Hồi còn học phổ thông, tôi mê đọc thơ của các tác giả nổi tiếng thời tiền chiến , trong đó có nhà thơ Huy Cận. Bài thơ Tràng giang của ông tôi đọc thuộc lòng ngay từ năm lớp Đệ thất (lớp sáu bây giờ), thậm chí còn lấy bài thơ đó làm mẫu để tập sáng tác nữa. Hồi đó, tôi chỉ biết Huy Cận qua mấy dòng giới thiệu sơ sài in trong tập Việt Nam thi nhân tiền chiến của Nguyễn Tấn Long.
|
Nhà thơ Huy Cận |
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đọc cũng khá nhiều thơ của Huy Cận và hiểu nhiều về cuộc đời hoạt động của ông. Ngoài thiên tài thơ ca, Huy Cận còn đảm nhận nhiều trọng trách trong lĩnh vực chính trị, trong Văn học nghệ thuật. Ngoài chức vụ Bộ trưởng Canh nông trước đây tôi đã biết, ông từng giữ chức Bộ trưởng phụ trách Văn hóa văn nghệ của Văn phòng Chính phủ, Đại biểu Quốc hội các khóa II, III và IV, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, một trong những chủ soái của phong trào thơ mới, Viện sĩ viện Hàn lâm thơ ca thế giới và đã nhận nhiều giải thưởng về văn học.
Một đại thụ thơ ca thế kỷ XX, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, nhưng nhà thơ Huy Cận lại rất giản dị, luôn khiêm tốn trong các mối quan hệ với lớp hậu bối.
Một hôm, tôi đến trụ sở Hội Văn học nghệ thuật Bình Định, bắt gặp trên bàn cô văn thư một phong bì bình thường, loại phong bì mua đâu cũng có. Bên ngoài phong bì có ghi: from: Huy Cận. Ông xóa bỏ chữ To in sẵn và thay vào đó chữ "kính gửi". "Kính gửi Ban biên tập tạp chí Văn Nghệ Bình Định...". Tôi xin phép cô văn thư mở phong bì. Bên trong là một tờ giấy đôi rứt ra từ quyển vở học trò, gấp nếp cẩn thận. Với nét chữ chân phương, nắn nót, nhà thơ viết:
"Kính gửi Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định.
Tôi đang nằm viện, chợt nhớ ra, sắp tới, Bình Định ta sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Tôi có làm hai bài thơ ngắn gửi về Ban biên tập. Nếu đọc được thì dùng" (nguyên văn). Bên dưới có hai bài thơ: một bài viết về Đô đốc Bùi Thị Xuân, một bài viết về Ngọc Hân công chúa, mỗi bài chỉ có bốn câu. Cuối cùng ông không quên ghi: "Chúc các cô chú năm mới sức khỏe hạnh phúc".
Là một nhà thơ lớn của đất nước, muốn gửi bài cho một tạp chí ở tỉnh, nhà thơ Huy Cận chỉ cần nhất điện thoại gọi Tổng biên tập rồi đọc thơ qua làn sóng điện, hoặc gửi bài trực tiếp cho Tổng biên tập như một số nhà thơ trong tỉnh từng làm, thế là xong. Vậy mà tác phẩm của ông vẫn thông qua Ban biên tập của một tạp chí cấp tỉnh với những lời khiêm cung, trọng thị. Một nhà văn nào đó đã nói: Càng tài năng, càng tỏ ra khiêm tốn. Quả đúng không sai!
Tôi mang hai bài thơ của ông sang phòng Tổng biên tập đề nghị cho in luôn thủ bút của nhà thơ trong số xuân Giáp Thân năm 2004.
Một câu chuyện tuy nhỏ nhưng đã thể hiện nhân cách lớn của một cây đại thụ thơ ca thế kỷ XX. Nhân cách ấy đã nhân lên gấp bội lòng tôn kính vốn có của tôi đối với cố nhà thơ Huy Cận.
. Văn Khương |