Nhân Đại hội V Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức từ ngày 24 đến 27-5-2005 tại Hà Nội:
Báu vật nhân văn sống, người ở phương nao?
17:11', 24/5/ 2005 (GMT+7)

Trong tâm hồn chúng ta, ai mà không có những nét chạm khắc của nền "Văn hóa Mẹ", tức kho tàng trí tuệ của nhân dân, theo cách hiểu thông dụng của thuật ngữ folklore. Kể từ thông điệp đầu tiên là tiếng hát ru, văn bản nguyên thủy thiêng liêng của Mẹ tỏa quanh chiếc tao nôi của mỗi đời người cho đến lúc ta biết bước khỏi cánh cửa nhà, ra đồng ra bãi hoặc qua phố qua phường, rồi lên nguồn xuống biển, hòa điệu đời sống mình cùng bốn phương bè bạn, sự bao dung của "Văn hóa Mẹ" luôn phủ ánh sáng và hương thơm dọc đường thiên lý, dù ta đang hướng lên bầu trời trăng rạng sao tỏ, hướng xuống mặt đất truông dài rú rậm hay hướng vào nội tâm đa mang, trắc ẩn. Người Việt nào không mang những huyền tích cội nguồn trong ngực, gọi nhau là đồng bào với ý thức mình cùng chung bọc trứng, cung kính bánh chưng bánh dầy trong tết nhất, buồng cau mâm trầu trong cưới xin lễ lạt… Chúng ta vô cùng biết ơn nền "Văn hóa Mẹ" (qua hình thức truyền thuyết của mình), đã sản sinh và nuôi dưỡng mọi đấng khởi thủy, những vị anh hùng, các bậc sinh thành ra đất nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thân yêu, ngưỡng vọng qua bốn ngàn năm một ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Dòng sông "Văn hóa Mẹ" đã không hề ngơi nghỉ, không ngừng róc rách, không ngừng đem sự tươi mát sum suê tưới tắm cho mỗi tấm lòng, từng nỗi niềm riêng chung của đời người, dân tộc. "Văn hóa Mẹ" không bỏ rơi ai, chỉ có người chưa biết khơi thông nguồn mạch, chỉ có người còn vọng động chưa kịp lặng lẽ quán tưởng tình yêu của Mẹ mà thôi!

Ai về làng muối

Chính vì thế, mà chúng ta về chung trong một mái nhà Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam để bàn về việc bảo tồn và phát huy, thừa kế và phát triển với mối quan hệ toàn vẹn và đẹp đẽ của nó trong diễn trình lịch sử truyền thống văn hóa Việt Nam, cái đương truyền tiếp nối cái cổ truyền, hình thái và dung lượng, bể dâu và vĩnh cửu, cấp bách và lâu dài, thời đoạn và mãi mãi. Đó là một công việc xét về mặt lực lượng là của mọi người, xét về mặt khuôn khổ là của muôn đời, xét về mặt tầm vóc là sự vĩ đại, xét về mặt tâm cảm là sự thiêng liêng, xin cho tôi được phép mượn lời lồng lộng của Lão Tử mà khái quát rằng: "Vô danh thiên địa chi thủy- Hữu danh vạn vật chi mẫu" (Không tên, trời đất bắt đầu khởi nguồn- Có tên, mẹ của vật muôn). Mặc dù sức vóc cũng như phương tiện không hề là vô hạn, nhưng công việc mà chúng ta đã và đang thực hiện, suy đi nghĩ lại, dù rất mực khiêm cung cũng nhận thấy là không có tí tính chất hữu hạn nào. Thế giới luôn tồn tại những nghịch lý này không cho phép chúng ta đứng lại cầu an nơi bến hẹp. Bởi vậy, con thuyền Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam luôn xé nước vào rốn biển, chèo lái vào núm ruột của quá vãng, vẫy vùng giữa đại dương trùng trùng sóng bạc. Thành quả mà chúng ta gặt hái được, không phải chỉ là những mẻ cá trên tay mà chính là những chân trời bao la trước mắt. Những chân trời ấy được xác lập tự ngàn xưa bằng những giá trị vĩnh hằng nhưng mấy ai đi suốt, mấy ai đã tận hưởng được hừng đông rực rỡ, hoàng hôn tráng lệ, những trăng thanh gió mát để ta bình tâm dưỡng cái khí lớn, định vị và lan tỏa gương mặt độc đáo giữa thế giới đa dạng phong phú! Vén hết mây khói những chân trời ra, dường như  ta bắt gặp cảnh sắc quen thuộc mà kỳ vĩ, thì ra tổ tiên ta, ông bà cha mẹ ta đã để lại cho con cháu không phải túp lều tranh mà toàn những lâu đài tráng lệ, bên trong là những kho báu chất đầy vàng ròng! Nhưng còn bao nhiêu chân trời mà chúng ta chưa có điều kiện khơi mở, bị chìm khuất giữa thời gian, trong quên lãng. Có thể dùng từ hằng hà sa số được không, vô biên lắm, hoành bác lắm, thấm đượm lắm, và những người tâm huyết chúng ta đang mơ ước một phép mầu để nối kết, tái tạo, phục dựng những giá trị đã và đang đứng trước hiểm họa mất mát, xói lở, cái ở trong lòng đất, cái bàng bạc giữa mây trời, cái mênh mang khắp đèo cao thung sâu, biên cương khuất nẻo, hải đảo xa mờ, thôn cùng xóm vắng. Chúng ta rất sợ cơn sóng thần của sự vô tâm cộng với cuộc động đất của thời gian, cả hai thế lực cộng lại sẽ làm cho những vẻ đẹp nghìn trùng mà chúng ta yêu mến đến quặn lòng, lâm vào tình thế nghìn cân treo sợi tóc!

Chính vì vậy, trong chương trình hoạt động của mình, thực hiện Luật Di sản của Việt Nam và khuyến nghị của UNESCO về việc bảo vệ văn hóa cổ truyền và văn hóa dân gian, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam chúng tôi đã có Quy chế công nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian nhằm tôn vinh những người được cộng đồng công nhận là nghệ nhân hàng đầu về văn hóa văn nghệ dân gian cổ truyền. Báu vật nhân văn sống (Living Human Treasures) là cái tên rất gợi mà UNESCO dùng để gọi những nghệ nhân dân gian, những người nắm giữ và phổ biến ở trình độ cao những giá trị, kỹ năng, bí quyết văn hóa văn nghệ dân gian. Và chúng tôi cũng có kế hoạch Tầm nhìn 2010 nhằm huy động nhiệt tâm, sức lực của hội viên, cộng tác viên cứu vãn một cách hữu hiệu nhất những giá trị được tích hợp, lưu  truyền qua nhiều thế hệ.

Báu vật nhân văn sống, người ở phương nao? Đó là câu hỏi tôi xin phép đặt ra với nghĩa rộng, không chỉ dừng ở việc tìm hiểu, phát hiện, tôn vinh những nghệ nhân dân gian mà chủ yếu là ở việc khơi dậy tính chất  của nghệ nhân dân gian được tích hợp trong mỗi chúng ta, trong từng cá thể ở mỗi cộng đồng, trong từng cộng đồng ở mỗi dân tộc, trong từng dân tộc trong một đất nước, để lưu truyền nền " Văn hóa Mẹ" trong một diễn trình tiếp nối liên tục. Tôi xin phép mượn ý của Derek Walcott, nhà thơ bên bờ Đại Tây Dương, giải Nobel văn chương năm 1992: "Nỗi cô đơn của Thượng đế chuyển lưu- Trong những tạo vật nhỏ bé nhất của người". Ý tôi muốn mở rộng ra rằng, chúng ta đang đi tìm những phẩm chất cao đẹp, giá trị sống động cho dù li ti rải rác ở mọi cá nhân trong cộng đồng, ở mọi thời đoạn trong miên viễn. Khi vào đầu, tôi có nói về sự chạm khắc của nền "Văn hóa Mẹ" lên tâm hồn mỗi con người chúng ta, và bổn phận chúng ta ngoài việc gìn vàng giữ ngọc là thừa kế và phát triển cái cao diệu của kho báu ấy. Khi trình bày công việc của chúng ta đến đây, tôi sực nhớ sự  quán triệt của Lão Tử về  Đạo lớn: "Đại đạo phiếm hề, kỳ khả tả hữu- Vạn vật thị chi nhi sinh nhi bất từ- Công thành bất danh hữu- Y dưỡng vạn vật nhi bất vi chủ" ( Cái đạo lớn tràn khắp chừ, có thể ở bên trái, bên phải. Muôn vật nhờ nó mà sinh ra, mà nó không nói. Công lao thành rồi mà không bảo mình có công, nuôi dưỡng muôn vật mà không làm chủ chúng). Nếu ví nền "Văn hóa Mẹ" như  Đạo lớn, đấng huyền nhiệm thì công việc của chúng ta là đi tìm những "báu vật nhân văn sống" khuất khúc trong chính mình và trong cả cộng đồng để lau sáng nó như lau sáng hạt ngọc từ  trong vạt áo của kẻ phàm trần cho chí  vạt áo của đấng Thánh nhân vậy.

Chính tính chất "báu vật nhân văn sống" chuyển lưu trong huyết quản mỗi chúng ta và cả cộng đồng, cái đương truyền tiếp nối cái cổ truyền trong một chỉnh thể hài hòa, thống nhất, làm nên sức sống của bản sắc con người Việt Nam, tính cách Việt Nam, tâm hồn Việt Nam. Xin mở ngoặc, trong vấn đề trình bày, tôi đã vay mượn ít nhiều tư tưởng của các hiền triết, thi nhân có tầm vóc quốc tế, để ví von một cách hình tượng công việc của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, của hội viên chúng ta và của chính bản thân tôi, chỉ là những liên tưởng để diễn đạt trong một trường nghĩa khác, thích ứng với vấn đề mà tôi kiến giải. Có người sẽ bảo công việc của tổ chức Hội, của tập thể hội viên thì đành rồi, to tát rồi, nghiêm trọng rồi, nhưng còn cá nhân ai đó thì có nghĩa lý gì. Một hạt bụi, một nhành lau trong vòm trời mưa gió nắng sương? Vâng, cá nhân tôi thì như vậy. Tôi chỉ có thể là một nhành lau, nhưng nhành lau ấy đã cắm vào đá sỏi của đất đai, hít thở không khí cùng mây bay gió thổi nên ít nhiều tôi cũng được bình đẳng với muôn vật ở ý nghĩa chuyên chở giá trị của nền "Văn hóa Mẹ".

Ấy là nền văn hóa dân gian cổ truyền của bốn ngàn năm dòng giống Lạc Hồng trong tôi, mang những dáng nét đặc trưng vùng miền, tộc họ, nghề nghiệp, hoàn cảnh riêng của cá nhân tôi. Tôi vừa là người sáng tạo văn chương vừa làm công việc sưu tầm văn hóa văn nghệ dân gian, ở Bình Định, thuộc miền Nam Trung bộ của đất nước Việt Nam, một vùng "đòn gánh" của khúc ruột miền Trung. Trên chiếc "đòn gánh" bóng nhẫy nắng gió hào hoa và dầu dãi, con người nơi này qua bao thế hệ không chỉ đặt lên vai gánh rau gánh lúa mà còn gánh cả những nghĩa trọng tình thâm theo cái cách nghĩa khí can tràng chốn hang hùm nọc rắn của vùng phên giậu Tổ quốc thời trung đại. Lưng tựa vào Trường Sơn trùng điệp, mặt dõi về biển Đông cuồn cuộn, con người miền Trung, con người Nam Trung bộ, con người Bình Định có sự từng trải riêng trong cái ngang dọc vẫy vùng của tư thế Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Chính vì vậy, trong Hội thảo khoa học và thực tiễn Văn hóa dân gian Nam Trung bộ do Hội ta tổ chức năm 2004, anh chị em hội viên trong khu vực đã hết sức trăn trở tìm kiếm minh chứng nhận định về những khía cạnh phong phú đa dạng của miền đất khắc khổ và tài hoa này, từ vệt cày sâu cuốc bẩm trên ruộng rẫy đến tiếng hát bập bùng trong mưa nguồn chớp bể, từ  nỗi đùm bọc của ngư dân trên sóng cả đến sự chia sẻ của giới tiều phu ở chốn sơn tràng. Cái "Đạo Trời", đạo lớn của "Văn hóa Mẹ" chuyển lưu qua các tín đồ của mình, tức trong mỗi con người nơi đây với tính chất "báu vật nhân văn sống", dường như là một cuộc chuyển lưu không ít thao thức, không ít nguồn cơn ẩn tàng, trong đó  sự mẫn cảm tinh tế vốn có không loại trừ phải chứa đựng trong cái vỏ bọc chân mộc thô tháp, sau khi đã trải qua rất nhiều khốc liệt. Đó chính là nguồn an ủi vô bờ của Mẹ trên những nẻo đường truông dài phá rộng, đèo cao thung sâu, thấm đượm muối mặn gừng cay nhưng khôn lường những bất trắc từ hoàn cảnh tự nhiên lẫn các tai ương chướng họa trong lịch sử. Lịch sử đã chứng minh điều đó.

Báu vật nhân văn sống, người ở phương nao? Vâng, người kín tiếng ẩn hình qua hàng thế kỷ bể dâu rồi tìm lại nhau, tri âm tri kỷ sau khi gánh chịu rất nhiều khổ ải trầm luân trên nẻo đường nhân thế. Người không thể mai một trong một cơ thể sống giữa đại ngàn, qua bao biến thiên của lịch sử, như vườn cam nghĩa quân Tây Sơn trên triền núi quê hương người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Hơn hai trăm năm rồi, những gốc cam cổ thụ một thời làm dưỡng chất mát lành cho lịch sử, trong độ đường oanh liệt của đoàn quân áo vải từng có một tuyên ngôn đậm chất văn hóa "Đánh cho để dài tóc- Đánh cho để đen răng-Đánh cho nó chích luân bất phản- Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn- Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ", hôm nay lại đâm chồi nảy lộc ở vùng thượng đạo cố tri. Trong những cành lá dịu hiền mà mãnh liệt kia, trong những sắc hoa trắng trái thơm ửng vàng mọng nước kia, ai bảo không có sự chuyển lưu hùng tráng và trữ tình của nền "Văn hóa Mẹ", ai bảo chúng không đã và đang là những "báu vật nhân văn sống".

Báu vật nhân văn sống, người ở phương nao? Mảnh giếng vuông  Chiêm Thành, vị ngọt mát bất chấp cả ngàn năm tụ tán bi hoan, tồn tại trong vườn chùa Thập Tháp, trong phủ thành cũ Quy Nhơn hay giữa một vùng đảo xa xung quanh là biển mặn như Cù Lao Xanh, đã là những hơi thở dịu lành quan trọng trong cơ thể "Văn hóa Mẹ", im lặng soi bóng dáng những con người vô danh qua các thế hệ và lịch sử mà họ luôn mang vác trên vai.

Báu vật nhân văn sống là điểm tựa vừa mong manh vừa vững chãi của nền "Văn hóa Mẹ", đó có thể là lưỡi kiếm của một vị anh hùng, dải áo hồng trần của các sĩ phu, mái nhà lam lũ, thúng mủng nong nia giần sàng của người nông dân, lời sấm truyền của bậc tiên tri hay tiếng hát đồng dao của trẻ chăn trâu cắt cỏ…Tiếng Mẹ không chỉ thể hiện bằng ngôn ngữ phổ thông hay ngôn ngữ của 54 dân tộc anh em mà còn là ngôn ngữ của cỏ cây, hoa lá, chim muông, sông núi, đá sỏi, nước mây… Ấy là sự  vi diệu  của một nền văn hóa cao sâu, bắt khoảnh khắc lưu giữ nghìn trùng, bắt hạt bụi lưu giữ càn khôn, bắt nhành lau lưu giữ vũ trụ, bắt mây khói lưu giữ thiên kim, bắt cả chứng vật vô tri cất tiếng nói nhiệm mầu của ký ức…

Quy Nhơn,  22-5-2005

. Nguyễn Thanh Mừng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một trường hợp phá luật của Đường thi  (24/05/2005)
Làng văn hóa Vĩnh Long  (24/05/2005)
Có một chốn học văn hạnh phúc...  (23/05/2005)
Liên hoan phim Cannes tại Pháp: Phim Bỉ lên ngôi  (22/05/2005)
Truyền hình Mỹ giới thiệu phim về Việt Nam  (22/05/2005)
Học sinh VN giành chiến thắng tại cuộc thi piano ở Mỹ  (22/05/2005)
Malevich - bậc thầy của hội họa trừu tượng  (22/05/2005)
Xem hát bội trên quê hương Đào Tấn  (20/05/2005)
Hảo "đen"  (20/05/2005)
Thí sinh Hoa hậu Hoàn Vũ thăm đảo Phuket, Phi Phi  (20/05/2005)
Triển lãm cuốn thơ thiền Lý-Trần khổ lớn in trên giấy dó  (20/05/2005)
Kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà văn Andersen  (20/05/2005)
Thơ Phạm Ánh, Nguyễn Đình Lương, Lê Bá Duy  (20/05/2005)
Đôi điều suy ngẫm về bài thơ "Mộ" của Hồ Chí Minh  (20/05/2005)
Ấn Độ: Lăng mộ Taj Mahal sẽ thuộc về ai?   (19/05/2005)