Để có những đêm hát sáng đèn; để câu hát bội, điệu bài chòi xanh mãi với thời gian, không thể thiếu những diễn viên "tóc xanh" nối nghiệp. Nghiệp cầm ca bao giờ chẳng vậy: thầy già nhưng con hát trẻ…
* Con nhà nòi
|
Thùy Dung (vai Sita) và Ngọc Rẽ (vai Rama) trong vở "Chuyện tình nàng Sita". |
Sinh ra trong một nhà nòi về nghệ thuật, Hoàng Thanh Bình (tức Phương Quỳnh), diễn viên Nhà hát Tuồng Đào Tấn, được thừa hưởng tình yêu hát bội của cha và mẹ. Thanh Bình tâm sự: "Nhà có ba chị em, chị gái và em trai chẳng theo nghề hát, không lẽ không ai nối nghiệp ba má? Nghĩ vậy nên Bình quyết định theo nghề. Dù vẫn biết, chọn nghề này là mang cái nghiệp gian khó mà nếu không cố gắng thì chẳng thể thành công".
Vậy nhưng, có dịp xem Thanh Bình diễn trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, hay vai Kim Su Dâng trong Cội nguồn, tôi lại thấy Thanh Bình đã có những thành công ban đầu. Năm 1999 với vai Ngọc Nga (vở Trời Nam), Thanh Bình giành Huy chương Bạc Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, giải A tại Liên hoan Kịch hát truyền thống các trường văn hóa - nghệ thuật toàn quốc năm 2001 với trích đoạn Đào Tam Xuân loạn trào.
Hỏi vì sao hầu hết những vai diễn của Thanh Bình đều là vai đào chiến, đào lẳng, thậm chí cả đào điên như trong Phương Cơ giả dại - những vai diễn đầy tính cách - Thanh Bình nói: "Có lẽ, tạng của Bình vốn hợp với những vai diễn có chút gì đó mạnh mẽ". Nhưng đến Kim Su Dâng, vai diễn mới nhất của Thanh Bình trong vở Cội nguồn, thì lại là một thử thách khác. "Cái khó là vai diễn mới quá, vào vai một người Hàn Quốc, lại trong một vở tuồng hiện đại. Những vai diễn khác còn có mẫu để nương theo, chứ vai này thì chịu. Mỗi lần diễn xong là Thanh Bình thấy đau cả đầu". - Bình nói.
Cũng thật lạ, mỗi lần có dịp xem lại vở diễn này, tôi lại thấy bất ngờ: Thanh Bình không dừng lại. Hình như, cứ mỗi lần, Thanh Bình lại diễn có phần đầy đặn hơn, tâm lý nhân vật được khai thác sâu hơn. Trong sự thay đổi ấy, có phần góp sức của đạo diễn, nhưng người diễn viên cũng phải thật sự trăn trở mới nên.
* Cô em út của Đoàn
Không được sinh ra trong một gia đình "nhà nòi" như Thanh Bình, nhưng Dương Nữ Thùy Dung, cô diễn viên vào loại em út của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, lại sớm đa mang với những câu dân ca quê mẹ. Mẹ Dung quê ở Cẩm Tiên (xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn), nguyên cũng học sinh lớp tuồng (Trường Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh), nhưng rồi phải bỏ ngang, theo chồng lên Gia Lai sinh sống. "Dung vừa học xong cấp 2, chuẩn bị vào lớp 10 đã thích hát, mê dân ca và cải lương. Nhà có hai chị em, tối tối chia vai hát cải lương. Ngày nghe tin Đoàn Ca kịch Bài chòi tuyển diễn viên, ở An Nhơn, ông bà ngoại gọi điện lên hỏi Dung có thích đi không. Ba má Dung đồng ý: Ừ! Thì cứ tuyển thử xem sao!".
Cuối năm 2000 Dung vào Đoàn. "Lúc đầu, Dung chưa thích lắm, nhưng rồi học lần lần, nhất là được tập các vở, câu xuân nữ nhịp song loan thấm dần vào máu"- Dung nói.
Ở Đoàn được gần một năm, đến tháng 10-2001, Dung vào học lớp dân ca Trường Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh nhưng vẫn đều đặn tham gia vào các vở diễn của Đoàn. Những vai diễn với cô bé vài ba năm tuổi nghề này đúng là mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vai hoàn chỉnh đầu tiên là Đứa bé trong vở Đứa con tôi. Đây cũng là vở diễn tham dự Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp miền Trung tại Đà Nẵng năm 2002.
Dung kể: "Hồi đó, nghe cô Thu (NSƯT Hồ Thu - diễn viên Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định) nói trong vở mới có vai đứa bé 8 tuổi, Dung cảm thấy rất thích vì hợp với tính cách của mình. Nhưng cô Thu nói: Đang mắc học chắc tập hổng được đâu, nhưng Dung vẫn tranh thủ những giờ nghỉ lên xem. May quá trường cho nghỉ đúng vào thời gian đó, vậy là chú Huệ (NSƯT Hoài Huệ - Phó Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định) gọi Dung vào tập đúng một tháng. Vai diễn này của Dung để lại nhiều cảm tình trong lòng người xem. Rồi tại Liên hoan Tài năng trẻ Sân khấu Toàn quốc năm 2003, Dung vào vai Ngọc Hân (trong vở Công chúa Ngọc Hân), vai diễn thứ hai của Dung và đã đoạt ngay giải ba".
* Còn tình yêu ở lại
Làm sao để những câu hát truyền thống xanh mãi với thời gian. Khi nghĩ về điều này, tôi luôn hình dung đến những bạn trẻ, như Thanh Bình, như Thùy Dung và rất nhiều người khác, ngày ngày vẫn miệt mài trên sàn tập. Cái giúp họ trụ lại được với nghề, đâu chỉ thuần túy là tài năng. Bởi tài năng của họ, so sánh với các nghệ sĩ lớp trước, hãy còn một khoảng cách. Cái chính là tình yêu với câu hát bội, với câu xuân nữ nhịp song loan trong họ. Thanh Bình tâm sự, rằng khóa của Bình, có nhiều bạn đã phải rẽ ngang. Không phải bởi họ không có khả năng, ngoài những bất cập về số lượng biên chế so với số học viên đào tạo, còn một lý do khác: họ đã không neo lại được với nghề bằng một tình yêu".
Những nghệ sĩ trẻ này vẫn còn phải học thêm thật nhiều trên đường dài nghệ thuật, còn phải trải mình thêm thật nhiều trên sàn diễn để có thể gặt hái thêm kinh nghiệm của nghề. Nhưng, hãy nhìn họ với một niềm tin, rằng câu hát bội, điệu bài chòi đã có người tiếp bước.
. Lê Viết Thọ |