúng tôi thấm thía tư tưởng yêu nước của Bác Hồ.
Cảm nhận tấm lòng ấy, hình như trong chúng tôi ai cũng rưng rưng nước mắt.
. Nguyễn Quang Hà