Ðội ngũ văn nghệ sĩ trong cuộc hành quân gian lao và vĩ đại
11:11', 1/5/ 2005 (GMT+7)

Nhà thơ Ngô Thảo điểm lại những cống hiến của văn nghệ sĩ trong những năm đánh Mỹ, những người đã tìm mọi cách để được có mặt trong đoàn quân đầu tiên bước vào cuộc hành quân gian lao mà vĩ đại của những năm đánh Mỹ.

Tiến về Sài Gòn

Nhớ lại những sáng tác của giai đoạn 1954-1964, ta dễ nhận thấy dù đề tài chống thực dân Pháp vẫn được chú ý đúng mức, những đề tài xây dựng bộ đội trong hòa bình và nhất là đấu tranh thống nhất đất nước được đặc biệt chú ý. Ðọc lại tác phẩm của các tác giả quê ở miền Nam, hay do nhiều lý do, tự nhận miền Nam như quê hương của mình, chúng ta sẽ hiểu rõ tình cảm, tâm trạng của một lớp người ở vào thời điểm lịch sử ấy. Chẳng hạn, những trang viết trong "Trăng sáng""Ðôi bạn"của Nguyễn Ngọc Tấn. Nam Bộ không phải là quê hương (anh sinh ở Nam Ðịnh), nhưng anh đã lớn lên ở đấy. Từ đó, anh gặp cách mạng, tham gia kháng chiến. Một phần đời-có thể là phần chủ yếu của anh- đã diễn ra ở đấy. Sống, học tập, rèn luyện trong tình yêu thương đùm bọc của miền Bắc, nhưng với các anh, miền Bắc là hậu cứ của người đi xa, đâu phải là chiếc nôi để có thể ngủ yên khi một nửa đất nước với những người thân yêu đang sống đau đớn trong tay kẻ thù? Bởi vậy mà không ít người tìm mọi cách để được có mặt trong đoàn quân đầu tiên bước vào cuộc hành quân gian lao mà vĩ đại của những năm đánh Mỹ.

Từ năm 1959, Võ Trần Nhã đã theo đơn vị tập kết trở về Nam Bộ. Năm 1961, Thu Bồn, Hà Ðức Trọng về chiến trường cũ khu V. Dạo đó các anh vẫn còn là những người lính chiến đấu. Năm 1962 Nguyên Ngọc về lại với các nhân vật trong Ðất nước đứng lên, và ít lâu sau ta được đọc những sáng tác mới của anh ký tên Nguyễn Trung Thành. Cùng chuyến đi đó Nguyễn Ngọc Tấn về với mảnh đất Nam Bộ thân yêu. Từ nơi ấy, anh đã gửi ra những sáng tác đặc sắc, những tùy bút sôi nổi, những truyện ký và cả tiểu thuyết ký tên Nguyễn Thi.

Mười năm, giữa hai cuộc đụng độ lớn trực tiếp với hai tên đế quốc đầu sỏ, đối với giới văn nghệ, có ý nghĩa như một thời gian chuẩn bị tích cực. Khi chiến tranh đã lại lan ra cả nước, lực lượng văn nghệ đã được "bài binh bố trận" khắp mọi chiến trường, khắp mọi địa phương, từ Bắc tới Nam.

"Ðường chúng ta"đi là bài tùy bút đầu tiên ký tên Nguyễn Trung Thành in trên báo Văn Nghệ vào khoảng giữa năm 1965, khi miền bắc vừa bắn rơi chiếc máy bay thứ 300 của giặc Mỹ "Ôi dân tộc ta từ trong máu lửa mà sinh ra, mà lớn lên. Từ trong máu lửa 4000 năm, chúng ta đứng dậy và cất tiếng nói(...). Cuộc ra trận lớn đó kéo dài đã mười năm nay...". Vào giờ phút đó, người lính và cả nhà văn hẳn không thể biết rằng, trước mặt anh là mười năm với những hy sinh, nỗ lực lớn lao hơn mới tới ngày toàn thắng.

Tiếp đó, khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, chiến tranh phá hoại bằng không quân xảy ra ở miền Bắc, lực lượng văn nghệ chuyên nghiệp lại tiếp tục ra trận. Cùng các đoàn văn công, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ liên tục đi tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, có mặt ở các đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ. Rồi những cung đường miền tây: theo đường giao liên mà tới Khu V, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Ðoàn Văn công Quân đội nhân dân tới Tây Nguyên năm 1967. Trước họ, các nhạc sĩ đã lên đường. Vũ Trọng Hối có những bài hát hay đầu tiên về Trường Sơn: "Bước chân trên dải Trường Sơn", "Ðường tôi đi dài theo đất nước". Mấy năm sau, Huy Thục, tác giả "Vì miền Nam"(viết cho đàn bầu) đã có "Ðàn Ta-lư", "Suối La La", lại cũng là Lê Anh Chiến của "Người con gái Pa Kô". Trọng Loan, tác giả của "Người Châu Yên em bắn máy bay", lại cũng là Hương Lan, tác giả "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng". Huy Du của "Anh vẫn hành quân", "Ðường chúng ta đi", cũng là Huy Cầm của những ca khúc về đường 9.

Các họa sĩ đi vẽ ở chiến trường: Quang Thọ, lấy tên là Quang Sơn; Thanh Tâm, ký tên Huỳnh Biếc; Văn Ða, Dương Viên, Huy Toàn, có mặt ở nhiều trận địa phòng không. Các tác giả viết kịch Ðào Hồng Cẩm, Nguyễn Vượng, Tào Mạt, Sĩ Hanh, bám sát tuyến lửa Khu IV. Chu Nghi hy sinh ở mặt trận Khe Sanh.

Và trong văn học, bên cạnh các anh bám sát lâu dài ở chiến trường như  Nguyễn Trọng Oánh, dưới tên Nguyễn Thành Vân; Trúc Hà, dưới tên Nam Hà; Xuân Thiều với tên Nguyễn Thiều Nam, Phạm Ngọc Cảnh, với tên Vũ Ngàn Chi, còn có những tên chỉ thấy xuất hiện một thời kỳ, gắn với một tập sách: Trần Mai Nam, bút hiệu của Hữu Mai ký trong "Dải đất hẹp"; Hồ Huế, bút hiệu của Hồ Phương ký trong một số bút ký về Huế; Lê Hoài Ðăng, bút hiệu của Xuân Sách ký trong tập truyện ngắn "Ðường đi tới chiến công" và tập thơ "Trong lửa đạn" in chung với Ngô Bằng Vũ, tức Ngô Văn Phú. Những tên tuổi đó gắn với mỗi chuyến đi. Tiền tuyến như là một chỗ đứng mà ở đó anh có thể tự hào nói to lên, tự tin, tiếng nói của mình, với tư cách một người nghệ sĩ.

Các đoàn văn công đã liên tục ra mặt trận. Tường Vi, Trần Chất, Minh Nguyệt, Kim Cúc...đã hát tận đôi bờ sông Pô Kô, Sa Thầy, trên nhiều đỉnh dốc nổi tiếng của đường 9, Trị Thiên, Tây Nguyên. Có lúc hát qua máy điện thoại cho vài chiến sĩ giữ chốt, canh ngầm trọng điểm.

Ðối với các nhà văn cũng vậy, không mấy ai bằng lòng với lối ghi chép từ phương xa. Ðây còn là vấn đề của lương tâm, tình cảm, của niềm tin lớn của người cầm bút. Bởi thế, người đọc đã quý biết bao nhiêu những "Họ sống và chiến đấu" của Nguyễn Khải, "Dải đất hẹp" của Trần Mai Nam, "Cuộc chiến đấu trên mặt đường" của Xuân Thiều...Và quý trọng, ân cần với từng tác phẩm, từng trang viết của các tác giả từ miền nam gửi ra: Nguyễn Thi, Võ Trần Nhã, Nguyễn Thành Vân từ Nam Bộ; Nam Hà từ cực nam; Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Liên Nam... từ Khu V.

Những bài hát của Xuân Hồng, Phan Chí Thanh, Hà An, Phạm Minh Tuấn, Lư Nhất Vũ ở Nam Bộ; Phong Kỳ (Phương Giao), Trọng Thủy ở Khu VI; Thanh Anh, Trịnh Hữu Khánh, Văn Chừng, Tố Hải, Phan Hải ở Khu V; Thanh Phát ở Tây Nguyên; Thuận Yến, Phương Nam, Hoàng Phú từ Trị Thiên-Huế... Rất nhiều xương máu, mồ hôi, công sức đã đổ để có được những sáng tác đó và để nó xuất hiện trước công chúng.

Nhìn lại thành tựu văn nghệ quân đội những năm chống Mỹ, cứu nước, có thể thấy những cuốn sách, bài hát, bức họa, vở kịch được hoan nghênh từng thời kỳ, thường là những sáng tác ra đời trong hoặc kế sau một chuyến đi. Trong văn học, đó là trường hợp ra đời của những ký sự mặt trận. Ngay cả tiểu thuyết, gần như cũng chỉ là những ấn tượng trực tiếp, những ghi nhận rút ra sau một thời gian tham gia chiến dịch, đi về một địa phương, "ba cùng" với một đơn vị. Kiểu như các tiểu thuyết: "Ra đảo", "Ðường trong mây", "Chủ tịch huyện và cả Chiến sĩ"của Nguyễn Khải; "Thôn ven đường"của Xuân Thiều; "Dòng sông phía trước"của Mai Ngữ, cũng như "Những người cùng tuyến" của Hải Hồ. Cả "Dấu chân người lính", tiểu thuyết được xem là giàu chất tiểu thuyết của Nguyễn Minh Châu, cũng gắn rất chặt với những ngày tác giả theo một đơn vị vào chiến dịch Khe Sanh.

Ðó cũng là trường hợp xuất hiện các bài hát hay về Trường Sơn của Vũ Trọng Hối; về Trị Thiên, đường 9 của Huy Thục, Trọng Loan, Huy Du, Nguyên Nhung; về bộ đội cao xạ của Nguyễn Ðức Toàn; về bộ đội xe tăng và bài hát Quả bom câm của Doãn Nho...Có thể nói, cái giá trị lớn nhất, trước nhất, quan trọng và chủ yếu của mọi sáng tác trong chiến tranh là giá trị của những bằng chứng về sự có mặt của văn nghệ sĩ bên cạnh những người lính ở mọi điểm lửa của cuộc chiến đấu.

Nguyễn Thi ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn mùa Xuân Mậu Thân, khi trên tay anh đang cầm một khẩu súng và trong ba lô có mấy tập truyện ký viết dở. Các đồng chí quay phim Lê Văn Bằng, Nguyễn Côn, Dương Phước An, Châu Quang, Lê Viết Thế, Nông Văn Tự, Như Dũng...đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Ngọc Minh, Chu Nghi và nhiều nhạc sĩ, diễn viên đã hy sinh ở mặt trận... Là những người trong cuộc, họ đã chia sẻ đến tận cùng những gian khổ, khó khăn của người lính chiến trường. Nhưng ở mọi thời kỳ, họ đã kiên định giữ vững đội ngũ, giữ vững tinh thần để tiếp tục đi lên. Và những trang sách, những sáng tác văn nghệ, phần quý giá nhất trong đóng góp của mỗi người, luôn óng ánh niềm tin, tràn đầy tình yêu và dạt dào sức sống trong cuộc chiến đấu gian  khổ và vĩ đại của dân tộc.

. Theo Nhân Dân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Núi Bà khu Đông qua một tập sách   (29/04/2005)
"Minh triết bồ câu" làm thao thức thế giới   (29/04/2005)
Những chuyện xung quanh bài hát "Tiến về Sài Gòn"   (28/04/2005)
Nơi "người thiên hạ đồn vang"  (27/04/2005)
Bộ phim "Giải phóng Sài Gòn" được công chiếu trên toàn quốc  (26/04/2005)
Đưa sân khấu truyền thống đến với thế hệ trẻ  (26/04/2005)
Sóng (*) - Hành trình tự khám phá  (26/04/2005)
Những bài ca Cách mạng kháng chiến  (25/04/2005)
Tiếp tục khai quật di tích thành Hoàng Đế  (25/04/2005)
Đôi nét về đời sống văn hóa của người Hre, Ba na ở An Lão  (24/04/2005)
Lênin trong thơ Maiakốpxki  (22/04/2005)
Hương mùa hè: Một bộ phim tình yêu hấp dẫn  (22/04/2005)
Khó về kịch bản, nhưng quyết tâm cao  (22/04/2005)
Một bài thơ - Một mạng người  (21/04/2005)
Nhà văn và những kỳ vọng của bạn đọc  (21/04/2005)