Làng văn hóa Vĩnh Long
9:1', 24/5/ 2005 (GMT+7)

Nhắc đến thôn Vĩnh Long (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) là nhắc đến một miền đất từng hứng chịu nhiều bom đạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trở lại Vĩnh Long lần này, chúng tôi được chia sẻ niềm vui của người dân nơi đây khi Vĩnh Long được UBND tỉnh công nhận danh hiệu văn hóa và quan trọng hơn: nhịp sống mới đang ngày càng thành hiện thực trên mảnh đất này...

* Một thời "đất lửa"

Nhịp sống trên đất Vĩnh Long hôm nay.

Đại tướng Hàn Quốc Kim Jin Sun (mà khi chiến đấu ở Việt Nam còn là một Đại đội trưởng) đã từng chứng kiến và ghi lại trong hồi ký Ký ức chiến tranh của mình hình ảnh chiến đấu ngoan cường của những người lính giải phóng trên mảnh đất Vĩnh Long này. Đó là một chiến sĩ giải phóng bị tiện đứt một bên cổ chân, một bên cánh tay cũng bị thương nặng, đã dùng bông băng và mảnh áo tự băng bó cho mình và một mình chiến đấu với cả đại đội lính Nam Triều Tiên trong suốt 8 giờ đồng hồ liền. Một chiến sĩ khác hy sinh trong tư thế ôm một quả lựu đạn đã rút chốt. Kể lại, rồi viên sĩ quan Hàn Quốc ấy lại tự hỏi: "Không hiểu con người lúc gần chết trong đau đớn tột cùng như vậy có khả năng rút chốt lựu đạn ôm vào người rồi mới chết như vậy không? Chỉ cần lay nhẹ người một chút là bản thân sẽ bị tan xác ngay tại chỗ cơ mà…".

Khu rừng tre bên bờ sông Lu Xiêm (mà trong hồi ký của Kim Jin Sun đã chép nhầm là Lu Diêm), nơi diễn ra những cuộc chiến đấu ác liệt năm xưa, chỉ còn chút dấu tích với những bụi tre, nối nhau thành một dải xanh thẫm. Xa xa là dãy núi Đầu Voi, một thời là căn cứ của một đại đội ta. Anh Phạm Văn Cảnh, Bí thư Chi bộ thôn, nói: "Xưa, Vĩnh Long như một trạm tiền tiêu, nối liền vùng căn cứ của tỉnh ở phía Tây (xã Cát Sơn) với khu Đông núi Bà vậy. Phải bám đất, giữ dân, để anh em có chỗ dừng chân. Địch cũng biết vậy nên tập trung càn quét". Còn ông Đinh Bá Lộc, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, sau này có cho tôi biết thêm: "Vĩnh Long chính là khu vực lính Đại Hàn thường xuyên càn quét, có thời điểm chúng có mặt 100%, cả ngày lẫn đêm. Có đợt, chúng càn dữ quá, anh em đằng mình phải xuống qua ngả Mỹ Hiệp (Phù Mỹ)".

Hôm nay đến Vĩnh Long, bạn sẽ được người dân địa phương kể cho nghe những câu chuyện thật cảm động, như chuyện về ba bà má ở Vĩnh Long kiên quyết không bỏ thôn, địch dồn dân xuống Hòa Hội buổi sáng, thì chiều các má lại về, bám trụ để làm cơ sở cho cách mạng... Những câu chuyện nhắc nhở ta về truyền thống thẳm sâu của một miền quê từng

* Làng văn hóa hôm nay

Đi trên đất Vĩnh Long hôm nay, không khí thanh bình, yên ả, khiến tôi cảm thấy thật khó mường tượng ra cái ác liệt năm xưa. Nhịp sống mới hiện lên thật ấn tượng. Người Vĩnh Long khoe với tôi, thôn bắt đầu xây dựng làng văn hóa từ tháng 10 năm 1997 thì đến năm 1999 được UBND huyện công nhận loại khá và năm 2000 công nhận loại xuất sắc. Ngày tôi về Vĩnh Long, cũng là ngày thôn nhận được giấy mời của UBND tỉnh xuống Quy Nhơn nhận bằng công nhận Làng Văn hóa cấp tỉnh năm 2004.

Đường trong thôn, tuy có đoạn còn chưa được bê tông hóa, nhưng vẫn khá sạch sẽ, khang trang, dưới tán dừa xanh mát rượi. Những con kênh ăm ắp nước, mang màu xanh mơn mởn cho những đồng lúa đương thì. Những gò đất cũng đã được tận dụng để trồng mì, những đàn bò lai đủng đỉnh gặm cỏ bên đường, rồi những ngôi nhà đã được xây cất khang trang, cho ta cái hình dung lạc quan về cuộc sống mới trên thôn quê xưa chìm trong lửa đạn này. Anh Cảnh giở sổ, tiết lộ cho tôi vài con số khá ấn tượng: toàn thôn có 256 hộ, nay chỉ còn 9 hộ nghèo, chiếm khoảng 3,5%. Thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/lao động/năm. 95% số hộ có nhà cấp 4. Thôn có 25 người đã và đang theo học đại học… "Thu nhập chủ yếu của người Vĩnh Long là từ sản xuất nông nghiệp. Được cái nhờ có nguồn nước chảy ổn định nên lúa làm được 3 vụ/năm, năng suất đạt 50 tạ/ha. Một số cây trồng khác như đậu phụng, ớt cũng cho thu hoạch khá. Vĩnh Long đang phấn đấu đi đầu cả xã về thu nhập 50 triệu/ha. Năm nay, nếu ớt được giá thì tính ra khoảng 30% diện tích đất nông nghiệp sẽ đạt con số này"- anh Cảnh nói.

Hỏi về cách làm của Vĩnh Long xây dựng thôn văn hóa, anh Cảnh vui vẻ: "Việc gì cũng phải bắt đầu từ dân, làm cho dân hiểu, dân tin, tin rồi thì họ ủng hộ. Nếu nói là "bí quyết" thì tụi tui chỉ có vậy". Nhưng để cho dân hiểu, dân tin, cán bộ phải gần dân, sát dân đã đành, rồi những khi có chủ trương mới, chính sách mới lại họp dân triển khai, rồi đi vận động và cán bộ, đảng viên phải "đi trước" cho "thôn nước theo sau"...

Ngày tôi về Vĩnh Long, cũng vào dịp thôn khởi công xây dựng trụ sở mới. "35 triệu đồng vận động từ sự tự nguyện đóng góp của người dân, xã hỗ trợ thêm một ít, vậy là nay mai, có trụ sở đàng hoàng để họp dân rồi" - một cán bộ thôn vui vẻ. Còn ông Lê Bính, người Vĩnh Long, năm nay ngoài 84 tuổi, thì vui vẻ: "Người Vĩnh Long tụi tui càng tự hào về truyền thống bao nhiêu thì càng phải phấn đấu xây dựng quê hương hôm nay".

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Có một chốn học văn hạnh phúc...  (23/05/2005)
Liên hoan phim Cannes tại Pháp: Phim Bỉ lên ngôi  (22/05/2005)
Truyền hình Mỹ giới thiệu phim về Việt Nam  (22/05/2005)
Học sinh VN giành chiến thắng tại cuộc thi piano ở Mỹ  (22/05/2005)
Malevich - bậc thầy của hội họa trừu tượng  (22/05/2005)
Xem hát bội trên quê hương Đào Tấn  (20/05/2005)
Hảo "đen"  (20/05/2005)
Thí sinh Hoa hậu Hoàn Vũ thăm đảo Phuket, Phi Phi  (20/05/2005)
Triển lãm cuốn thơ thiền Lý-Trần khổ lớn in trên giấy dó  (20/05/2005)
Kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà văn Andersen  (20/05/2005)
Thơ Phạm Ánh, Nguyễn Đình Lương, Lê Bá Duy  (20/05/2005)
Đôi điều suy ngẫm về bài thơ "Mộ" của Hồ Chí Minh  (20/05/2005)
Ấn Độ: Lăng mộ Taj Mahal sẽ thuộc về ai?   (19/05/2005)
Chính quyền thành phố Montreuil làm Lễ đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh  (19/05/2005)
Nhớ những lần gặp Bác  (18/05/2005)