Xem hát bội trên quê hương Đào Tấn
14:39', 20/5/ 2005 (GMT+7)

Thuộc làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc (Tuy Phước), xóm Vinh Tây nằm bên Quốc lộ 19. Từ thành phố Quy Nhơn đi xe máy vài chục phút, qua khỏi thị trấn Tuy Phước là tới nơi. Nơi đây, có dấu tích căn nhà cũ của bậc hậu tổ nghệ thuật hát bội Đào Tấn. Vậy mà đã 40 năm rồi, năm nay tiếng trống chầu mới lại vang lên trong xóm... 

* 40 năm, hoài niệm tiếng trống chầu

Cảnh trong vở "Tiêu Anh Phụng" do CLB Sông Kôn biểu diễn.

Ông Nguyễn Trọng Cầu, phụ trách an ninh của xóm Vinh Tây, chức trách nhỏ nhưng nhiệm vụ không nhẹ, nhất là trong những ngày xóm làng có việc như hôm nay: cúng Thanh minh. Đang lui cui chuẩn bị trước miếu Thanh minh, ông Cầu vui vẻ: "Úi chao! Hôm trước chú em đến đây thì thấy, không khí hồ hởi lắm. Trẻ con thì cầm chổi, người lớn thì vác rựa, vác cuốc, cả xóm cùng góp công góp sức vào mới dọn được cái khoảnh đất hơn 900m2 trước sân miếu thế này. Trước, đây là đám đất trồng bạc hà, nay đã có điểm để dựng rạp làm sân khấu, rồi có chỗ để bà con trong xóm, ngoài làng cùng đến xem hát bội. Gì thì gì chứ người Vinh Thạnh đây phải nói là sống chết với tiếng trống chầu đấy!".

Có là người Bình Định thì mới thấu hiểu thế nào là nỗi niềm của tiếng trống chầu.  Sức sống một chiếu hát bội vậy mà mãnh liệt. Ngay trong thời chiến tranh, bom đấy, đạn đấy, điện không có, vậy mà theo lời ông Nguyễn Văn Nít, một người làng Vinh Thạnh nay đang cư ngụ ở xã khác, người dân vẫn tổ chức hát bội. Ông Nít tâm đắc: "Xóm Vinh Tây hồi đó có hơn 70 hộ thì 60 hộ có người tập kết. Làng còn toàn đàn bà không mà vẫn tổ chức hát bội, mời được cả gánh Long Trọng về, hát luôn mấy đêm. Nay, đời sống ngày một lên mà con cháu không tổ chức được thì dở lắm, xấu hổ với tiền nhân lắm".

Người trong thôn, rồi con cháu trong xóm dù làm việc gì, ở đâu, ngày tết về vẫn cứ ngóng một tiếng trống chầu. "Bao nhiêu người nói: làng mình phải tổ chức hát bội, để trước là đáp ứng lòng dân, cũng là để con cháu hôm nay nhớ đến câu hát bội, cái truyền thống thẳm sâu của xóm mình, nơi quê hương của cụ Đào"- cụ Nguyễn Xuân Phong, nay đã gần 80, nói.

Và rồi mỗi người trong xóm, người ít, kẻ nhiều cùng góp công, góp tiền để tổ chức ba đêm hát bội và buổi hát án nhân ngày cúng Thanh minh từ ngày 26 tháng 3 âm lịch này. 

* Hội đã lên đèn

Đêm chưa đến mà khắp sân đã lao xao tiếng nói cười. Nơi biểu diễn: sân khấu lưu động ráp bằng những thanh gỗ đã sẵn sàng với phông, màn, chăng ngang trên cao là tấm biển "Câu lạc bộ hát bội Sông Kôn" (Vĩnh Thạnh). Trước sân khấu, ba chiếc trống chầu chễm chệ ngay hàng đầu. Rồi những cái khay đựng thẻ thưởng cũng đã sẵn sàng trên bàn đầu. Bên đám trẻ lau nhau đang nô đùa khắp sân, những cụ ông, cụ bà đến sớm, kháo nhau về những nhân vật sắp tái xuất trên sân khấu, những con người chẳng có trong cuộc đời nhưng lại thân quen với họ tự thuở nằm nôi. Tối nay, đoàn Sông Kôn sẽ diễn vở: Tiêu Anh Phụng.   

       Trước giờ biểu diễn.

Trước giờ biểu diễn, tôi gặp ông Trương Văn Tín, ông bầu của đoàn Sông Kôn đang thư thả nằm vắt chân trên chiếc võng dưới gốc tre một góc sân. Ông Tín bảo, cả đời ông làm bầu hát từ trước giải phóng, nay mới có dịp gọi là được biểu diễn trên miền đất có thể xem là một trong những cái nôi của hát bội, cũng thấy thú lắm. "Bọn tui đi lưu diễn nhiều, từ Vũng Tàu, đến Bình Thuận, cả Lý Sơn (Quảng Ngãi), tui biết: khán giả đất hát bội rành hơn các vùng khác. Nhiều người đã nghe hát bội từ hồi ẵm ngửa, nên mình dễ bị bắt bẻ lắm. Bị bắt bẻ nhưng lại vui, vì thấy dân người ta quan tâm, người ta mê, anh em mình lại càng có động lực mà hát"- ông Tín nói.

Nơi một góc sân khấu, tôi gặp hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Diên đang tranh thủ hóa trang chuẩn bị biểu diễn. Anh Diên nói: "Cả gia đình tôi đều là dân hát bội, mấy bà chị, rồi chị dâu, anh rể đều là diễn viên. Quê tôi lại là làng hát bội Nhơn Hòa, nên tôi mê hát bội từ nhỏ. Học hết lớp 9 là quyết định khăn gói theo học nghề với thầy Hoàng Chinh trong xóm".

Đời hát, hai vợ chồng thường xuyên phải đi diễn dài ngày, dăm bữa, nửa tháng, hai đứa con ngày còn nhỏ vẫn phải gửi nội, nhờ ngoại. Thu nhập cũng chẳng gọi là cao so với các nghề khác. Vậy mà nghe hỏi có rứt nổi cái nghiệp này để theo nghề khác, ai cũng lắc đầu. Và từ chính tình yêu ấy, cũng như từ cái ngóng trông tiếng trống chầu gióng lên để đâm đầu mà chạy của những khán giả chân đất, đã vun cho truyền thống hát bội của đất này xanh mãi với thời gian.

* Nơi câu hát vẫn đi - về

Đã lô nhô những bóng đầu ngồi quanh sân, vừa phe phẩy quạt, vỗ tay tán thưởng, vừa bình luận rôm rả. Lớp ngồi, lớp đứng.

Tuồng tích thì cũng chẳng lấy gì làm mới. Mà người ta đến, đâu chỉ để xem tuồng coi tích, vì những tuồng tích này người ta đều đã nằm lòng. Vậy mà vở diễn vẫn hút hồn người xem lạ. Người xem xuýt xoa với từng động tác, câu hát của diễn viên, ngẩn ngơ theo từng câu hát. Chẳng thế, mà tiếng trống chầu cứ dồn dập, như khen ngợi, như xuýt xoa cho mỗi miếng nghề, từng cách đổ giọng. Tưởng như cái tang trống dưới tay các cụ cầm chầu đêm ấy như đang rung lên. Nó gióng giả như muốn nói thay cái cảm xúc chân thành của người xem. Những nắm thẻ được tung liên tục lên sân khấu. Có người còn bưng hẳn cả khay thẻ mà ném lên, những cách khen ngợi chân thành và cụ thể nhất. Xem không khí ấy, tự dưng tôi lại nhớ đến lời khẳng định của nhà nghiên cứu Mịch Quang: "Ai nói hát bội không có khán giả. Nếu không có là do mình đi không đúng hướng, khán giả quay lưng lại với mình. Hát bội không chuyên vẫn có khán giả". Còn cụ Phong đứng bên tôi thì bình luận: "Không chuyên mà tui xem rất thích. Miếng nghề của ông cha mình cả. Mà hôm nay diễn lại có phần hơn hôm qua. Mấy cô đào tối nay diễn xuất sắc lạ". "Vậy chứ so với 40 năm trước thì sao, thưa cụ"- tôi hỏi. "Vui hơn nhiều chứ"- cụ cười hỉ hả.

Thật diễm phúc cho người Vinh Thạnh, cho người đất tuồng Bình Định có được cái máu me hát bội như vậy. Đấy là nơi câu hát của ông cha vẫn còn nơi đi về, để đi vào ký ức cái tiếng trống chầu rộn rã, và đi vào giấc ngủ thật êm đềm sau một đêm đi nghe hát.

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hảo "đen"  (20/05/2005)
Thí sinh Hoa hậu Hoàn Vũ thăm đảo Phuket, Phi Phi  (20/05/2005)
Triển lãm cuốn thơ thiền Lý-Trần khổ lớn in trên giấy dó  (20/05/2005)
Kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà văn Andersen  (20/05/2005)
Thơ Phạm Ánh, Nguyễn Đình Lương, Lê Bá Duy  (20/05/2005)
Đôi điều suy ngẫm về bài thơ "Mộ" của Hồ Chí Minh  (20/05/2005)
Ấn Độ: Lăng mộ Taj Mahal sẽ thuộc về ai?   (19/05/2005)
Chính quyền thành phố Montreuil làm Lễ đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh  (19/05/2005)
Nhớ những lần gặp Bác  (18/05/2005)
Những chân dung biếm họa  (17/05/2005)
"Giờ vàng" cho phim truyện Việt  (17/05/2005)
Viếng Lăng Bác càng nhớ Bác   (16/05/2005)
Làm phim tư liệu về các nghệ sĩ sân khấu truyền thống  (16/05/2005)
Nghe lại những bài hát viết về Bác  (16/05/2005)
LHQ chiếu phim về bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ  (15/05/2005)