Nhiếp ảnh Bình Định:
Đang hòa nhập và khẳng định mình
9:5', 31/5/ 2005 (GMT+7)

Với sự ra đời của Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, cũng như những giải thưởng mới đây mà những người cầm máy ở Bình Định đạt được tại các Liên hoan ảnh trong nước, quốc tế, nhất là với không khí sáng tác đang được gây men, nhiếp ảnh Bình Định dần hòa nhập với dòng chảy chung.

* Nhìn lại chặng đường đầu

     Sáng tác ảnh nghệ thuật.

Chưa thể khẳng định một cách đích xác về thời điểm xuất hiện của nhiếp ảnh trên đất Bình Định. Tuy nhiên, trước năm 1945, nhiếp ảnh với tư cách là một dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu thụ của cư dân thành phố, đã xuất hiện ở Quy Nhơn.

Một trong những hiệu ảnh ra đời sớm ở Quy Nhơn là tiệm của ông Nguyễn Hữu Tạo trên đường Gia Long (nay là Trần Hưng Đạo). Theo lời ông Huỳnh Bân, từng là chủ tiệm Mỹ Ảnh, học trò của ông Tạo, thì ông Tạo vốn là người Nghệ An, vào Quy Nhơn mở tiệm ảnh từ trước năm 1940. Ông Tạo đã đào tạo ra một thế hệ nhiếp ảnh đầu tiên ở Bình Định: Trần Đức Cầu, Huỳnh Bân, Hậu Đình Phúc, Ứng Phi.  

Những người học trò này của ông Tạo khi ra nghề, đã mở tiệm riêng. Bên cạnh đó, còn có những người hoạt động nhiếp ảnh từ các địa phương khác đến như ông Hoàng Hà từ Huế vào, mở tiệm Mỹ Vân; sau đó có thêm các tiệm Bác Ái, Tâm Ký, Ánh Sáng… Tính ra có khoảng 10 tiệm ảnh ở Quy Nhơn lúc bấy giờ. Các tiệm này tập trung trên các đường Gia Long và Khải Định (đường Lê Lợi ngày nay).

Nếu tiệm của Trần Đức Cầu chuyên chụp ảnh chân dung, phong cảnh, không rườm rà về ánh sáng; thì Bác Ái cầu kỳ hơn, hợp với lớp người trẻ tuổi. Ngoài chụp dịch vụ, ông Cầu còn chụp phong cảnh, in card và ký gửi tại hiệu sách Đại Chúng. Chưa có điện, việc chụp và rọi ảnh đều bằng việc tận dụng nguồn ánh sáng trời, kỹ thuật thô sơ. Bên cạnh những tiệm làm dịch vụ, đã có những người như ông Đào Địch, học nghề, mua sắm máy móc, thiết bị và chơi ảnh có tính tài tử. Điều này đã cho thấy phần  nào sự sôi động của hoạt động nhiếp ảnh ở Quy Nhơn. Điều đáng nói hơn, với lòng yêu nước, một số thợ ảnh đã tham gia hoạt động cách mạng.

Quãng thời gian sau, dịch vụ nhiếp ảnh nở rộ với hàng loạt các tiệm lớn, nhỏ: Trùng Dương, photo Quang, photo Cam Hưng, photo Duy… Dịch vụ này cũng đã vươn ra đến các huyện trong tỉnh Bình Định: Hoài Nhơn, An Thái (An Nhơn)… Tính ra, quãng những năm 1965, ở Bình Định đã có trên dưới 20 tiệm ảnh.

Gửi hương cho gió - Một tác phẩm ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt.

Song song với hoạt động nhiếp ảnh trên đây, giữa lúc tiếng súng cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam đang tiếp tục vang lên trên khắp chiến trường, trên vùng núi Hòn Chè (Cát Sơn - Phù Cát), một bộ phận ảnh nằm trong tiểu ban tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã dần hình thành với nhiệm vụ chính là làm tư liệu ảnh, phục vụ các nhiệm vụ chính trị. Không quản ngại gian khổ, hy sinh, những người cầm máy vừa lao động, sản xuất để tự nuôi sống mình, vừa bám sát từng chiến dịch, ghi lại những hình ảnh từ chiến trường. Bên cạnh đó, việc một số phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam vào chiến trường khu V hoạt động đã góp phần bổ sung thêm nhiều bức ảnh quý, có tính thời sự, phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị lúc bấy giờ, tạo thêm sự sôi động trong hoạt động nhiếp ảnh cách mạng lúc bấy giờ.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, phương tiện vật chất thiếu, nguồn phim chủ yếu từ cơ sở đưa lên, nhưng bộ phận ảnh cũng đã làm được những ảnh tư liệu quý về cuộc đấu tranh của quân và dân ta, đặc biệt là cuộc triển lãm ảnh nhân đợt trao trả tù binh tại Ân Tín - Hoài Ân.

* Và tín hiệu mới

Sau năm 1975, hoạt động nhiếp ảnh khá sôi nổi. Hàng loạt triển lãm ảnh được mở ra như Triển lãm Văn hóa Miền núi - 1978, Triển lãm ảnh thời sự nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng - 1980… Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh được thành lập tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh, trở thành địa điểm để anh em nhiếp ảnh có điều kiện trao đổi nghiệp vụ, nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, những người cầm máy được tập hợp dưới mái nhà chung của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Ở nhiệm kỳ I (1992 - 1997), Chi hội Nhiếp ảnh ra đời và đã tổ chức được cuộc thi ảnh nghệ thuật Bình Định lần thứ I, xuất bản tập sách ảnh về Bình Định. Qua nhiệm kỳ II, đến nhiệm kỳ III (2002 - 2007) này, đội ngũ những người cầm máy mạnh hơn về số lượng và đang ngày càng được nâng dần về tay nghề, tính chuyên nghiệp.

Một dẫn chứng cụ thể nhất: từ chỗ chỉ có một nghệ sĩ là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2001, đến đầu năm 2005 này, Bình Định đã có 4 hội viên (Đào Tiến Đạt, Ngọc Lối, Ngọc Tuấn, Phạm Văn Chai) và hiện đã được thành lập Chi hội thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Điều đáng nói hơn là vài năm trở lại đây, những người cầm máy trong tỉnh ngày càng dấn thân sâu hơn, bằng niềm đam mê nghệ thuật nhiệt thành và ý thức về dấu ấn riêng trong phong cách sáng tác. Bước đầu, đã có những tác phẩm đoạt các giải khu vực, của các Liên hoan ảnh quốc tế ở nhiều nước. Bên cạnh đó, những năm gần đây, những cuộc thi ảnh nghệ thuật do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức, cũng đã tạo ra được những sân chơi để những người cầm máy được giao lưu, học hỏi. Chi hội Nhiếp ảnh cũng tổ chức được nhiều chuyến đi thực tế sáng tác, những cuộc trao đổi về nghiệp vụ, tạo không khí sáng tạo.

Với những nét mới như vậy, nhiếp ảnh Bình Định đang dần hòa nhịp vào dòng chảy chung cả nước và từng bước khẳng định mình.   

. Khải Nhân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dòng chảy lớn được nuôi dưỡng từ lịch sử  (30/05/2005)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng được bầu vào BCH Hội Văn nghệ Dân gian VN  (30/05/2005)
Lễ hội mùa gặt thế giới đầu tiên tổ chức tại Malaysia  (29/05/2005)
Mẫu chuyện nhỏ về nhà thơ lớn Huy Cận  (29/05/2005)
Nghiệp cầm ca "tóc xanh"  (27/05/2005)
Thơ Huỳnh Đình Minh, Vân Bích  (27/05/2005)
Một tiếng lòng tri âm với quê hương  (27/05/2005)
Một cuốn sách có "ma lực"  (26/05/2005)
Đợt phim hè 2005 sẽ khởi chiếu từ 1-6  (25/05/2005)
Ban nhạc Beatles không nằm trong top 5  (24/05/2005)
Chính phủ Đức tài trợ 100.000 EURO trùng tu Tháp Cánh Tiên  (24/05/2005)
Hàn Mặc Tử  (24/05/2005)
Madonna tham dự buổi công chiếu đầu tiên của bộ phim "Sin City"  (24/05/2005)
Báu vật nhân văn sống, người ở phương nao?  (24/05/2005)
Một trường hợp phá luật của Đường thi  (24/05/2005)