Di tích kiến trúc Quy Nhơn thế kỷ XIX:
Mai này có còn không?
10:27', 3/5/ 2005 (GMT+7)

Đã một lần, chúng tôi cảnh báo về nguy cơ biến mất của những di tích kiến trúc Quy Nhơn thế kỷ XIX. Đáng buồn thay, sau gần hai năm trở lại, khung cảnh lại càng tiêu điều hơn.

* Dấu của trăm năm

Giếng đá niên hiệu Đạo Quang thứ 30 ở Hội quán Triều Châu.

Nếu lấy đường Trần Hưng Đạo làm trục chính, kéo dài từ phía đông là các đường Lê Lợi, Trần Cao Vân, giới hạn phía Tây là đường Phan Đình Phùng - đó là toàn bộ khu đô thị cổ Quy Nhơn đầu thế kỷ XIX… Trong đó, vùng đất các làng Chánh Thành, Cẩm Thượng xưa, nay chủ yếu thuộc các phường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Hải Cảng, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Đống Đa là rốn đất của Quy Nhơn.

Đi trên vùng rốn đất ấy, phải tinh ý lắm, ta mới tìm được những dấu tích còn lại của Quy Nhơn thế kỷ XIX. Trong một ngách nhỏ trên đường Bạch Đằng, trước mặt là kho của Công ty Cổ phần Thủy sản, là miếu ông Nhiêu (tức đền Quan Thánh Đế Quân), dựng năm 1837, được đánh giá là "đồ sộ nhất, hoàn chỉnh nhất và cổ xưa nhất đến bây giờ chúng ta còn tìm thấy trên đất Quy Nhơn, là một kiệt tác kiến trúc tín ngưỡng dân gian của người Việt... ngôi đền mang tầm vóc một tỉnh, một khu vực do một viên quan Tổng đốc Đại thần đại diện của Triều đình mới đứng ra tổ chức xây dựng" (Lịch sử Thành phố Quy Nhơn). Ngày 25-3-2002, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận miếu ông Nhiêu là di tích lịch sử - văn hóa. Vậy nhưng, sau khi có quyết định, thay vì được bảo vệ, chống xuống cấp, miếu ngày càng trở nên hoang phế. Một phần kiến trúc của miếu, vốn là nơi ở của thủ từ, trước còn thông với kiến trúc chính của miếu bằng ngách nhỏ, nay lại được xây bít lại, tách hẳn với kiến trúc chính. Năm 2004, phần tiền sảnh miếu đã được trưng dụng thành trụ sở khu vực 5, phường Trần Hưng Đạo. Vậy là phần còn lại của miếu được tách với tiền sảnh bằng tường xây, trên rào lưới B40 và… khóa lại. Kiến trúc chính của miếu nhìn từ ngoài vào như bị cầm tù. Bên trong miếu, mối mọt xông thành đống, mái ngói dột nát, những góc tường loang lổ… và không còn hiện vật nào. Được biết, năm 2004, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã bỏ kinh phí để khắc bia di tích, nhưng bia hiện vẫn… lưu kho. TS Đinh Bá Hòa, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: "Khi chúng tôi làm bia xong, giao cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố, nhưng lại tìm không ra chỗ đặt bia. Chúng tôi đề nghị UBND thành phố Quy Nhơn giải tỏa thì họ nói chưa giải tỏa được, nên vẫn cứ… chờ". Trong khi đó, phần sân miếu vốn thuộc khu vực của di tích, nay là kho của Công ty Cổ phần Thủy sản.  

Kiến trúc chính miếu ông Nhiêu đã quá xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Hội quán Triều Châu (đường Ngô Thời Nhiệm), một "kiến trúc đồ sộ và độc đáo của nước ta" vì được trang trí và xây dựng bằng các loại đá quý hiếm, nay đang lâm vào tình trạng đổ nát và xuống cấp, nhiều cửa gỗ, mảng chạm trang trí… sụp thành đống. Kiến trúc của hội quán, nay là nhà dân, được lắp cửa kính, sáng loáng. Duy nhất có chiếc giếng đá niên hiệu Đạo Quang thứ 30 (1850) là còn nguyên vẹn. Mặt trong giếng hình tròn, đường kính ngoài 116cm, ghép bằng 8 phiến đá hình cổ yêm, nay vẫn được cư dân xung quanh dùng để lấy nước sinh hoạt. Hội quán Ngũ Bang (đường Bạch Đằng) một bên đã được tận dụng làm trụ sở khu vực, phần tiền sảnh của kiến trúc chính, nay là một xưởng gỗ.

Và với "tiến độ" xuống cấp như hiện nay, chỉ vài năm nữa, toàn bộ những kiến trúc này sẽ không còn.

* Một phần hồn đô thị... 

Thế kỷ XVIII về trước, vùng đất  mang tên thôn Vĩnh Khánh này đã là một điểm tụ cư của người Việt. Khi đó, thôn Vĩnh Khánh là vùng đất quan trọng của hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, có một cơ chế quản lý đặc biệt của triều Nguyễn mà sự hiện diện của chức danh phố trưởng ghi trên tấm bia ở miếu ông Nhiêu là minh chứng. Trước sự phát triển dân số và mở rộng địa cư, đầu thế kỷ XIX, từ thôn Vĩnh Khánh đã tách thành hai làng Chánh Thành và Cẩm Thượng.

Thế kỷ XIX, đồng thời diễn ra quá trình tụ cư mạnh mẽ của thương nhân người Hoa đến Quy Nhơn. Đó là khi Nước Mặn suy tàn, một số Hoa thương về Quy Nhơn đã kéo theo quá trình phát triển của đô thị Quy Nhơn. Các hiệu buôn, hội quán, phố xá… mọc lên. Trong đó, những hội quán của người Hoa là tiêu biểu cho loại hình kiến trúc Hoa Nam, đánh dấu những sự giao lưu văn hóa và sự phối kết hợp kiến trúc Việt - Hoa, là nguồn tư liệu quan trọng cho công tác nghiên cứu sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt - Hoa và những phản ứng giao thoa trong lịch sử.

Phần tiền sảnh miếu ông Nhiêu nay đã bị trưng dụng thành trụ sở khu vực, ngăn với kiến trúc chính bằng tường, rào B40 như thế này.

Sự có mặt của những kiến trúc ấy trong bộ mặt Quy Nhơn hiện tại thật khiêm nhường và đang ngày càng khiêm nhường hơn, có lúc đã bị lãng quên. Diện mạo đô thị Quy Nhơn vốn đã đơn điệu càng đơn điệu hơn. Chẳng vậy mà một khách phương xa một lần đến Quy Nhơn đã viết: "Quy Nhơn mang bộ mặt không xác tín được cá tính cụ thể, những kiến trúc chỉ tiết lộ một giá trị đơn giản và hiền lành".

Dẫu sao những kiến trúc nhỏ bé, lành hiền ấy cũng là một phần ký ức đô thị. Mà không có ký ức thì con người đã chẳng thể lớn lên, trưởng thành…     

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mái nhà và giấc mơ của những vì sao   (02/05/2005)
Ðội ngũ văn nghệ sĩ trong cuộc hành quân gian lao và vĩ đại   (01/05/2005)
Núi Bà khu Đông qua một tập sách   (29/04/2005)
"Minh triết bồ câu" làm thao thức thế giới   (29/04/2005)
Những chuyện xung quanh bài hát "Tiến về Sài Gòn"   (28/04/2005)
Nơi "người thiên hạ đồn vang"  (27/04/2005)
Bộ phim "Giải phóng Sài Gòn" được công chiếu trên toàn quốc  (26/04/2005)
Đưa sân khấu truyền thống đến với thế hệ trẻ  (26/04/2005)
Sóng (*) - Hành trình tự khám phá  (26/04/2005)
Những bài ca Cách mạng kháng chiến  (25/04/2005)
Tiếp tục khai quật di tích thành Hoàng Đế  (25/04/2005)
Đôi nét về đời sống văn hóa của người Hre, Ba na ở An Lão  (24/04/2005)
Lênin trong thơ Maiakốpxki  (22/04/2005)
Hương mùa hè: Một bộ phim tình yêu hấp dẫn  (22/04/2005)
Khó về kịch bản, nhưng quyết tâm cao  (22/04/2005)