"Tác phẩm nghệ thuật không phải là hình ảnh của thiên nhiên mà là bản thân thiên nhiên"- Kisimir Malevich.
Tháng 2-1878, tại thành phố Kiev (Nga), trong một gia đình công nhân đường sắt, cậu bé Kisimir Malevich cất tiếng khóc chào đời. Ít ai có thể ngờ rằng, chỉ vài thập niên sau đó, "cậu bé Thành Kiev" Malevich đã trở thành một trong những bậc thầy của hội họa trừu tượng, đồng thời mở ra một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của các trào lưu hội họa trên thế giới.
Malevich không có may mắn là "con nhà nòi", ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Yêu nghệ thuật từ thơ ấu, song con đường đến với hội họa của Malevich không hề bằng phẳng, ngược lại đầy chông gai, trắc trở. Suốt bao năm tháng, từ bé cho đến khi trưởng thành, Malevich đã phải trải qua bao gian nan, vất vả. Ông đã từng làm khá nhiều nghề: công nhân, thư ký, vẽ thuê các đồ án… Một điều khá đặc biệt là ngay từ thời thơ ấu, Malevich đã bộc lộ tư chất của một tài năng hội họa. Tác phẩm đầu tay của mình, Malevich đã vẽ về mẹ. Ông thể hiện chân dung mẹ mình bằng lối vẽ hiện thực, với sự rung động chân thành và niềm yêu kính vô hạn. Với lòng say mê nghệ thuật, Malevich không ngừng học hỏi và quyết tâm theo đuổi hội họa. Ông tranh thủ làm thuê, kiếm tiền, lên Matxcơva - trung tâm nghệ thuật Nga, để có thể tiếp cận, học hỏi về nghệ thuật. Người đầu tiên mà Malevich gặp là họa sĩ Fyodo Renberg. Và, quả thực là Matxcơva đã đem đến cho Malevich một luồng sinh khí mới. Ông liên tiếp đón nhận, nghiên cứu, học hỏi các trào lưu, trường phái nghệ thuật: Ấn tượng, Dã thú, Lập thể… Thời gian đầu, Malevich học tập theo lối vẽ của các họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng. Ông vẽ phong cảnh, chân dung bạn bè và những người thân trong gia đình. Năm 1908, tại Matxcơva diễn ra triển lãm tranh của "ông tổ" trường phái Dã thú. Triển lãm gây cho Malevich những cảm xúc mãnh liệt, bởi ông nhận thấy có nhiều điểm tương đồng với nghệ thuật dân gian Nga. Tiếp đó, khoảng năm 1913, Malevich thử nghiệm lối vẽ của các trường phái Lập thể và Vị lai. Malevich không ngần ngại tuyên bố: "Nghệ thuật của quá khứ gắn liền với nhà thờ và lệ thuộc vào vật thể". Lời tuyên bố này ở tại nước Nga là một điều không đơn giản. Bởi vì, những người yêu nghệ thuật hẳn đều biết, từ thời các họa sĩ Nhà Thờ (còn gọi là họa sĩ thánh tượng), đời sống nghệ thuật của nước Nga đã bị xiềng xích của chủ nghĩa kinh viện trói chặt. Malevich khước từ tất cả những quy định gò bó của hội họa cổ điển, như luật viễn cận, giải phẫu, không gian, ánh sáng… Cùng với Kandinsky, Malevich đi tìm một con đường mới: hội họa trừu tượng.
Nói đến hội họa trừu tượng, lịch sử nghệ thuật không quên người đặt nền móng đầu tiên là danh họa Kandinsky. Tuy nhiên, Malevich mới chính là người đi tiên phong. Theo Malevich "Đối tượng không tồn tại trong chính nó, mà chỉ là thế giới không đối tượng". Malevich nhiệt thành ca ngợi về ưu thế của "cảm giác thuần túy". Từ đó, ông xây dựng nên Lý thuyết ưu thế. Malevich quan niệm: "Tác phẩm nghệ thuật không phải là hình ảnh của thiên nhiên mà là bản thân thiên nhiên". Ông thẳng thắn đưa ra chủ trương: "Nghệ thuật mới phải xây dựng thế giới mới. Thế giới của cảm xúc và diễn đạt những điều không nhìn thấy được.". Xác định như vậy, Malevich tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm, từng bước tạo dựng nên trường phái trừu tượng trong hội họa. Để minh chứng cho lý thuyết của mình, Malevich đã sáng tác hàng loạt tranh siêu thực, trừu tượng đầy sức thuyết phục, như: Ưu thế động lực, Người phụ nữ bên cột quảng cáo, Kỵ binh đỏ, Hình vuông đỏ, Hình vuông đen, Ngôi nhà đỏ, Cầu thủ bóng đá, loạt tranh Trắng trên trắng … Tiêu biểu trong số này phải kể đến 2 tác phẩm Ưu thế động lực và Trắng trên trắng. Trong Ưu thế động lực, Malevich sử dụng những đường xiên tự do, tạo cảm xúc trừu tượng, tách hẳn thế giới thực tại. Bức tranh không có hình dạng cụ thể, không có chủ đề, mà chỉ dựa vào sự tiến triển của tính chủ quan… Đối với loạt tranh Trắng trên trắng, đây là các tác phẩm điển hình của lý thuyết ưu thế "không đối tượng". Hầu hết các tác phẩm trên, Malevich đều sử dụng hình phẳng, màu sắc đơn giản.
Những năm tháng chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cùng với nhà thơ Maiacovski, Malevich đã tham gia vẽ nhiều tranh tuyên truyền, cổ động và gia nhập quân đội. Ngay sau ngày Cách mạng tháng Mười Nga thành công, Malevich trở thành giảng viên của Trường mỹ thuật ở Matxcơva; được mời giảng dạy nghệ thuật ở nhiều nơi, như: Vitebk, Pêtebua và trở thành Hội trưởng Hội nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Lêningrat… Đặc biệt, gần giống như âm nhạc, Malevich đã sáng tạo ra 7 hình chủ yếu (vuông, chữ nhật, tròn, tam giác…) để thể hiện cảm xúc trong tác phẩm của mình. Chỉ với "7 hình cơ bản", Malevich đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị. Và, điều đáng nói là học tập Malevich, nhiều họa sĩ trên thế giới đã vận dụng "mô típ 7 hình cơ bản" vào trong tác phẩm của mình.
Danh họa Kisimir Malevich qua đời vào ngày 15-5-1935 tại thành phố Lêningrat. 70 năm đã trôi qua. Liên bang Xô viết và nước Nga đã trải qua bao biến cố lịch sử. Song, dù cho "vật đổi, sao dời", tên tuổi Malevich và những tác phẩm của ông sẽ mãi trường tồn theo năm tháng. Và, lịch sử mỹ thuật thế giới sẽ không bao giờ quên tên ông - một bậc thầy của hội họa trừu tượng.
. Viết Hiền
|