Đỗ Phủ (712 – 770) tự là Tử Mĩ, hiệu là Thiếu Lăng, tổ quán ở Tương Dương, sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống Nho học và thơ ca. Thời trai tráng ông đã từng lang bạt khắp Ngô, Việt, Tề, Lỗ, 30 năm trường không rời lưng lừa, mãi đến năm 40 tuổi mới nhận một chức quan nhỏ thì loạn An – Sử nổ ra (năm 755). Cảm thời thế, xót dân tình và tiếc thương cho đất nước, ông đã sáng tác bài thơ nổi tiếng Xuân vọng (tháng 3-757, lúc đang bị cầm tù ở Trường An) và khá nhiều tác phẩm khác như: Nguyệt dạ, Bi Trần Đào, Ai Giang Đầu… Xuân vọng thể hiện cảnh vật mùa xuân buồn bã, thê lương và nỗi trống trải cô đơn của con người. Bài thơ có thể chia thành 2 đoạn: 4 câu đầu là mùa xuân trong cách nhìn của tác giả, 4 câu sau là nỗi đau của nhà thơ giàu tâm huyết. Dưới đây chúng tôi chỉ góp thêm cách cắt nghĩa hai câu thơ đầu mong có thể hiểu rõ hơn ý tưởng của tác giả:
Quốc phá, sơn hà tại,
Thành xuân, thảo mộc thâm.
Lâu nay các dịch giả vẫn xem chữ xuân trong câu hai là danh từ và dịch nghĩa như sau: "Nước bị tàn phá, còn sông núi,/Thành mùa xuân, cỏ cây âm u". (SGK Ngữ văn 10 thí điểm, Tập 2, Ban KHXH&NV – Phan Trọng Luận (Tổng chủ biên), NXB GD, 2003)
Từ góc độ văn tự, chúng tôi xin trao đổi thêm một cách hiểu khác: Bắt đầu từ chữ quốc, nếu chiết tự ra thì chữ này bao gồm chữ vi (vây quanh), qua (một loại vũ khí), khẩu (cái miệng, tức người lao động) và nhất (số một). Theo Lễ cổ, đất đai của thiên tử là cả thiên hạ, sau đó thiên tử căn cứ vào công lao mà ban đất, người lao động, vũ khí cho các sĩ khanh đại phu để lập quốc định bang, xây dựng chính quyền. Như vậy, câu thơ Quốc phá, sơn hà tại có nghĩa là đất nước đã bị tàn phá nhưng núi sông vẫn còn. Đất nước ở đây nên hiểu là quốc gia do một dòng họ lập nên trên lãnh thổ Trung Hoa đã bị bại lụn nhưng sông núi đất đai vẫn hằng tồn. Điều này góp phần khẳng định tính bất biến của khái niệm quốc gia và khái niệm sơn hà trong quan niệm của người Trung Quốc nói chung và Đỗ Phủ nói riêng.
Câu thơ thứ hai Thành xuân, thảo mộc thâm đã được nhiều dịch giả chuyển nghĩa rất công phu như: Thành xuân, cây cỏ mọc đầy (Trần Trọng San), Thành về mùa xuân, cây cỏ chìm trong thâm u (Trần Xuân Đề), Thành mùa xuân, cây cỏ âm u (Nguyễn Thị Bích Hải)… Những cách dịch trên đều có những chỗ đạt và chưa đạt. Theo chúng tôi, muốn sáng tỏ ý nghĩa câu thơ này cần chú ý hai từ xuân và thâm. Như trên đã nói, xuân về từ loại gốc là danh từ, nói đến một mùa trong tứ quý. Song, nếu chú ý xem xét đến yếu tố linh hoạt của việc sử dụng từ loại trong cổ văn thì chữ xuân ở đây nên hiểu là động từ. Như vậy, Thành xuân nên dịch là thành đã vào xuân (hay thành vào xuân). Cách hiểu này sẽ làm cho ý nghĩa của câu thơ trở nên linh hoạt hơn và hợp với vế sau, nhất là chữ thâm. Thâm, nếu đi với các từ chỉ về nước hay mưu chước thì nó lại có nghĩa là sâu, khi đi với từ chỉ cây cỏ thì nó lại có nghĩa là sum suê, tươi tốt. Và như vậy câu thơ trên nên hiểu là : Thành đã vào xuân, cây cỏ trở nên sum suê (tươi tốt).
Xuân vọng
Quốc phá sơn hà tại
Thành xuân thảo mộc thâm
Cảm thời hoa tiễn lệ
Hận biệt điểu kinh tâm
Phong hỏa liên tam nguyệt
Gia thư để vạn câm
Bạch đầu tao cánh đoản
Hồn dục bất thăng trâm.
Đỗ Phủ |
Với cách giải thích trên, chúng ta có thể cảm nhận được cái nhìn tinh tế của thi nhân về cảnh vật thiên nhiên đặt trong mối quan hệ với con người: "Sông núi vẫn còn đó là ở ngoài không còn gì nữa, hoa cỏ tốt tươi tức là không có người, hoa và chim thường là vật làm người vui nhưng thấy nó mà khóc, nghe nó mà buồn, tức là có thể hiểu thời thế như thế nào ?…" (Ôn công thi thoại) (*).
Hai câu thơ trên thực sự đã hé lộ cho chúng ta cảm nhận nỗi đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan và niềm tin, hi vọng vào sự trường tồn của đất nước của nhà thơ. Với ý nghĩa như vậy, Xuân vọng có thể hiểu là hi vọng, ngóng xuân cũng là mong một ngày mai tươi sáng hơn. Đây cũng là một đặc điểm khá độc đáo trong phong cách hiện thực của Thi sử Đỗ Phủ.
. Võ Minh Hải
(*) Dẫn theo Phan Ngọc, Đỗ Phủ, nhà thơ thánh với hơn 1.000 bài thơ, NXB VHTT & Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2001, tr 186.10.
|