Mấy hôm nay, câu chuyện văn học và học văn đang trở lại nóng sốt trên diễn đàn. Đúng là nóng thật, vui vẻ hấp dẫn như văn chương mà bỗng trở nên nặng nề khi đưa vào trường học, đến nỗi một học sinh giỏi văn lớp 11 phải viết một bài "phản kháng" lối dạy văn trong trường học hiện nay, vơ luôn cả một "ngôi đền văn học" vào để... chê dở.
Tôi viết bài sau đây với tư cách... từng là một học sinh giỏi văn (học chuyên văn 3 năm cấp III phổ thông từ 1986-1989 tại Trường trung học chuyên Lê Quý Đôn-TP Nha Trang, tỉnh Phú Khánh cũ). Hồi đó chúng tôi được tuyển chọn gắt gao từ khắp các địa phương trong tỉnh, ở nội trú tại trường và đi học có học bổng và hơn... 10 kg gạo/tháng. Tuy nhiên, chẳng phải vì thế mà chúng tôi yêu môn văn, yêu văn học đến say mê và hiện đang sống bằng nghề văn...
Hình thức lớp chuyên khi ấy, đại loại cũng như phân ban bây giờ, chúng tôi vẫn học theo chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông thống nhất trên toàn quốc, chỉ khác là lớp chuyên môn gì thì tăng mỗi tuần thêm đôi tiết môn đó. Cái quan trọng là chúng tôi được học với những thầy cô giáo có kiến văn sâu sắc, truyền cho học trò những cách tiếp cận linh hoạt vẻ đẹp của văn chương, từ đó gợi mở tự nhiên niềm thích thú môn văn. Nhiều lứa bạn tôi còn nhớ hình ảnh và phong cách truyền thụ của cô giáo dạy văn Lê Khánh Mai (hiện cô là nhà thơ, Phó chủ tịch Hội VHNT Khánh Hòa kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nha Trang). Trong mỗi giờ học văn, các bước tuân thủ theo SGK đã được cô chuyển tải rất nhẹ nhàng, ví dụ như một trò đứng lên đọc diễn cảm tác phẩm, sau đó cô cung cấp một vài câu chuyện "hậu trường" sinh động về tác giả- tác phẩm, vài hướng gợi mở về cảm thụ tác phẩm, thời gian còn lại là các ý kiến phân tích cảm nhận của học trò,... Đặc biệt, cô đã đưa ra một vài chủ ý phê phán SGK nghèo nàn và cô giới thiệu, cung cấp cho chúng tôi hàng loạt các tác phẩm hay cùng thời kỳ ra đời của tác phẩm đang học. Chẳng hạn khi học một bài thơ của Tố Hữu, cô đã chỉ cho chúng tôi đọc nhiều bài thơ khác của chính tác giả, cùng nhiều tác phẩm cùng thời của Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh,... Khi ấy, thơ Đường, văn học nước ngoài như Ấn Độ, Nhật Bản, Tây Âu,... còn chưa đề cập nhiều trong SGK nhưng chúng tôi đã biết khá nhiều và khá thích thú tìm đọc, luận bàn. (Tôi phản đối một phụ huynh nào đó ở Nha Trang nói rằng: không nên đưa những bài thơ Đường cho học sinh phổ thông học vì các em... không hiểu, vì theo tôi vấn đề là do cách dạy!). Tôi vẫn còn nhớ như in niềm háo hức, sự chuẩn bị cho những câu lạc bộ Văn học cuối tuần, có đọc và bình văn, mời văn nghệ sĩ đến nói chuyện, trích diễn hoạt cảnh theo tác phẩm văn học,... Cô còn khuyến khích chúng tôi đọc và viết bài cho các báo văn nghệ, văn học và nhà trường,... Hàng tuần, những "tờ báo" viết bằng phấn nhiều màu trên tấm bảng góc trường cũng đã thu hút sự chú ý phấn khởi không chỉ "bọn" học chuyên văn...
Nói như vậy, nhưng không hẳn chúng tôi chỉ chú tâm học môn văn, các môn học khác cũng học đều đặn như trường "thường", thậm chí nhiều học trò chuyên văn còn đậu cao vào các trường Kinh tế, Y khoa,... Nhiều người sẽ cho rằng "đây là học trò trên sàn nên học thứ gì chả giỏi"! Chưa chắc, nếu thiếu những người thầy giáo tâm huyết gợi mở một niềm say mê và tính tự giác động não của học trò, nhất là đối với môn văn (khi ấy, nhiều phụ huynh không muốn cho con em đi học chuyên văn, và quả thật, theo học ngành văn khi ấy ra trường rất ít công việc làm, nếu có thì cũng... thu nhập kém!).
Mới đây, qua trò chuyện với cô Lê Khánh Mai, cô cho biết: Lê Quý Đôn-Nha Trang bây giờ vẫn dạy và học như thế, vẫn một niềm say mê tin tưởng giữa thầy và trò với từng môn học. Và tôi chỉ viết lên đây vài cái chuyện học văn của một lứa chúng tôi để ai đó tham khảo... cho vui, chứ không có ý khoe khoang, lý tưởng hóa nơi mình học qua hay có dụng ý gì khác; điều tôi muốn nói là chuyện phương pháp dạy - học. Bởi bể dạy, bể học là muôn trùng, bởi vẫn còn đó nhiều lớp học, mái trường mà ở đó học sinh được đối xử, truyền đạt bằng một tinh thần dân chủ, có phê phán - có trân trọng, khơi gợi biết bao niềm tin mê say về những kiến thức sách vở và xã hội,...
. Đức Tuấn |