Mái nhà và giấc mơ của những vì sao
10:20', 2/5/ 2005 (GMT+7)

Dưới mái nhà một người đang sống

Mơ giấc mơ của những vì sao

(Thơ Văn Cao).

Với người Việt, mái nhà ủ những giấc mơ, chắc chắn chỉ có thể là mái nhà Việt.

Mái nhà Việt cho hồn Việt, rốt lại là phải tạo tác ra một không gian mang hồn Việt. Và nói cho cùng, tạo ra một không gian mang bản sắc Việt mới là đích cuối của mọi thứ lý luận về bản sắc dân tộc trong kiến trúc.

Nhưng tạo tác một không gian Việt không có nghĩa là sao chụp máy móc nhà kiến trúc cũ. Không phải không có lúc, do quá hăm hở trong trào lưu quay về truyền thống, nên một số công trình kiến trúc sa vào nệ cổ.

Có cần thiết khi phải nhắc lại rằng, giá trị truyền thống, không đến từ sự sử dụng một cách vô tội vạ đồ cổ, chi tiết giả cổ. Chiếc áo dài Cát Tường được tạo ra chưa tới 80 năm, vậy mà ai dám bảo là không mang hồn Việt. Mang khăn đóng, vận áo the thời hiện đại, may ra chỉ còn trông ở vài cụ ông. Nệ cổ, tuy vậy, lại là con đường được chấp nhận nhiều, không chỉ trong kiến trúc mà ở nhiều ngành- nghề khác. không phải người ta không biết điều ấy, mà bởi một lẽ đơn giản: dễ dàng.Tóm lại, như đã nói, sự nệ cổ bao giờ cũng chỉ tạo thành những sản phẩm rối rắm và xa lạ. Bản sắc Việt tối kỵ những sự rườm rà. GS, họa sĩ Nguyễn Văn Y, một bậc thầy về nghề gốm, từng nhận xét chí lý về gốm Việt: "Gốm Việt Nam, sở dĩ đứng được trên thị trường quốc tế trong những thế kỷ trước đây, không phải vì sự hào nhoáng của nước men, màu vẽ bên ngoài, mà cái chính là tính giản dị chắc khỏe, tiết chế đến mức tối đa những hoa hòe, hoa sói, đôi khi tưởng như đơn sơ, vụng về, nhưng lại chứa đựng một tâm hồn chắc nịch khó tả".

Nhận xét này, xem ra có thể vận dụng vào việc tạo lập không gian Việt. Nét Việt, hồn Việt như một cái duyên thầm, nhẹ nhàng và lan tỏa. Nó ý nhị và mặn mà.

Trở lại không gian Việt là một cách phản ứng với cuộc sống môi sinh đầy bụi bặm, ồn ã của xã hội đô thị đang trên đường hiện đại. Ngoài ra, nó còn bắt nhịp cùng tâm thức trở về: gặp lại chính mình trong phần hồn dân tộc qua mỗi nếp trở không gian. Trong những không gian Việt, ta luôn bắt gặp: Một chút Trung Hoa, chút Ấn Độ, một chút Đông Nam Á. Đó là tất nhiên, vì không gian Việt cũng là một phần văn hóa Việt: tiếp biến cái nội sinh và ngoại sinh, với một bản lĩnh "không chối từ" (Ferray).

Nhưng cũng như văn hóa Việt, không gian Việt cũng thế, có những cái độc sáng riêng, cái mà vì nó, ta gọi là bản sắc. Này nhé: Cột kèo, tay đòn, bộ vi kèo, đòn tay… cho đến những vật dụng như bàn, ghế, chiếc ấm, cách bài trí… tất thảy đều có chút gì đó: Sự đơn giản, thâm trầm; vẻ kín đáo, thô mộc và hồn nhiên của tâm linh Việt. Cảm nhận đọng lại: Đó là hồn Việt.

Không gian Việt: Xưa, là cây đa, giếng nước, đình làng; hẹp hơn là mái nhà tranh, vách đất, hay thậm chí là nhà ngói năm, ba gian, hay nhà rường Huế, nhà lá mái Bình Định.

Hãy dừng lại một chút ở nhà lá mái Bình Định. Tất cả các chi tiết đều được nghiên cứu kỹ đặng phù hợp với một Bình Định. Từ một cái nền bằng đất sét, có pha thêm muối nhằm tạo độ quánh cao, lại được nện kỹ nên không bị mối, mọt làm tổ. Lạc địa (móng) khá sâu làm bằng đá ong hay đá núi, đá vôi, những vật liệu có sẵn tại địa phương. Ngoài móng chính, người ta còn dùng đá tảng đục thành khối lăng trụ hay bát giác để lót chân cột. Nhà lá mái có hệ thống cột khá dày. Cột hàng nhất để nâng kèo, cột hàng nhì thì đứng theo bức vách và cột hàng ba đỡ ngoài hiên. Kèo, cột liên kết nhau theo hàng ngang, có ba đoạn, kết nối nhờ các ngàm – mộng làm bằng gỗ, thuận cho việc tháo lắp, có thể dỡ cả bộ khung đi dựng ở vị trí mới. Thú vị nhất trong nhà lá mái, tất nhiên, vẫn là phần mái. Trên đòn tay là lớp khại (vỉ tre) bằng tre già ngâm bùn để khỏi mối mọt, trên đó, đất trộn rơm được trát lên làm thành lẫm. Đây là lớp cách nhiệt, giúp cho nhà luôn mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Trên đó là mái tranh. Vách nhà làm bằng sườn tre (mầm trỉ) kết thành ô vuông rồi trát đất sét trộn rơm rạ. Hệ thống cửa bàn pha gồm nhiều cánh, tháo lắp được. Cửa bàn pha có hai phần; phần trên có nhiều con lơn, kéo qua kéo lại được nhằm điều chỉnh ánh sáng và tạo độ thoáng khi cần thiết; lớp dưới làm bằng ván hay khại tre. Trang trí trong nhà, trên những cột, kèo là những nét chạm trổ trên gỗ khá đẹp và lạ mắt. Nó góp phần làm sống động một không gian sống cổ truyền vốn khá thấp và hơi tối.

Những mái nhà truyền thống ấy, cùng những vật dụng như tranh Đông Hồ, gốm mộc, vật dụng tre nứa… mà người sử dụng chúng là nông dân, cũng là những tạo phẩm của một nền nghệ thuật của nông dân, nay sẽ tiếp bước vào đời sống hiện đại qua ban tay thiết kế của những designer chuyên nghiệp. Nguyễn Tri Phương Đông, Hoài Hương, Doãn Vinh… vẫn ấp ủ đam mê đem hồn Việt và không gian Việt được trở về với tâm hồn Việt.

Nhưng, không gian Việt hôm nay đã rút tải gì từ hồn không gian Việt hôm qua? Những kiến trúc nhà ở dân gian đã gợi mở biết bao nhiêu bài học quý. Cũng một mái nhà Việt, dựng bằng tre, nứa, nhưng mỗi miền không gian: Trung du, đồng bằng, ven biển; rồi đi từ đồng bằng Sông Hồng, ngang qua miền Trung, vào đến sông rạch Nam Bộ là những bước biến đổi cho phù hợp với địa hình, với khí hậu, tự nhiên. Mỗi loại hình nhà truyền thống: Nhà Bắc Bộ, nhà rường Huế, nhà lá mái Bình Định… là một thế ứng xử không gian độc đáo, cần được nghiên cứu kỹ.

Không gian nhà ở truyền thống của người Việt đâu chỉ là cái nhà để ở. Mỗi yếu tố cấu thành trong không gian ấy đều mang một chức năng ổn định, dồn tụ các quan hệ sinh thái đặc trưng và có sự phân công lao động rõ rệt: nhà chính để thờ phụng tổ tiên và để ở, nhà phụ bếp núc, làm nghề truyền thống, vật nuôi, vườn trồng rau xanh, cây ăn quả và các cây thuốc quen thuộc, ao nuôi cá, lấy nước uống. Tất cả là một cấu trúc sinh thái bền vững, giàu bản sắc.

Một nhà ở là truyền thống đâu chỉ là cái vì, cái kèo, cái cột mà quan yếu hơn là cách tổ chức không gian ở và khai thác tài nguyên được sở hữu một cách bền vững.

Xem ra, kiến trúc truyền thống vẫn mãi là bài học lớn với chúng ta hôm nay. Tất nhiên, là bài học ở phương pháp xử lý không gian chứ không phải ở từng chi tiết xử lý cụ thể, để rồi copy, để rồi sao chụp.

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ðội ngũ văn nghệ sĩ trong cuộc hành quân gian lao và vĩ đại   (01/05/2005)
Núi Bà khu Đông qua một tập sách   (29/04/2005)
"Minh triết bồ câu" làm thao thức thế giới   (29/04/2005)
Những chuyện xung quanh bài hát "Tiến về Sài Gòn"   (28/04/2005)
Nơi "người thiên hạ đồn vang"  (27/04/2005)
Bộ phim "Giải phóng Sài Gòn" được công chiếu trên toàn quốc  (26/04/2005)
Đưa sân khấu truyền thống đến với thế hệ trẻ  (26/04/2005)
Sóng (*) - Hành trình tự khám phá  (26/04/2005)
Những bài ca Cách mạng kháng chiến  (25/04/2005)
Tiếp tục khai quật di tích thành Hoàng Đế  (25/04/2005)
Đôi nét về đời sống văn hóa của người Hre, Ba na ở An Lão  (24/04/2005)
Lênin trong thơ Maiakốpxki  (22/04/2005)
Hương mùa hè: Một bộ phim tình yêu hấp dẫn  (22/04/2005)
Khó về kịch bản, nhưng quyết tâm cao  (22/04/2005)
Một bài thơ - Một mạng người  (21/04/2005)