(Đọc Văn hóa dân gian vùng Thành Hoàng Đế của Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang)
Trong truyện ngắn Đời thừa nhà văn Nam Cao mượn lời Văn sĩ Hộ, một nhân vật trong tác phẩm để nói lên niềm tha thiết với văn chương của mình: "Tôi cho rằng những khi đọc được những đoạn văn hay, như đoạn văn này, mà lại hiểu được tất cả cái hay thì dẫu ăn một món ngon đến đâu cũng không thích bằng. Sướng lắm!". Đã lâu lâu, trong rừng sách muôn màu của hôm nay chúng ta thi thoảng cũng gặp được những trang sách, những cuốn sách như thế. Một trong những cuốn sách mà tôi được đọc gần đây, đem lại cho lòng cảm giác ấy, đó là cuốn Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng đế của đôi vợ chồng nhà văn trẻ Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang .
Trong những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI có một xu hướng văn chương viết về dòng tộc, gia phả, một vùng văn hóa, có khi một vài thôn trong một xã … cuốn Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng đế nằm trong xu hướng chung ấy. Chỗ khác biệt, đây là một tác phẩm văn chương thực sự. Hai tác giả đã kết hợp thành công giữa cách nhìn mới mẻ với những câu chuyện truyền thuyết, những câu ca dao trôi nổi trong chốn dân dã qua rất nhiều năm vất vả tìm tòi để tạo nên những trang viết vừa quen, vừa lạ rất riêng biệt. Với 46 thư mục tham khảo và hàng trăm dẫn chứng trích dẫn từ thời Nghiêu Thuấn xa xưa cho đến bây giờ. Là những tia sáng khác nhau dọi chiếu vào nhau là hiện lên một vùng đất "địa linh nhân kiệt". Là nơi hội ngộ của lịch sử từ ngàn xưa cho đến thời có Đảng và hôm nay. Là Sông núi, Hồn đất, là truyền thống văn hóa, đặc điểm lối sống, Đền đài miếu mạo, Hội hè đình đám, là sự phát triển của kinh tế … Với biết bao những con người tài hoa, trí tuệ, anh hùng lừng danh trong lịch sử. Nói như trong Chiếu dời đô của vua nhà Lý "… Là nơi hội họp then chốt của bốn phương châu lại và là nơi đô thành bậc nhất của Đế vương muôn đời". Là xác định những tiêu chí của một vùng đất địa linh nhân kiệt, hai tác giả đã dẫn đến sự khái quát chung về những vùng đất có tính chất thiêng liêng như thế. Trong chương I An Nhơn những hội ngộ lịch sử tác giả viết :
"… An Nhơn nằm ở phía Đông Nam, trong liên hoàn thế núi hình sông, điệp trùng ấp iu những tầng văn hóa, chứng tích vàng son của quá vãng. Nghìn năm hưng vong, bỉ thái, nghìn năm tụ tán bi hoan, xứ sở này in dấu đậm đặc của nhiều cuộc hợp lưu : Ngai vàng và bùn đất, vua quan và thảo dân, kinh kỳ và thôn dã, thần tiên và phàm trần, máu đào và nước lã …. Mảnh đất An Nhơn có một số phận lịch sử, số phận văn hóa trong vận mệnh lịch sử chung của quốc gia dân tộc".
Đoạn văn trong bước đi nhịp nhàng đẹp một cách cổ kính như một đoạn nào trong một bài phú lưu thủy xa xưa, nhưng lại đối lập cuộn xoáy bão táp, trong cuộc hội ngộ lịch sử và liên kết lại với nhau để cùng nói lên những đặc điểm của mảnh đất thiêng liêng văn vật này. Viết về Trương Văn Hiến, thầy giáo của người anh hùng Nguyễn Huệ thủa thiếu thời, một người văn võ song toàn, giọng văn chuyển sang tự sự phảng phất như lối văn võ hiệp làm sống dậy không khí của mảnh đất "Sông Côn trôi như một đường quyền". Cảnh thầy giáo Hiến dùng con sào quơ tên rơi rào rào, dùng ngón võ gia truyền hạ thủ tên đảng trưởng đảng cướp khét tiếng, đánh tan đảng cướp Song Tiên trên dòng sông bên phế thành Phật Thệ thật hào hứng sôi động. Viết về Trần Thị Kỷ (1947-1966), người liệt sĩ anh hùng trong thời chống Mỹ cứu nước, một câu chuyện hiện đại với giọng văn hiện đại. Sau khi tra tấn không moi được lời khai nào, "Sáng hôm sau giặc quyết định thiêu sống chị … Toàn thân chị phựt thành lửa ngọn. Từ khối lửa rừng rực tiếng hô bất khuất của Trần Thị Kỷ vang lên, vọng xuống tận các công sự, tận các căn hầm bí mật … Khi lời vĩnh biệt cuối cùng của chị lịm tắt, giữa ngọn lửa đuốc chợt vang lên một tiếng nổ lớn. Cùng lúc xuất hiện một làn sáng xanh bay vút lên trời. Tên thiếu úy và đám lính sợ mất vía, vội vàng tháo chạy không dám quay đầu". Giọng văn tường thuật kết hợp với tưởng tượng, cảm xúc đã tái hiện một cách thật sống động giờ phút oanh liệt cuối cùng của người nữ anh hùng trên mảnh đất quê hương. Những tưởng tượng của nhà văn đã làm hiện lên ý nghĩa sâu sắc thiêng liêng trong sự hy sinh của chị Kỷ. Sau khi diễn tả sự hy sinh oanh liệt, nhà văn kết lại bằng một câu: "Năm ấy, Trần Thị Kỷ vừa tròn 19 tuổi"- câu văn hoàn toàn là sự thật, chính xác. Nhưng câu văn ấy kết hợp với cả đoạn văn trên là một câu văn có sức dư ba lan tỏa mãi cảm xúc mến thương nuối tiếc trong lòng người.
Rồi nhiều trang văn hay viết về những con người, rượu Bàu Đá, bún Song Thằng, tiếng nhạc ngựa trên đất vua trong những sớm tinh mơ yên vắng cứ đều đều như có, như không rơi cả vào giấc mơ thiếu nữ … Là những trang viết mà các nhà văn đã chắt lọc từ cuộc sống thơm thảo của quê hương để làm dậy lên vẻ đẹp của văn chương và hương thơm của chữ nghĩa. Từ những câu chuyện ta đã biết, hoặc ta chưa biết, bằng sự tìm hiểu thấu đáo sau rất nhiều năm tháng, hai tác giả đã tái tạo lại những câu chuyện dân gian, truyền thuyết, kể cả những chuyện có thật ở thời đại chúng ta, làm sống dậy, sinh động bằng hồn văn của mình đem lại rung cảm sâu sắc cho người đọc. Có nhiều câu hỏi tưởng như đơn giản mà không đơn giản: Kiểu như thành phố Quy Nhơn ngày nay, cái tên Quy Nhơn xuất hiện tự bao giờ ? Ta đi trên phố Trần Thị Kỷ mà không ít người không biết biết Trần Thị Kỷ là ai. Thành Đồ Bàn khác thành Hoàng Đế ở chỗ nào? Lá cờ của Đảng đã xuất hiện trên đất An Nhơn, Quy Nhơn lúc nào?… Sự hiểu biết tường tận mảnh đất mình đang sống sẽ làm giàu có, sâu sắc hơn tình yêu quê hương đất nước. Tình yêu vốn là những rung động cảm xúc nhưng không một tình yêu chân chính nào lại thiếu sự hiểu biết sâu sắc. Quyển sách như người bạn đường của chúng ta.
Vừa qua, câu chuyện về "bài văn lạ" của một học sinh giỏi ở trường Việt Đức - Hà Nội đã gây chấn động dư luận trong nước. Khi em học sinh ấy cho rằng "Em có thể chắc chắn trong số mười học sinh giỏi như em thì có đến chín người cũng không thích tác phẩm này. Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế, khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình". Đó là ý kiến của một học sinh giỏi về bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Bài văn viết về người nông dân nghĩa sĩ sẵn sàng xả thân để giữ lấy "Tấc đất, ngọn rau, bát cơm, manh áo, vùa hương bàn độc" của quê hương trong ngày đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta. Ai còn chút lương tri không khỏi giật mình đau đớn trước sự thực ấy. Và tôi chắc không riêng gì các em học sinh nói trên. Sự hình thành nhân cách của một con người, không riêng gì các thầy giáo dạy văn mà còn gia đình, xã hội với biết bao tác động khác. Chúng ta chưa làm cho lớp trẻ thấy được những ngày thanh bình mà các em được sống hôm nay đã được đổi bằng máu xương biết bao nhiêu thế hệ. Có thể nói mỗi con đường tấc đất đều thấm máu cha anh. Nhà phê bình Trần Mạnh Hảo nói đúng, đây là "Vấn nạn". Trong tình hình như thế những quyển sách kiểu như Văn hóa dân gian vùng Thành Hoàng Đế càng cần thiết biết bao nhiêu đối với chúng ta .
Quy Nhơn, tháng 5 năm 2005
. Trương Tham
(Nhà giáo Ưu tú) |