Văn học trong nhà trường:
Một trường hợp phá luật của Đường thi
9:3', 24/5/ 2005 (GMT+7)

(Về bài "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng" của Lý Bạch, giảng dạy trong chương trình Văn học lớp 10)

Nói đến thơ Đường, người ta vẫn nghĩ đến quy định, chế ước khá chặt chẽ về luật thơ. Tuy nhiên, không ít trường hợp dòng chảy của cảm xúc đã xô đẩy câu thơ ra khỏi trật tự thông thường mà sự phá lệ đó lại làm nên những kiệt tác. Bài "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu thất luật nhưng lại nổi tiếng cổ kim và được mệnh danh là "Luật thi đệ nhất". Như một sự trùng hợp thú vị - cùng gắn với Hoàng Hạc lâu thắng cảnh muôn đời - bài "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng" của Lý Bạch cũng là một bài thơ phá cách mà trở thành bài thơ bất hủ về đề tài tình bạn.

Câu thơ đầu tiên:

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu

đã lôi cuốn người đọc ở ngôn từ đầy sức gợi. "Cố nhân" nhiều hàm nghĩa, "từ" mở ra ý chia ly, và "Hoàng Hạc lâu" gợi lên bao hoài niệm đẹp(*). Âm điệu của câu thơ ít được để ý đến - một âm điệu trầm buồn, sâu lắng, thiết tha như thốt ra từ cõi lòng. Đó là hiệu quả của 5 thanh bằng trong số 7 thanh, nhất là 4 thanh bằng liên tiếp gợi nhớ gợi thương (như "Đưa người ta không đưa qua sông" - Tống biệt hành). Để có âm điệu như từ cõi lòng ấy, Lý Bạch đã hạ thanh bằng ở tiếng thứ hai - vị trí lẽ ra là của thanh trắc trong một bài thơ Đường luật tứ tuyệt luật trắc vần bằng.

Như vậy là thất niêm. Nhưng lại gọi được hai tiếng "cố nhân". "Cố nhân" là người cũ - cũng giống như cố quốc, cố hương... diệu vợi trong tâm thức - thường gọi khi có sự xa cách về không gian - thời gian, gợi tình cảm nhớ thương lưu luyến. Ở đây, cuộc chia ly chỉ mới khởi sự, Mạnh Hạo Nhiên chỉ vừa ra đi, hai tiếng "cố nhân" ngầm ẩn xiết bao thiết tha, cho thấy hình ảnh Mạnh trong lòng họ Lý, cũng như dự báo sức nặng của nỗi biệt ly. Ở vị trí của sự phá cách, "cố nhân" trở thành "điểm nhấn", điểm sáng soi rọi toàn bài thơ.

Mà quả vậy, một cuộc chia ly bao giờ cũng được làm nên bởi hai đối tượng: kẻ ra đi và người đưa tiễn, nhưng trong toàn bài thơ, Mạnh Hạo Nhiên không trực tiếp xuất hiện. Mạnh Hạo Nhiên hiện ra trong mắt Lý Bạch với sự xa cách về không gian - thời gian tâm tưởng. Giữa hai người bạn, hai đầu tiên - tục (Hoàng Hạc - Dương Châu) là yên hoa (hoa khói) ngăn cách, khuất lấp cả nghĩa thực lẫn nghĩa ngầm ẩn bên trong. Không thấy người ra đi, mà chỉ có cánh buồm, chiếc bóng và dòng sông bên trời. Cảm nhận nỗi "cô" (lẻ loi), "viễn" (xa cách), "tận" (mất, hết) về người ra đi của người ở lại càng làm đậm thêm ấn tượng "cố nhân". Phá luật ở câu thứ nhất, Lý Bạch đồng thời không tránh "khổ độc" ở câu thứ ba (tiếng "bích" - thanh trắc - rơi vào chữ thứ 5 là điều tối kỵ). Một thanh trắc nhói buốt giữa dòng thơ, một màu xanh thăm thẳm mà bản dịch thơ không lột tả nổi, hay là nỗi đau cố nén, đợt sóng ngầm đang dậy lên trong lòng vị trích tiên trong phút giây tiễn bạn về với cuộc đời? Khép lại bài thơ chỉ có hình ảnh dòng sông mênh mang như sự hóa thân vĩnh cửu của "cố nhân" trong sâu thẳm tâm hồn người ở lại.

Một phần ba cuộc đời chống kiếm viễn du, bao tương phùng, ly biệt. Tứ tuyệt tống biệt của Lý mang một nét tương giao giữa tình viễn biệt và tình sông nước. Nhịp điệu thơ là nhịp lòng dào dạt, mênh mông mà thẳm sâu, buồn mà không lụy, quyến luyến mà không nặng nề, sầu phiêu du mà trong sáng, thanh cao. Phá luật về thanh điệu ngay trong câu đầu ở đây là tiếng lòng mênh mang sông nước khó nói ấy. Câu Khai đã tiềm phục được ý của câu Thừa (thiên cổ lệ cú) và khởi nhịp cho toàn bài. Đó là tính "liên mật" tuyệt diệu của Đường thi.

Với những hồn thơ tài tình khoáng đạt, niêm luật gò bó không ngăn được họ đi đến tận cùng chân thật của hồn người. Lý Bạch là như vậy. Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng vẫn ngọt ngào âm ba tiếng thơ của tình bạn, tình người trong tâm thức thời gian.

. Nguyệt Trinh

 

(*) Các địa danh trong bài đều mang một ý nghĩa ẩn dụ: Dương Châu chỉ nơi phồn hoa đô hội, Hoàng Hạc lâu - nơi tiên ở trong truyền thuyết - chỉ cõi tiên, mà cũng ngầm chỉ Lý Bạch - một vị trích tiên. Như vậy, câu khai còn hé lộ chủ thể trữ tình.

 

Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

(Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng)

Phiên âm:

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,

Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.

Cô phàm viễn ảnh bích không tận,

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.

. Lý Bạch

 

Dịch nghĩa:

Hướng về phía tây bạn cũ giã từ lầu Hoàng Hạc,

Xuôi về Dương Châu giữa tháng ba mùa hoa khói.

Bóng cánh buồm lẻ loi xa xa mất hút vào khoảng không xanh biếc,

Chỉ thấy sông Trường Giang chảy ở lưng trời.

Dịch thơ:

Bạn từ lầu Hạc lên đường,

Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng.

Bóng buồm đã khuất bầu không,

Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.

. Ngô Tất Tố dịch

(Thơ Đường, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1987)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng văn hóa Vĩnh Long  (24/05/2005)
Có một chốn học văn hạnh phúc...  (23/05/2005)
Liên hoan phim Cannes tại Pháp: Phim Bỉ lên ngôi  (22/05/2005)
Truyền hình Mỹ giới thiệu phim về Việt Nam  (22/05/2005)
Học sinh VN giành chiến thắng tại cuộc thi piano ở Mỹ  (22/05/2005)
Malevich - bậc thầy của hội họa trừu tượng  (22/05/2005)
Xem hát bội trên quê hương Đào Tấn  (20/05/2005)
Hảo "đen"  (20/05/2005)
Thí sinh Hoa hậu Hoàn Vũ thăm đảo Phuket, Phi Phi  (20/05/2005)
Triển lãm cuốn thơ thiền Lý-Trần khổ lớn in trên giấy dó  (20/05/2005)
Kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà văn Andersen  (20/05/2005)
Thơ Phạm Ánh, Nguyễn Đình Lương, Lê Bá Duy  (20/05/2005)
Đôi điều suy ngẫm về bài thơ "Mộ" của Hồ Chí Minh  (20/05/2005)
Ấn Độ: Lăng mộ Taj Mahal sẽ thuộc về ai?   (19/05/2005)
Chính quyền thành phố Montreuil làm Lễ đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh  (19/05/2005)