Xác định chức năng nghề nghiệp sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian (VNDG) Việt Nam trong quá trình hoạt động đã góp phần tìm hiểu, nhận diện những biểu hiện và giá trị phong phú, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc; đồng thời khẳng định và tôn vinh tài năng sáng tạo, trí tuệ sâu sắc và thông minh ở phép ứng xử hợp lý và bền vững của con người Việt Nam trong mối quan hệ với thiên nhiên, với cộng đồng, với điều kiện lịch sử. Hội cũng đã tìm thấy những kinh nghiệm quý báu của nền văn hóa ông cha đối với việc giải quyết các mối quan hệ có tính quy luật của sự vận động trong nền văn hóa dân tộc, giữa xưa và nay, giữa trong và ngoài, giữa cổ truyền và cách tân, giữa bảo tồn và phát huy, giữa kế thừa và phát triển… Hội hy vọng rằng những thành tựu trong nghiên cứu của mình có thể góp phần nhỏ bé vào việc hoạch định chính sách, việc quản lý và điều hành của Đảng và Nhà nước trên tinh thần phấn đấu xây dựng một nền văn hóa Việt Nam đương đại tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội VNDG nhiệm kỳ 2005 – 2010 vừa kết thúc tại Hà Nội đã thể hiện ý chí nguyện vọng từ đại hội cơ sở 73 hội tỉnh, thành và chi hội trong toàn quốc với 1059 hội viên hoạt động khắp mọi miền đất nước, từ chốn truông rậm đèo cao đến nơi ruộng đồng quê kiểng, từ miền biển giã hải đảo cho đến các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn… Tại Đại hội, thay mặt Đảng, Nhà nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định vai trò vị trí của văn hóa văn nghệ dân gian trong đời sống văn hóa dân tộc là cực kỳ to lớn, quan trọng, biểu dương những thành tích của Hội cũng như chỉ ra những thiếu sót, đồng thời gợi ý một số điểm trong chương trình hoạt động sắp tới.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Tổng thư ký Hội VNDG đã đọc Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ V. Nhiệm kỳ qua, với tinh thần "nâng cao chất lượng", BCH đã nghiêm túc thảo luận và nhận thức thực trạng của vốn văn hóa văn nghệ dân gian nước nhà, nhận thấy rằng mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta có nhiều cố gắng bảo vệ nhưng vốn quý này vẫn đang có nguy cơ mai một. Vốn văn hóa văn nghệ dân gian cổ truyền vốn được sáng tạo ra trong điều kiện và để phục vụ cho xã hội xưa, một xã hội của nền "nông nghiệp cơ bắp" độc canh lúa với khuôn viên xã hội là các xóm làng. Theo quy luật tất yếu, cái nôi ấy không thể toàn vẹn khi đất nước bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cơ chế kinh tế thị trường. Những giá trị cũ tuy không mất đi nhưng cũng không còn là một hệ thống hoàn chỉnh, mà đang trải qua một giai đoạn "giải cấu trúc". Trong hoàn cảnh đó, một số bị mai một vì không còn cơ sở xã hội tồn tại như một yếu tố sống, một số biến đổi hoặc được bảo tồn và phát huy tác dụng trong đời sống hôm nay trong quá trình "tái cấu trúc" của nền văn hóa dân tộc đương đại. Hội đã đề ra kế hoạch "Tầm nhìn 2010", nỗ lực tập trung vào nhiệm vụ sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian, tránh khỏi sự mai một đáng tiếc. Tính chung, 5 năm đầu thiên niên kỷ đã có 821 công trình gửi về Văn phòng Trung ương Hội, trong đó có 247 công trình được tài trợ và 79 công trình ở các trại viết do Hội tổ chức, 459 công trình hội viên tự tìm nguồn kinh phí thực hiện, trong đó có 259 công trình đạt giải thưởng của Hội. Trong số này đã có 224 công trình về văn hóa văn nghệ dân gian 41 dân tộc thiểu số, có dân tộc rất ít được biết đến như Pú Nả, Tring, Kxing Gmul, Lự, Brâu, Tà Oâih, Sán Chí, Xá Phó… Các thể loại và loại hình cũng có sự tập trung như Văn hóa tâm linh (63), Phong tục (42), Văn hóa tộc người và làng xã (77), Địa chí (55), Thơ ca và truyện cổ dân gian (110), Ca múa nhạc, sân khấu dân gian (45), Lễ hội (34), Nghề thủ công (33), Ẩm thực (28)…
Căn cứ Luật Di sản Văn hóa Việt Nam và hưởng ứng khuyến nghị UNESCO về việc xác lập hệ thống Báu vật nhân văn sống (Living Human Treasures), Hội đã thực hiện Quy chế phong tặng Nghệ nhân Dân gian giành cho các biểu tượng đầu đàn của mỗi cộng đồng, quy tụ vốn liếng, tài năng sáng tạo, tài thực hành ở mức độ cao và khả năng truyền dạy trong lớp trẻ về sở hữu lĩnh vực văn hóa văn nghệ dân gian mà họ đang gánh vác.
Đại hội VNDG toàn quốc lần thứ V là dịp tề tựu khắp bốn phương trời những người cùng nguyện vọng và bức xúc, cùng tâm tư và mục đích, gặp gỡ nhau trong cùng một diễn đàn lớn của nghề nghiệp, của niềm vinh dự và sự sẻ chia, của tình cảm và trách nhiệm. Đa số đại biểu dự Đại hội đã nhất trí cao: BCH khóa IV làm được, có hiệu quả trong tình hình kinh phí khó khăn, việc thực hiện của hội viên về các công trình nhất là thuộc lĩnh vực hoạt động của vùng sâu vùng xa cũng chẳng phải dễ dàng gì, dù ý thức tự nguyện trên tinh thần yêu mến, cống hiến là quan trọng hơn cả. Các tham luận đã đề cập đến nhiều mặt đời văn hóa văn nghệ dân gian, nỗi bức xúc của hội viên trước thực trạng, công việc cần làm trước mắt và lâu dài. Nhà nghiên cứu Đình Hy bày tỏ: "Hiện tượng làm vơi đi những thực thể về văn hóa dân gian trong trạng thái chậm chạp kiểu con hàu bám vỏ tàu biển rất nguy hiểm, cũng vì sự chậm chạp không nhận ra này mà tạo cho tâm lý xã hội một thái độ thờ ơ! Nhiều khi chính sự đối xử thô bạo với văn hóa truyền thống, như có thời kỳ diễn ra, thì trong tâm thức dân gian tiếc nuối, càng lưu giữ, lưu giữ ở đây như là một phản ứng, bất tuân. Để rồi khi đổi mới về tư duy, mọi vấn đề lại nhanh chóng được tỉnh ngộ và khôi phục lại (gọi là trong rủi có may). Đương nhiên cũng mất mát, cũng trả giá". Và anh kiến nghị: "Từ đại hội này, cần thiết có một tâm thư gửi cấp trên, gửi rộng ra xã hội, bởi vì là một dân tộc có chiều dày văn hóa, mọi người dấy lên phong trào trân trọng và bảo vệ, chăm sóc văn hóa nơi mình ở, từ thiết chế, phong tục sinh hoạt hay, đẹp cho đến những người tạm gọi là độc đáo, nghệ nhân". Nhiều hội viên ở khắp nơi như Sơn La, Đà Nẵng, Điện Biên, Gia Lai, Sóc Trăng, An Giang…cũng nêu thực trạng ở địa phương mình và có những giải pháp phù hợp với điều kiện sưu tầm nghiên cứu nhằm khai thác và phát huy, thừa kế và phát triển vốn văn hóa văn nghệ dân gian của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.
Nhìn lại cuốn Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam mà Hội vừa phát hành với 1316 trang, chúng ta thấy trong các lực lượng nghiên cứu sưu tầm phổ biến và truyền dạy văn hóa văn nghệ dân gian, có rất nhiều gương mặt các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học qua các thế hệ, đặc biệt là những lão tướng trong làng văn như Vũ Ngọc Phan, Đặng Thai Mai, Xuân Diệu, Mạc Phi, Nông Quốc Chấn. Những người đang hoạt động hôm nay có Hữu Thỉnh, Trần Nhuận Minh, Bàn Tài Đoàn, Hoàng Triều Ân, Võ Quê, Trần Thùy Mai, Vương Anh, Anh Động, Mã A Lềnh, Văn Công Hùng, Nguyễn Thị Diệp Mai… Hình như nhà văn làm văn nghệ dân gian có thế mạnh riêng của họ, ở sự mẫn cảm trong đặc thù sáng tạo của văn chương. Tham luận của nhà thơ Văn Công Hùng về Tây Nguyên hôm nay có cách nói rất hình ảnh để nhận định về quan điểm thẩm mỹ cao và trong sáng của người Tây Nguyên: "Có lẽ vấn đề chúng ta cần quan tâm là khám phá bản chất tâm hồn của người Tây Nguyên, đó chính là tính trữ tình đến lãng mạn song hành cùng sự cứng cáp, trung thực và nhất quán trong quan niệm chẳng hạn. Muốn thế, chúng ta phải sống tận cùng đời sống này. Càng ngày con gái người Kinh của chúng ta càng muốn khoe cơ thể của mình với tư cách là sắc đẹp do tạo hóa ban tặng thì các thiếu nữ Tây Nguyên đã ý thức được điều này từ rất lâu. Phàm đã là thiếu nữ chưa chồng, cơ thể còn đẹp một vẻ đẹp thánh thiện thuần khiết của tạo hóa, thì họ cởi trần để khoe sắc đẹp trời cho ấy. Còn khi đã có chồng, đã nhuốm màu tục lụy thì họ mặc áo. Thứ nhất là để báo rằng vẻ đẹp ấy đã có chủ, thứ hai là nó không còn là vẻ đẹp trinh trắng, vẻ đẹp nguyên bản nữa".
Tuổi bình quân của đại biểu là 59, con số này không cao so với một hội mà chức năng nghiên cứu khoa học đang đè nặng trên vai, cần những độ chín trong tư duy và sự cần mẫn nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vấn đề trẻ hóa cũng đã được đặt ra nhằm đảm bảo tính kế thừa và phát triển ngay trong đội ngũ.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 11 thành viên do GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Tổng thư ký nhiệm kỳ IV tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch hội trong nhiệm kỳ mới.
Hội VNDG Việt Nam hy vọng sẽ đóng góp tích cực vào việc giữ gìn cốt cách văn hóa dân tộc, như nhận định của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Trong nền văn hóa dân tộc thì văn hóa văn nghệ dân gian là dòng chảy lớn được nuôi dưỡng từ lịch sử, lại bắt mạch vào bản chất nhân dân của chế độ ta, nhất định sẽ có sức mạnh và tương lai ngày càng to lớn. Phát huy văn hóa văn nghệ dân gian, đó chính là phát huy sức sáng tạo của nhân dân trong đời sống văn hóa, là vườn ươm cho văn nghệ chuyên nghiệp, là sự giữ gìn cốt cách bền vững của văn hóa dân tộc".
. Nguyễn Thường Dân
|